Quá trình vận động thành lập Tỉnh ủy lâm thời Hưng Yên (tháng 7/1941)
Hội nghị các chi bộ Đảng ở Ninh Thôn có ý nghĩa lịch sử cực kỳ quan trọng, đây là sự đánh dấu bước phát triển cao của phong trào phản đế ở địa phương, là kết quả của sự bền bỉ vận động quần chúng, chủ yếu là quần chúng nông dân, qua các bước thăng trầm của phong trào kéo dài hàng chục năm. Nó là mốc đánh dấu việc chính thức thành lập Đảng bộ tỉnh Hưng Yên, thể hiện sự lớn mạnh của phong trào cách mạng của tỉnh, từ sau khi Chi bộ Đảng đầu tiên ra đời vào cuối năm 1929. Đây chính là bước ngoặt lớn trong phong trào cách mạng của tỉnh Hưng Yên thời kỳ mới.
Năm 1873, thực dân Pháp đánh chiếm Hưng Yên và sau 10 năm (1883), chúng hoàn thành ách cai trị trên toàn tỉnh. Kể từ ấy, dù bị đàn áp dã man, cùng với những các phong trào yêu nước, các cuộc khởi nghĩa trong toàn quốc, nhân dân Hưng Yên không ngừng có các hành động nhằm giành lại độc lập cho quê hương, đất nước. Năm 1925 nhiều nơi như: tỉnh lỵ Hưng Yên, Khoái Châu đã dấy lên phong trào để tang cụ Phan Chu Trinh, đòi ân xá cụ Phan Bội Châu. Năm 1928-1929, ở một số địa phương thuộc các huyện Khoái Châu, Văn Giang, Yên Mỹ, Mỹ Hào, Văn Lâm đã có nhiều người tham gia Việt Nam Quốc dân Đảng do Nguyễn Thái Học lãnh đạo. Trong số đó, có những người là nhân vật chủ yếu của Việt Nam Quốc dân Đảng như: Phó Đức Chính, Lê Tùng Sơn, Nguyễn Phương Thảo (Nguyễn Bình), Tô Hiệu, Tô Chấn...
Năm 1928, đồng chí Nguyễn Tiến Trạc là cán bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên về quê ngoại của mình (thôn Đại Quan, Khoái Châu), gây dựng cơ sở ở Sài Thị. Khi đồng chí Trạc chuyển đi nơi khác, đồng chí Cả Lâm (Tùng Sơn) về thay, tiếp tục tuyên truyền, giác ngộ một số thanh niên ở đây. Cuối năm 1928, Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Sài Thị được thành lập, gồm 7 đồng chí. Đây là tổ chức Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đầu tiên được thành lập ở Hưng Yên.
Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Sài Thị có nhiều hoạt động tích cực như: in tài liệu (tại nhà ông Đào Ngọc Hoan), xây dựng cơ sở, tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, vận động nhân dân chống sưu cao, thuế nặng, chống bắt phu, bắt lính. Chi bộ phân công đảng viên tới các thôn Thuần Lễ, Quan Xuyên, Lan Đình (Khoái Châu), Giai Thôn, ấp Nhân Lý (Ân Thi) tuyên truyền cách mạng. Cuối năm 1929, Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Sài Thị chuyển thành Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Sài Thị.
Tháng 10-1930, cấp trên đã cử người về Sài Thị chuyển Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Sài Thị thành Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương Sài Thị. Nhóm Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Đại Quan (Khoái Châu) chưa đủ điều kiện gia nhập Đảng Cộng sản được chuyển thành tổ chức Nông hội đỏ. Nhóm này cũng phát triển thêm tổ chức Nông hội đỏ ở ấp Nhân Lý (Ân Thi).
