KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 05/11/2019 - Lượt xem: 78
Những thuỷ thủ xứ Nhãn Lồng trên chiến hạm Quang Trung

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, tiếp bước cha anh, lớp lớp thanh niên hiểu rõ nghĩa vụ của mình đã hăng hái lên đường làm nghĩa vụ quân sự, học tập thi vào các trường quân sự để phấn đấu trở thành những Sĩ quan Quân đội nói chung, Hải quân nói riêng. Những năm qua, phát huy truyền thống quê hương văn hiến, anh hùng, là tỉnh không có biển nhưng nhiều người con Hưng Yên đã phấn đấu trở thành Sĩ quan Hải quân giỏi, trong số đó phải nói tới đó là 4 thủy thủ trên chiến hạm Quang Trung - tàu hộ vệ uy lực nhất của Hải quân Việt Nam hiện nay.

Cán bộ, chiến sỹ tàu Quang Trung
Trở thành một thủy thủ trên con tàu hiện đại nhất đã là khó, thế mà 4 thủy thủ của Hưng Yên lại là những người có vị trí chủ chốt trên chiến hạm này. Trước hết là Thuyền trưởng Hoàng Anh, sinh năm 1978, quê xã Tiên Tiến huyện Phù Cừ. Cuối năm lớp 12, sự lựa chọn vào Học viện Hải quân chỉ là sự tình cờ của gia đình, nhiều người không nghĩ là đến nay Hoàng Anh lại trưởng thành đến thế. Tốt nghiệp Học viện Hải quân năm 2002, Hoàng Anh được phân công về Lữ đoàn 162. Ở đây, anh đã vượt qua mọi khó khăn, nỗi nhớ xa quê, không ngừng phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành khá nhanh từ Trưởng ngành hàng hải đến Phó thuyền trưởng quân sự rồi thuyền trưởng tàu tên lửa. Với sự tiến bộ rõ nét, chỉ huy cấp trên nhận thấy Hoàng Anh có tố chất lãnh đạo nên đã cho anh đi học để nâng cao trình độ quản lý. Năm 2015 Hoàng Anh tốt nghiệp chỉ huy tham mưu cấp chiến thuật - chiến dịch, sau đó được giao nhiệm vụ Phó thuyền trưởng tàu hộ vệ tên lửa 011 Đinh Tiên Hoàng. Từ tháng 4 năm 2016 đến nay Hoàng Anh được bổ nhiệm làm Thuyền trưởng tàu hộ vệ 016 - Quang Trung.
Tôi hỏi: Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình làm thủy thủ của Hoàng Anh là gì? Thuyền trưởng Hoàng Anh cho biết: “Đó là chuyến hành trình tới liên bang Nga của thủy thủ đoàn tham dự dự lễ duyệt binh tàu nhân kỷ niệm 323 năm ngày truyền thống Hải quân Nga tháng 7 vừa qua. Chuyến đi với hành trình dài hơn 4700 hải lý, đây là một trong những chuyến đi biển dài nhất của tôi từ trước tới nay. Trong suốt hành trình qua, tàu đã đi qua các vùng biển của Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Nga. Nhiều lúc trời mù sương dày đặc, tầm nhìn quang học bằng 0 hoặc có khu vực sóng to, gió lớn của hai cơn bão nhưng chỉ huy tàu và các thủy thủ đã vượt qua mọi khó khăn, tổ chức nghiêm túc công tác đi ca, trực quan sát, phát hiện mục tiêu trên không, trên biển đảm bảo tốt hành trình, an toàn tuyệt đối về mọi mặt, chiến hạm 016 - Quang Trung của Hải quân nhân dân Việt Nam đã đến cập cảng Vladivostok đúng thời gian như kế hoạch”.
Thuyền trưởng Hoàng Anh cho biết thêm: “Tôi được trưởng thành như ngày hôm nay là nhờ công lao nuôi dạy của bố mẹ, sự động viên của gia đình, người thân từ quê hương. Bạn chí cốt của tôi là đồng chí Thiện hiện nay là Phó ban Tuyên giáo Huyện ủy Phù Cừ đã động viên tôi: “Bạn cứ yên tâm công tác, bố mẹ ở nhà có việc gì tôi sẽ lo lắng”, Thiện thật sự là cầu nối giữa tôi và bố mẹ ở quê, từ đó như tiếp lửa cho tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ để mỗi dịp về quê tôi được hãnh diện với bạn bè”.
