Đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể theo tinh thần Nghị quyết số 13 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX là một trong những nội dung lãnh đạo, chỉ đạo trọng tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Kim Động trong những năm vừa qua. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, nhiều tổ hợp tác và Hợp tác xã hiện có được củng cố, nhiều Hợp tác xã với hình thức, quy mô khác nhau được thành lập mới và đã đạt được những kết quả quan trọng, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện và của tỉnh.
Triển khai Nghị quyết số 13 - NQ/TW, nhất là sau khi Luật Hợp tác xã năm 2012 được ban hành, cấp ủy, chính quyền huyện Kim Động đã tổ chức thực hiện, gắn với đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Hàng năm, Ủy ban nhân dân huyện xây dựng và ban hành kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp. Đặc biệt, Ủy ban nhân dân huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã; ban hành Quyết định số 456/QĐ-UBND về việc giao chỉ tiêu thành lập mới Hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020. Ban Chỉ đạo ban hành Kế hoạch số 01/KH-BCĐ thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, phát triển các hợp tác xã nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã năm 2012, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; thường xuyên thực hiện rà soát, củng cố, đổi mới, phát triển Hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp, đồng thời tổ chức đánh giá, phân loại các hợp tác xã trong nông nghiệp.
Dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, các phòng, ngành, đoàn thể địa phương đã tổ chức tuyên truyền trong cán bộ và nhân dân về chủ trương, chính sách của nhà nước đối với Hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; các chính sách hỗ trợ hoạt động, thành lập mới của Hợp tác xã nói chung, Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện nói riêng. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế tập thể nói chung, phát triển hợp tác xã nông nghiệp nói riêng nhằm tập hợp rộng rãi bà con nông dân, những người lao động, các hộ gia đình, các chủ trang trại tham gia vào sự phát triển nông nghiệp của địa phương. Các phòng, ban chuyên môn và các hội đoàn thể tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm giữa các Hợp tác xã, các cá nhân tiêu biểu trong phong trào phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã, tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện. Đồng thời, đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện việc sắp xếp, chuyển đổi và tổ chức lại hoạt động của các Hợp tác xã; triển khai các mô hình Hợp tác xã kiểu mới, mô hình chuỗi trong sản xuất nông nghiệp; tổ chức tập huấn kiến thức về Hợp tác xã, về liên kết chuỗi, về sản, xuất an toàn cho các thành viên Hợp tác xã, tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.
Cùng với đó, các đơn vị đã tổ chức, hỗ trợ giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương, các sản phẩm của các Hợp tác xã tại các hội chợ nông sản, hội chợ trưng bày giới sản phẩm tiêu biểu của địa phương, tại các hội nghị kết nối cung cầu... góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp của địa phương nói chung và các sản phẩm của Hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng.
Từ năm 2012 đến nay, toàn huyện Kim Động đã thành lập được 12 Hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp, giải thể tự nguyện 03 Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hoạt động yếu. Vì vậy, đến hết năm 2018, huyện Kim Động có 26 Hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp đang hoạt động, trong đó có 14 Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và 12 Hợp tác xã hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp chuyên biệt với tổng số xã viên tham gia là 947 thành viên, số vốn điều lệ trên 21,7 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người của các thành viên Hợp tác xã khoảng trên 22 triệu đồng/người/năm.
Theo thống kê của địa phương, các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ phục vụ kinh tế hộ nông nghiệp như: làm đất, thuỷ lợi, cung ứng giống, phân bón, bảo vệ thực vật. 12 hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp hoạt động kinh doanh chuyên biệt là sản xuất và cung ứng rau sạch, nhãn lồng, quả có múi, thanh long, nấm, chim bồ câu, dược liệu, vịt giống và các dịch vụ thương mại liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi. Đối với các Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn lại đa số mới thành lập nên vẫn còn trong quá trình củng cố và hoàn thiện để hoạt động. Vì vậy, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm chủ yếu là các đầu mối tiêu thụ truyền thống sẵn có, chưa có nhiều mối liên kết với các doanh nghiệp.
Một số hình thức liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được hình thành và bước đầu đem lại kết quả, như: Hợp tác xã sản xuất, dịch vụ và thương mại Học Phát liên kết với hệ thống cửa hàng Bác Tôm, Công ty cổ phần Beehud,... để tiêu thụ Thanh Long ruột đỏ. Hợp tác xã sản xuất và đầu tư thương mại phát triển nấm sạch Việt Tú liên kết với Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ Sao Mai và các tiểu thương trong và ngoài tỉnh tiêu thụ các sản phẩm nấm. Hợp tác xã sản xuất dịch vụ và thương mại nông nghiệp Hưng Thái liên kết với Công ty cổ phần rau củ quả Nhật Việt để tiêu thụ rau, củ, quả các loại và liên kết với các tư thương tiêu thụ các loại hoa... Ngoài ra, một số Hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư xây dựng kho lạnh để bảo quản hoa quả sau thu hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao như Hợp tác xã sản xuất, dịch vụ và thương mại nông sản Học Phát; Hợp tác xã sản xuất và đầu tư thương mại phát triển nấm sạch Việt Tú.
Trong giai đoạn tới, huyện Kim Động sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự phối hợp hành động của các ban, ngành, đoàn thể nhằm thúc đẩy phát triển các hợp tác xã trong nông nghiệp. Đẩy mạnh sự liên kết chặt chẽ trên cơ sở đối tác cùng phát triển, liên kết trong sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đồng thời chú trọng đầu tư vào khâu bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp phù hợp với địa phương, chủ động về thị trường tiêu thụ.
Hữu Chất