Cũng trong thời gian này, đồng chí Ngô Thị Nhung (người thôn Ngọc Lập, Mỹ Hào) hoạt động ở mỏ than Hòn Gai, Mạo Khê, bị mật thám bắt giam tại Hỏa Lò (Hà Nội). Mãn hạn tù, đồng chí bị quản thúc tại quê nhà. Vượt qua sự kiểm soát của địch, đồng chí đã tuyên truyền cách mạng, xây dựng cơ sở và bắt liên lạc với cấp trên, đưa sách, báo cách mạng về cơ sở. Cuối năm 1930, Chi bộ Đảng Cộng sản Ngọc Lập được thành lập gồm các đồng chí Ngô Thị Nhung, Ngô Thị Sâm, Phạm Huy Hiền, Huy Chương, Ngọc Mẫn do đồng chí Tư Già phụ trách. Đây là Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Mỹ Hào.
Tuy số lượng đảng viên chưa nhiều, cơ sở cách mạng chưa rộng, nhưng hoạt động của các chi bộ Đảng và các tổ chức Nông hội đỏ ở Hưng Yên đã tương đối mạnh. Việc tuyên truyền, giác ngộ, treo cờ Đảng, dán áp phích, rải truyền đơn giới thiệu Cương lĩnh của Đảng… đã thức tỉnh lòng yêu nước của quần chúng nhân dân trên địa bàn.
Trước những hoạt động mạnh mẽ của tổ chức Đảng Cộng sản và các tổ chức cách mạng, thực dân Pháp cho mật thám ráo riết lùng sục. Đầu tháng 2-1931, đồng chí Tư Già- Bí thư Chi bộ Ngọc Lập bị địch bắt, đồng chí Ngô Thị Nhung được cấp trên điều đi hoạt động ở nơi khác, Chi bộ Ngọc Lập không hoạt động được nữa. Đến tháng 8-1931, đồng chí Vũ Văn Hồ, đảng viên cuối cùng của Chi bộ Đảng Sài Thị bị mật thám bắt. Đây là thời kỳ khó khăn cho Hưng Yên, các cơ sở cách mạng không hoạt động được nữa, phong trào tạm thời lắng xuống.
Đến giữa năm 1936, cùng với phong trào Bình dân tại Pháp, Mặt trận nhân dân phản đế được thành lập. Với sự đấu tranh kiên quyết của Đảng ta, lại được sự ủng hộ tích cực của Đảng Cộng sản Pháp, hàng ngàn chính trị phạm ở các nhà tù: Sơn La, Buôn Ma Thuật, Côn Đảo, Chợ Chu... đã được thả tự do, trở về tiếp tục hoạt động xây dựng củng cố cơ sở, tạo dựng phong trào. Ở Hưng Yên, đồng chí Trần Cung từ Côn Đảo trở về, đã tiếp tục lãnh đạo chỉ đạo phong trào. Từ các cơ sở trước tại Đa Lộc (Ân Thi), đồng chí đã phát triển sang các thôn Thổ Cốc, Hoàng Xuyên, Từ Ô và tổ chức thành lập các Hội Tương tế, Hội Ái hữu…
Ở Văn Giang, đồng chí Tô Hiệu sau khi mãn hạn tù trở về làng Xuân Cầu đã tổ chức thành lập các Hội truyền bá Quốc ngữ, Hội Tương tế, Hội Tập võ, Hội Đá bóng, Hội Bát âm và Tổ đọc sách báo… Đồng thời, thông qua các hình thức Hội này để tuyên truyền cách mạng.
Đầu năm 1938, tại thôn An Xuyên (Như Quỳnh, Văn Lâm) các thanh niên tiến bộ như: Thu Hạ, Lưu Bá Thịnh đã tới thôn Dương Quang, Liễu Khê, Liễu Ngạn (Thuận Thành, Bắc Ninh), Ngu Nhuế (Văn Lâm) bắt liên lạc với cách mạng, tham gia sinh hoạt và được kết nạp vào Đoàn Thanh niên dân chủ. Tại Ngu Nhuế, đồng chí Trần Xuân Doanh đã lựa chọn một số thanh niên dân chủ có hoạt động xuất sắc kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 2-1938, Chi bộ ghép Liễu Khê-Liễu Ngạn-Ngu Nhuế được thành lập. Đây là Chi bộ đầu tiên của huyện Văn Lâm.