Tiếp đó là Thiếu tá, Thuyền phó Vũ Khánh Hải, sinh năm 1983, quê xã Nhuế Dương huyện Khoái Châu. Một thuận lợi với Hải là bố, mẹ đều là giảng viên của Học viện Hải quân, do đó lúc tuổi thơ Hải đã yêu mến chiến sĩ Hải quân. Năm 2007, Hải tốt nghiệp học viện Hải quân về chuyên ngành điều khiển tàu biển, anh gắn bó với Lữ đoàn 162 từ năm 2007 đến nay. Trước khi nhận nhiệm vụ trên tàu Gepard 016, anh lần lượt giữ cương vị là trưởng ngành, thuyền phó, thuyền trưởng tàu pháo 261, tàu tên lửa 373. Những đóng góp, cống hiến hết mình của anh được minh chứng bằng những kết quả cao trong các đợt diễn tập và bắn đạn thật nhiều năm liền. 3 năm liên tục (2014-2016), anh là “Thuyền trưởng tàu chiến đấu” tiêu biểu xuất sắc nhất Quân chủng Hải quân cùng nhiều phần thưởng cấp toàn quốc, toàn quân…Với nhiều thành tích nổi bật, Khánh Hải liên tiếp được lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp gỡ, trao thưởng. Năm 2016, anh là một trong những ngôi sao quyết thắng, trong buổi lễ trao giải thưởng gương mặt trẻ tiêu biểu, triển vọng toàn quân. Năm 2017, Khánh Hải tiếp tục được dự lễ trao giải thưởng “Cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi toàn quốc” tặng 45 cán bộ, công chức, viên chức trẻ xuất sắc trên các lĩnh vực lao động, học tập, công tác; luôn chủ động xung kích, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ; tiêu biểu cho tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”. Đây là những gương mặt trẻ được bình xét từ 244 hồ sơ của 60 tỉnh đoàn, thành đoàn và đoàn trực thuộc. Hải là một trong bốn sĩ quan lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam. Tại buổi lễ Hải rất nhớ lời dạy của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Gành được danh hiệu, giành được sự kính trọng và lòng yêu mến đã khó nhưng giữ được danh hiệu, giữ được lòng yêu mến còn khó hơn rất nhiều. Đây mới chỉ là những kết quả của cố gắng bước đầu, chặng đường sắp tới còn dài, còn lắm gian nan". Trò chuyện với Khánh Hải cho biết: “Ấn tượng trong quá trình công tác đó là sang Nga dự lễ duyệt binh tàu vừa qua, sang đó được tận mắt thấy sự hùng mạnh và hiện đại của Hải quân Nga. Do đó, những thành tích mà tôi đạt được còn rất khiêm tốn, tôi phấn đấu giỏi chuyên môn nghiệp vụ và tiếng Nga để học tập được nhiều kiến thức chuyên ngành Hải quân nói chung và làm chủ con tàu nói riêng”. Khánh Hải có người vợ hiền Lê Thị Thủy, là giáo viên của học viện Hải Quân, chuyên ngành Tư tưởng Hồ Chí Minh. Thi đua với thành tích của chồng, cô giáo Thủy mặc dù vừa mới sinh con được 2 tháng nhưng 2 mẹ con đã ra Hà Nội để học thạc sĩ nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Học viện Hải Quân.
Khác với Thuyền trưởng Hoàng Anh, Thuyền phó Khánh Hải, A trưởng điện tàu (Tiểu đội trưởng) Trung úy chuyên nghiệp Vũ Quang Điệp (sinh năm 1983, quê ở xã Phú Cường, thành phố Hưng Yên). Sau khi nhập ngũ, năm 2004, Điệp được đi học lớp Sơ cấp vận hành máy điện rồi ra Trường Sa công tác 6 năm, với thành tích nhiều năm là chiến sĩ tiên tiến, chiến sỹ thi đua, năm 2010 Điệp được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Được rèn luyện ở môi trường đầu sóng, ngọn gió và ham học hỏi, Điệp tiếp tục được cấp trên cho đi học lớp Trung cấp kỹ thuật điện Hải quân (nay là trường Cao đẳng kỹ thuật Hải Quân), rồi sang Nga học 6 tháng về vận hành hệ thống điện tàu Gepard 016. Điệp chia sẻ: “Sang đó học có phiên dịch và sẵn có kiến thức về ngành điện Hải quân nên tôi cũng nhanh chóng nắm bắt được những quy trình chính của việc vận hành hệ thống điện tàu, tuy nhiên một số chi tiết kỹ thuật phiên dịch chưa đầy đủ hoặc chưa chính xác, chúng tôi phải tự tìm hiểu và khai thác để làm chủ các thiết bị điện trên tàu nhằm chủ động xử lý các tình huống sự cố có thể xảy ra, nhất là chủ động chuẩn bị các vật tư dự phòng để chuẩn bị tốt nhất cho hệ thống điện tàu hoạt động dài ngày trên biển”. Là lính hải quân, hơn nữa Điệp lại có thời gian công tác ở đảo Trường Sa, nên việc tìm hiểu cô gái nào để lấy vợ cũng thật khó, nhưng chuyện vợ chồng là “duyên số”, qua người nhà giới thiệu làm quen, Điệp đã bén duyên cùng Trần Thị Diệu Thúy người cùng quê. Điệp khoe với tôi: các cô, các bác thường động viên vợ em: “Chỉ có phụ nữ anh hùng mới dám lấy chồng bộ đội hải quân”, hơn nữa em là con một nên các công việc đối nội, đối ngoại đều do vợ em lo liệu. Một năm, chỉ được ít ngày phép, việc nuôi, dạy các con đều do vợ em kiêm luôn cả vai người cha khá vất vả. Em rất vui về kết quả học tập của con gái lớn học giỏi được tặng học bổng Vừ A Dính. Vợ em học Đại học Kinh tế quốc dân, mấy năm nuôi con nhỏ không đi làm được, vừa rồi mới đi làm kế toán tại công ty nước sạch gần nhà. Vợ thực sự là hậu phương vững chắc để em yên tâm công tác ở tiền tuyến.
