KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Lịch sử Đảng bộ Hưng Yên
Đăng ngày: 06/02/2015 - Lượt xem: 191
Kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam: Viết mãi những “pho sử vàng”

Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên không ngừng đổi mới, quan tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, cùng toàn quân và toàn dân Hưng Yên viết tiếp những trang sử rực rỡ của sự nghiệp đổi mới, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh. 

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, triều đình nhà Nguyễn từng bước đầu hàng chúng, ngày 6/6/1884, ký Hiệp ước đầu hàng dâng nước ta cho thực dân Pháp. Từ đó, nước ta trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến. Bọn thực dân thực hiện chính sách khai thác thuộc địa nhằm vơ vét tài nguyên, bóc lột sức lao động làm giàu cho tư bản chính quốc. Nhân dân lao động, trước hết là nông dân bị bần cùng hoá phải đi làm thuê trong các đồn điền, hầm mỏ, cuộc sống vô cùng cơ  cực. Không cam chịu thân phận nô lệ, các cuộc khởi nghĩa, các phong trào yêu nước của nhân dân ta chống thực dân Pháp diễn ra liên tục và sâu rộng, nhưng đều thất bại. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức chặt chẽ và thiếu lực lượng cần thiết. Cách mạng Việt Nam đã chìm trong cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước.

Giữa bối cảnh đó, ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (tức Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh) đã vượt qua tầm nhìn của các nhà cách mạng đương thời ra đi tìm đường cứu nước. Sau nhiều năm tháng bôn ba ở nước ngoài, tìm tòi, học tập, nghiên cứu các cuộc cách mạng khác nhau của phương Tây và phương Đông, tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc được đọc "Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về những vấn đề dân tộc và thuộc địa" của Lênin. Tiếp thu tư tưởng của Lê nin và cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại (1917), Người khẳng định: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản".

Từ năm 1921 đến năm 1930, Nguyễn Ái Quốc đã dày công chuẩn bị các điều kiện về lý luận, về đường lối chính trị, về tổ chức và cán bộ để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Về lý luận, Người viết nhiều bài báo, tham gia nhiều tham luận tại các đại hội, hội nghị quốc tế, viết tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” và tổ chức ra các tờ báo Thanh niên, Công nông, Lính cách mệnh, Tiền phong nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Về đường lối chính trị, năm 1927, Người xuất bản tác phẩm “Đường cách mệnh”. Về tổ chức và cán bộ, Người thành lập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội vào năm 1925, tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ tại Quảng Châu, Trung Quốc, gửi cán bộ đi học tại trường Đại học Phương Đông (ở Liên Xô trước đây) và trường Lục quân Hoàng Phố (Trung Quốc) nhằm đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam.

Nhờ hoạt động không mệt mỏi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và nhiều đồng chí cách mạng tiền bối mà những điều kiện thành lập Đảng ngày càng chín muồi. Ngày 3/2/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức cộng sản đã nhất trí thành lập một Đảng thống nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam có ý nghĩa như là một Đại hội thành lập Đảng. Hội nghị thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng xác định rõ 6 vấn đề quan trọng của cách mạng Việt Nam, từ phương hướng chiến lược, mục tiêu, nhiệm vụ, lực lượng, phương pháp, đến vấn đề đoàn kết quốc tế và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kiện cực kỳ trọng đại, đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng nước ta, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối  chính trị, về con đường cứu nước, cứu dân, thoát khỏi ách áp bức của thực dân phong kiến, thoát khỏi bần cùng lạc hậu. Từ đây cách mạng Việt Nam đã có đội tiên phong lãnh đạo là Đảng Cộng sản Việt Nam với Cương lĩnh chính trị đúng đắn, đưa cách mạng nước ta phát triển theo xu thế của thời đại: thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, được mở ra từ cuộc cách mạng Tháng Mười  Nga vĩ đại năm 1917.

85 năm qua, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách và đã viết lên những trang trang sử vàng chói lọi. Đó là các cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh (cao trào 1930 – 1931), cao trào Mặt trận dân chủ Đông Dương (1936- 1939) và cao trào giải phóng dân tộc (1939 - 1945) dẫn tới Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (1945), Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Đó là thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, được đánh dấu bằng thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu", giải phóng miền Bắc, góp phần quan trọng, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới; thắng lợi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, được đánh dấu bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và cuộc tổng tiến công Mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Tiếp đó, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ Đại hội VI (1986) đến nay đã thu được những thành tựu to lớn và toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị, không ngừng cải thiện đời sống nhân dân, đồng thời nâng cao vị thế của đất nước nước trên trường quốc tế.

Suốt quá trình thành lập và phát triển, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên tự hào là một bộ phận khăng khít của Đảng cộng sản Việt Nam. Từ một chi bộ cộng sản đầu tiên ở Sài Thị (xã Thuần Hưng, huyện Khoái Châu), với 7 đảng viên, được nhân dân ủng hộ, che chở, các tổ chức đảng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã không ngừng phát triển, vươn lên trở thành ngọn cờ lãnh đạo phong trào cách mạng của tỉnh, đưa cách mạng Hưng Yên hòa vào dòng thác cách mạng toàn quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với những thành tích to lớn trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên đã vinh dự được Bác Hồ tặng lá cờ: "Đoàn kết nhân dân, đánh thắng giặc Pháp", cờ thưởng Luân lưu làm thuỷ lợi khá nhất miền Bắc; được Đảng và Nhà nước tặng hàng chục Huân chương quân công, Huân chương chiến công và hàng vạn huân, huy chương các loại cho các cơ quan, đơn vị, cá nhân và gia đình có công lao, thành tích trong kháng chiến. Cùng với nhân dân Hải Dương, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên được Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân…

Ngày 01/01/1997, tỉnh Hưng Yên được tái lập. Đảng bộ tỉnh Hưng Yên gồm 9 đảng bộ trực thuộc. Sau một số lần điều chỉnh tách các huyện, tái lập, thành lập mới các đảng bộ cấp huyện và tương đương, đến nay, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên có 14 đảng bộ trực thuộc. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, Đảng bộ tỉnh không ngừng đổi mới, quan tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, cùng toàn quân và toàn dân Hưng Yên viết tiếp những trang sử rực rỡ của sự nghiệp đổi mới, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh. Năm 2005, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đón nhận phần thưởng cao quý Huân chương Độc lập hạng Nhất do có thành tích xuất sắc trong công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ 1997 – 2005. Nhân dịp kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh (1831 – 2011), 70 năm thành lập Đảng bộ tỉnh (1941-2011), 15 năm tái lập tỉnh (1/1/1997 -1/1/2012), Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên vinh dự đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh.

Năm 2014, trước khó khăn, thử thách do những tác động bất lợi của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, cùng ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh, song dưới sự tập trung lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của các cấp chính quyền và sự đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của toàn thể nhân dân, kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển đúng hướng, tăng trưởng khá so với cả nước, đời sống của nhân dân tiếp tục ổn định và có bước phát triển. Đó là những kết quả rất đáng tự hào, là tiền đề quan trọng để trong thời gian tới, Đảng bộ tỉnh ta tiếp tục lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng, kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2015, chào mừng đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Tự hào về Đảng quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Việt Nam nói chung và Hưng Yên nói riêng càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, nguyện đi theo Đảng, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, thực hiện thắng lợi mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thanh Mai

 

 

Tin liên quan