Công khai về tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp
Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) yêu cầu các cơ sở giáo dục phải thực hiện công khai đầy đủ trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học về các nội dung như: Các quy chế, quy định nội bộ; Danh sách giảng viên theo ngành, trình độ, chức danh và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo khác.
Ngày hội tư vấn hướng nghiệp cho sinh viên của Học viện Báo chí - Tuyên truyền tổ chức. Ảnh: TH
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục này còn phải công khai kết quả kiểm định chương trình đào tạo, kiểm định cơ sở giáo dục đại học; Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, hình thức đào tạo, kế hoạch tổ chức đào tạo; Đề án tuyển sinh và kế hoạch tuyển sinh, danh sách nhập học và tốt nghiệp hằng năm theo ngành, trình độ đào tạo, quy mô đào tạo và tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp; Chỉ tiêu tuyển sinh, quyết định mở ngành, quyết định liên kết đào tạo cùng với hồ sơ chứng minh đủ điều kiện theo quy định.
Cũng tại Nghị định này, lần đầu tiên Chính phủ quy định văn bằng có trình độ tương đương là văn bằng được cấp cho các ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù, thuộc hệ thống giáo dục đại học, gồm: Bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ truyền, bằng dược sĩ, bằng bác sĩ thú y, bằng kỹ sư, bằng kiến trúc sư và một số văn bằng khác theo quy định riêng của Chính phủ.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/02/2020.
Sửa quy định về Hội đồng định giá tài sản
Có hiệu lực từ ngày 15/2/2020, Nghị định 97/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự.
Cụ thể, thay vì quy định thành lập Hội đồng định giá theo vụ việc ở trung ương, Nghị định 97/2019/NĐ-CP sửa đổi: Hội đồng định giá theo vụ việc được thành lập ở bộ, cơ quan ngang bộ (cấp bộ) và Hội đồng định giá theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, Hội đồng định giá theo vụ việc cấp bộ do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực đối với tài sản cần định giá theo quy định của pháp luật quyết định thành lập để thực hiện định giá trong các trường hợp cụ thể.
Bổ sung mức phạt vi phạm trong lĩnh vực thú y
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định 04/2020/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 31/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Nghị định 90/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
Theo đó, Nghị định bổ sung quy định phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với người nhập cảnh hoặc quá cảnh lãnh thổ Việt Nam khi mang theo sản phẩm động vật tươi sống, sơ chế hoặc chế biến từ quốc gia, vùng lãnh thổ đang có dịch bệnh động vật nguy hiểm trên loài động vật đó.
Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung khoản 10 Điều 20 vi phạm về vận chuyển, kinh doanh, thu gom, lưu giữ, kiểm soát, giết mổ động vật trên cạn; sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật để kinh doanh. Cụ thể, tăng mức phạt tiền từ 30 - 35 triệu đồng lên mức phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển, kinh doanh, lưu giữ, giết mổ động vật để làm thực phẩm mà động vật đó bị sử dụng thuốc an thần không theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú ý có thẩm quyền.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 18/2/2020.
Có hiệu lực từ 20/2/2020, Nghị định 06/2020/NĐ-CP ban hành ngày 3/1/2020 về sửa đổi Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.Áp dụng quy định mới về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
Cụ thể, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư mà phải di chuyển cả cộng đồng dân cư, làm ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống, kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa của cộng đồng; dự án thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện như sau:
Trường hợp thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư mà phải xây dựng khu tái định cư tập trung thì trong các nội dung quy định phải bao gồm cả khu vực thu hồi đất để xây dựng khu tái định cư tập trung đó.
Căn cứ vào khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định, UBND cấp tỉnh tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án thực hiện tại địa phương sau khi đã có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ, ngành có dự án đầu tư; tổ chức thực hiện và quyết toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với Bộ, ngành có dự án đầu tư.
Vi bằng không có giá trị thay thế văn bản công chứng, chứng thực
Kể từ ngày 24/2/2020, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại có hiệu lực pháp luật, quy định về Thừa phát lại, tổ chức hành nghề của Thừa phát lại, thẩm quyền, phạm vi, thủ tục thực hiện công việc của Thừa phát lại và các vấn đề liên quan khác.
Trong đó, Thừa phát lại được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc, trừ các trường hợp không được lập vi bằng theo quy định tại Nghị định này.
Nghị định quy định rõ: Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác, nhưng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Chi phí lập vi bằng và xác minh điều kiện thi hành án do người yêu cầu và Văn phòng Thừa phát lại thỏa thuận theo công việc thực hiện hoặc theo giờ làm việc. Văn phòng Thừa phát lại quy định và phải niêm yết công khai chi phí lập vi bằng và xác minh điều kiện thi hành án, trong đó xác định rõ mức tối đa, mức tối thiểu, nguyên tắc tính…/.