Còn Trung úy chuyên nghiệp trẻ Nguyễn Văn Tuynh (sinh năm 1994, quê xã Văn Nhuệ, Ân Thi) trắc thủ chống ngầm chiến hạm 016 - Quang Trung.  Ngay từ bé Tuynh đã thích bơi, đến lớp 2 đã bơi giỏi. Khi học xong lớp 12, vào dịp tuyển quân có đơn vị Hải quân về thâm nhập tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ - đúng với sở thích của Tuynh, thế là chàng trai trẻ hăng hái hăng hái lên đường làm nghĩa vụ quân sự năm 2012. Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện 3 tháng, đến tháng 9/2013 Tuynh thi đậu vào Trường trung cấp kỹ thuật Hải Quân tại Cát Lái, thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2015 với bằng tốt nghiệp loại khá, Tuynh được về công tác tại Ngành 3 - Tàu 13 - Lữ đoàn 171 vùng 2 Hải quân. Với sức khỏe tốt, ham học hỏi, rèn luyện Tuynh luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Do đó, tháng 4 năm 2016 Tuynh được cấp trên tuyển chọn về công tác tại tàu 016 - Quang Trung.
Đồng chí Trần Thị Thanh Thủy, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng đoàn công tác Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại tỉnh thăm tàu Quang Trung
Trong chuyến thăm và làm việc của đoàn cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy do đồng chí Trần Thị Thanh Thủy - Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã tới thăm chiến hạm Quang Trung. Đoàn cán bộ đã tặng chút quà hương vị quê hương động viên các thủy thủ luôn yên tâm công tác bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển của Tổ quốc, không ngừng rèn luyện nâng cao trình độ kỹ chiến thuật góp phần xây dựng lực lượng Hải quân theo phương châm: cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Được động viên, anh em thủy thủ rất phấn khởi, giới thiệu vài nét về con tàu chiến hiện đại và kể cho chúng tôi nghe về kết quả chuyến sang Nga vừa qua. Sau chuyến đi, cho thấy cán bộ chiến sĩ đã làm chủ được con tàu do chính Nga hạ thủy và đây cũng là niềm tự hào của những thủy thủ hải quân trẻ của Việt Nam đã nhanh chóng nắm bắt, làm chủ, vũ khí mới do Nga sản xuất. 
Chia tay hạm trưởng Hoàng Anh và các thủy thủ, nhìn những gương mặt dạn dày sóng biển, những ánh mắt của các anh ánh lên niềm tin tưởng vào sức mạnh của những thủy thủ trên chiến hạm Quang Trung. Các anh cho biết sẽ không ngừng rèn luyện, phấn đấu xứng đáng với quê hương Hưng Yên có nhiều sỹ quan cấp cao trong quân đội và xứng đáng với tên tàu Quang Trung - người anh hùng áo vải của dân tộc Việt Nam. Qua chuyến thăm thật sự ý nghĩa đối với đoàn bởi đây là dịp gắn lý luận với thực tiễn của đoàn cán bộ Ban Tuyên giáo tỉnh. Mỗi cán bộ Tuyên giáo sẽ tuyên truyền về việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Hải quân Việt Nam được sinh động, hấp dẫn hơn, mối quan hệ giữa tiền tuyến và hậu phương gắn bó hơn nhằm góp phần thực hiện tốt hơn 2 nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN.
Cao Văn Khởi
 
 
Tin liên quan