Trong khoảng thời gian đầu năm 1938, nhà sư chùa Tùng Lâm (Yên Mỹ) là Nguyễn Hồng Trực đã được đồng chí Nguyễn Hồng Cử tuyên truyền bằng cách đưa cho xem các báo như: Ngày Nay, Tiến Lên cùng một số tài liệu để tổ chức Hội Đọc sách báo ngay trong chùa Tùng Lâm. Sau đó nhà chùa lại được đón hai nhà sư Đăng Tâm và Đăng Trực từ chùa Diều (thị xã Hưng Yên) tới tham gia.
Năm 1940, phong trào cách mạng ở Hưng Yên được củng cố với sự chắp nối từ nhiều mối. Phía Nam, có mối của Xứ uỷ từ Thái Bình sang Phù Cừ sau đó phát triển lên Ân Thi, Kim Động. Phía Bắc, có mối từ Bắc Ninh tới Văn Lâm và Mỹ Hào. Trong những cán bộ lãnh đạo cách mạng ở Hưng Yên lúc đó, có cả các đồng chí do cấp trên cử về, có cả đồng chí từ nơi khác tạm lánh tới. Những cán bộ mới tới đã cùng những cốt cán của địa phương trao đổi, rút kinh nghiệm để tìm cách hoạt động đạt kết quả tốt. Trên cơ sở đó, đầu năm 1941, ở Hưng Yên đã lần lượt ra đời các chi bộ Đảng. Đầu tiên là Chi bộ ghép Nhân Dục (Kim Động) - thị xã Hưng Yên được thành lập (tháng 2-1941), sau đó đến các Chi bộ ghép Quế Lâm - Ải Quan (Phù Cừ), Chi bộ ghép Ninh Thôn - Trai Thôn (Ân Thi). Đến giữa năm 1941, Chi bộ Ngải Dương (Văn Lâm) được Đảng bộ Bắc Ninh giới thiệu về. Số đảng viên cộng sản trong toàn tỉnh lúc đó lên tới 15 đồng chí.
Tuy phong trào cách mạng ở Hưng Yên đã phát triển mạnh mẽ hơn trước nhưng chưa đều khắp, các tổ chức vẫn chưa được thống nhất vào một mối. Chính sự phát triển của phong trào lúc này đòi hỏi phải có sự thống nhất các cơ sở lại và cử ra cơ quan lãnh đạo chung. Những công việc chuẩn bị đã được tiến hành vào giữa năm 1941. Đầu tháng 7-1941, được sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ, tỉnh đã mở Hội nghị các chi bộ Đảng ở Ninh Thôn (Ân Thi). Hội nghị đã thảo luận tình hình trong nước, quốc tế, học nghị quyết của Trung ương. Hội nghị cũng đã thống nhất một số nội dung chính như: chuyển Mặt trận phản đế thành Mặt trận Việt Minh; tích cực chống khủng bố của địch. Đặc biệt Hội nghị đã cử được Ban Tỉnh ủy lâm thời gồm 5 đồng chí: Liệu, Vũ, Biểu, Thọ, Ái. Đồng chí Liệu (Nguyễn Thanh Liệu) được cử làm Bí thư.
Hội nghị các chi bộ Đảng ở Ninh Thôn có ý nghĩa lịch sử cực kỳ quan trọng, đây là sự đánh dấu bước phát triển cao của phong trào phản đế ở địa phương, là kết quả của sự bền bỉ vận động quần chúng, chủ yếu là quần chúng nông dân, qua các bước thăng trầm của phong trào kéo dài hàng chục năm. Nó là mốc đánh dấu việc chính thức thành lập Đảng bộ tỉnh Hưng Yên, thể hiện sự lớn mạnh của phong trào cách mạng của tỉnh, từ sau khi Chi bộ Đảng đầu tiên ra đời vào cuối năm 1929. Đây chính là bước ngoặt lớn trong phong trào cách mạng của tỉnh Hưng Yên thời kỳ mới.
Nguyễn Văn Hạnh
(Trưởng phòng Nghiên cứu lịch sử Đảng)