KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 12/03/2020 - Lượt xem: 116
Mạng xã hội, vai trò và những hệ lụy

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của xã hội, công nghệ thông tin nói chung, internet và các trang mạng xã hội (MXH) nói riêng đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống xã hội và sinh hoạt của con người. Tại Việt Nam, theo thống kê năm 2018, cả nước có khoảng 55 triệu người dùng MXH, chiếm khoảng 57% dân số. Các MXH được sử dụng phổ biến bao gồm: Facebook, YouTube, Instagram, Zalo…

Thực tế cho thấy, internet và các trang MXH đem tới cho người dùng rất nhiều tiện ích nhờ tốc độ thông tin nhanh, gần như tức thời; nội dung phong phú, hình thức sinh động, hấp dẫn. Nếu được sử dụng phù hợp, đúng mục đích, MXH giúp mỗi cá nhân trao đổi thông tin, giải trí, kinh doanh trực tuyến có hiệu quả; đồng thời, cũng là kênh thông tin quan trọng góp phần đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân nhanh chóng, kịp thời.
Song, bên cạnh những mặt tích cực, MXH cũng đem lại nhiều tác hại và hệ lụy cho mỗi cá nhân cũng như cộng đồng. Đối với cá nhân, lạm dụng mạng internet và MXH có thể dẫn tới tình trạng phụ thuộc, gây “nghiện”, làm ảnh hưởng tới chất lượng học tập, giảm sút năng suất lao động, thậm chí gây tác hại cho sức khỏe, tâm sinh lý và lối sống của con người, nhất là trong thanh, thiếu niên.
Thông tin trên MXH tuy nhanh, nhiều nhưng lại khó kiểm soát, khiến người dùng nhanh chóng rơi vào tình trạng hỗn loạn bởi thông tin không được kiểm chứng. Thông qua MXH, các đối tượng phản động, chống đối Nhà nước dễ dàng lợi dụng để tung những thông tin bịa đặt, sai sự thật, phá hoại tư tưởng, nội bộ, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây mâu thuẫn dân tộc, kích động biểu tình, bạo loạn. Những luồng thông tin xấu, độc tác động tiêu cực đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; gây hoang mang, dao động, làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Thời gian qua, trên MXH xuất hiện một số trang mạo danh các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Chính phủ cũng như các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước. Điển hình là vào tháng 4/2019, trên Facebook xuất hiện tài khoản “Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam” đã đưa nhiều thông tin sai trái. Ngày 03/4/2019, trên trang này xuất hiện nội dung chỉ đạo báo chí với tiêu đề: “Chỉ đạo chính thức của Ban Tuyên giáo Trung ương về vụ “Hôn bé gái trong thang máy”. Sau 18 giờ đăng tải, bài viết đã thu hút 1.600 lượt bình luận và gần 1.000 lượt chia sẻ. Nhiều bài viết có nội dung thông tin thất thiệt nhằm hướng dư luận một cách có chủ đích không lành mạnh đã được đăng tải và đã bị các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý.
Bên cạnh đó, thông tin sai sự thật, tin xấu, độc còn vi phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân; tình hình chiếm đoạt thông tin, làm lộ bí mật nhà nước, lộ thông tin cá nhân của người dùng cũng như hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng gây thiệt hại nghiêm trọng về nhiều mặt và hệ lụy lâu dài cho xã hội…
Vì vậy, việc quy định các biện pháp bảo vệ an ninh mạng, nhất là trên MXH có vai trò vô cùng quan trọng, là cơ sở pháp lý để triển khai các hoạt động bảo vệ an ninh mạng và điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Do vậy, Luật An ninh mạng là cơ sở pháp lý quan trọng trong phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật trên không gian mạng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân; tạo hành lang pháp lý để nâng cao năng lực bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, góp phần bảo đảm chủ quyền, an ninh, trật tự và xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh trên không gian mạng.
Ngay tại Hưng Yên, việc xử lý các đối tượng tung tin sai lệch liên quan đến dịch bệnh Covid-19 được các địa phương triển khai nghiêm túc và quyết liệt. Điển hình như tại huyện Tiên Lữ, Công an huyện đã xử phạt 12,5 triệu đồng đối với Nguyễn Thị Dịu, sinh năm 1996, trú tại thôn An Tràng, xã Trung Dũng vì có hành vi tung tin thất thiệt về tình hình dịch Covid - 19 lên Facebook. Cụ thể, vào 21h29 phút ngày 31/01/2020, tài khoản Facebook: Nguyễn Thị Dịu (đàn bà quyền lực) đăng tải lên trang cá nhân nội dung: “Cả nhà lưu ý nha. Không được ra khỏi nhà từ 4h đến 7h30 sáng mai, vì các chính phủ trên khắp cả nước đổ nước thuốc khử trùng theo máy bay, xin chuyển qua thông báo cho nhau biết”. Nội dung này đã thu hút nhiều lượt like, bình luận, chia sẻ. Đây là thông tin sai sự thật gây hoang mang trong dư luận về tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, Công an huyện Tiên Lữ đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với Nguyễn Thị Dịu về hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Qua đây, chúng ta cần nhận thức đúng đắn việc tung tin thất thiệt, sai sự thật gây hoang mang là hành vi vi phạm pháp luật và phải được ngăn chặn, xử lý. Tự do ngôn luận trên MXH cần phải tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo một không gian mạng văn minh, văn hóa, lành mạnh.
Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, mỗi cá nhân cần luôn tỉnh táo, sáng suốt trước mỗi thông tin đăng tải trên MXH. Đối với cán bộ, đảng viên, cần tuân thủ Ðiều lệ và các quy định của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gương mẫu, nêu cao trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân khi tham gia các hoạt động trong đời sống và MXH, góp phần bảo vệ, giữ vững vai trò lãnh đạo, uy tín của Ðảng và Nhà nước cũng như của chính bản thân mình trong một thế giới rộng mở và nhiều biến động hiện nay.
Trần Thị Thanh Giang
 
 

 

Tin liên quan