KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Lịch sử Đảng bộ Hưng Yên
Đăng ngày: 20/01/2015 - Lượt xem: 186
Quân và dân Hưng Yên trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mà đỉnh cao là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, cùng với các địa phương trong cả nước, quân và dân Hưng Yên đã hăng hái đóng góp sức người, sức của cho chiến trường, đồng thời tích cực xây dựng lực lượng, triển khai chiến đấu tại địa phương.

Quân dân cả nước hăng hái đóng góp sức người, sức của cho chiến trường Điện Biên Phủ Cuối tháng 9, đầu tháng 10 năm 1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp bàn về kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 – 1954 và ra Nghị quyết lịch sử về chủ trương tác chiến Đông Xuân 1953-1954. Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh vạch kế hoạch tác chiến  chiến lược và giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, địa phương. Liên Khu 3, Khu Tả ngạn và Thành đội Hà Nội được giao nhiệm vụ “Đánh địch mạnh mẽ, tiêu hao, tiêu diệt địch, đánh phá các đường giao thông thủy, bộ và sân bay, giam chân chủ lực địch”.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, tranh thủ lúc địch chưa đánh tới, Liên khu ủy và các đảng bộ các tỉnh phổ biến chủ trương phát động quần chúng tiến hành cải cách ruộng đất, động viên cao độ tất cả các ngành quân, dân, chính, đảng và toàn thể nhân dân với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, “Quyết tâm đánh bại kế hoạch Na-va”. Các đơn vị chủ lực của khu và bộ đội địa phương luân phiên tiến hành chỉnh quân chính trị, chỉnh huấn quân sự, tích trữ, lương thực, đạn dược. Hàng ngàn thanh niên được động viên tòng quân, hàng vạn đồng bào được tổ chức tham gia mở đường và vận chuyển vật chất chuẩn bị cho chiến dịch.
Đến cuối tháng 10 năm 1953, Tỉnh đội đã phát động chủ trương “Tích cực nắm sơ hở của địch, giành chủ động tiến công tiêu diệt địch và đẩy mạnh các hoạt động du kích, chú trọng đánh phá càn quét nhỏ” để phối hợp với quân dân Ninh Bình đang chống, đánh cuộc hành quân Hải Âu của địch. Đến ngày 06/11/1953, địch quay về Thái Bình mở chiến dịch Con Trâu (27/11/1953) và chiến dịch Diều Hâu (12/12/1953), Khu ủy và Bộ Tư lệnh chỉ đạo cụ thể các hoạt động ở đường 5 để phối hợp và chi viện cho Thái Bình. Đây là thời điểm quan trọng để củng cố lực lượng, chuẩn bị và thực hành chiến đấu đối với cả ta và địch. Liên chi ủy và Chỉ huy Tỉnh đội đã chủ trương “vừa tập trung tác chiến, vừa khẩn trương xây dựng, mở rộng lực lượng, nhất là đối với bộ đội tỉnh” theo phương châm “nâng cao chất lượng là chính, tranh thủ phát triển số lượng, chú trọng quân báo và thông tin liên lạc”. Tích cực mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn quân sự cho cán bộ, trong đó chú trọng nội dung lãnh đạo bước vào chuẩn bị chiến đấu và thực hành tác chiến.
Những hoạt động quân sự kháng chiến Đông Xuân 1953-1954 ở Hưng Yên diễn ra trong 3 đợt. Đợt 1 được bắt đầu từ đêm ngày 8, rạng ngày 9/11/1953, có nhiều trận thắng lớn: như diệt vị trí Thiết Trụ, huyện Khoái Châu, đánh đắm 1 ca nô địch tuần tiễu trên sông Hồng, uy hiếp và làm ngừng trệ vận tải thủy của địch hàng tuần lễ; săn đánh tàu chiến, bắn chìm ca nô địch tại Phù Liệt, huyện Văn Giang (ngày 17/11/1953); tiêu diệt vị trí Vĩnh An, Vĩnh Khúc, Văn Giang, diệt 16 tên, bắt 74 tên, xóa sổ một đơn vị gồm toàn những tên gian ác ở các địa phương dồn về đây để xây dựng đơn vị theo mô hình tiểu đoàn khinh quân bổ trợ. Thành tích nổi bật trong hoạt động đợt 1 và cũng là trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp ở Hưng Yên là trận bộ đội tỉnh diệt gọn cụm cứ điểm Dị Sử, Mỹ Hào (đêm 15, rạng sáng 16/12/1953). Đã diệt tại trận 90 tên, bắt 186 tên (trong đó có 2 quan Hai, 1 quan Một là 35 lính Âu - Phi), bắt sống tên Quận trưởng và tên đại đội trưởng địa phương. Đây là thắng lợi lớn, mở ra khả năng mới của quân và dân Hưng Yên trong tiêu diệt các điểm phòng ngự của địch trên địa bàn tỉnh. Là đòn đánh mạnh vào hệ thống chiếm đóng của địch, phá vỡ một mảng phòng thủ trọng yếu trên tuyến giao thông huyết mạch Hải Phòng – Hà Nội, làm địch lúng túng thêm trong việc “nhổ quân” tập trung xây dựng lực lượng cơ động chiến lược với “chôn chân” quân viễn chinh làm nhiệm  vụ chiếm đóng để giữ giao thông vận tải chiến lược. Đợt 1 hoạt động Đông Xuân 1953-1954 ở Hưng Yên đã đánh dấu một năm đầy chiến công và sự trưởng thành vượt bậc của quân và dân toàn tỉnh.
Cuối tháng 12/1953, địch gấp rút tăng cường lực lượng hòng biến Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh, trong khi chủ lực của ta hoạt động mạnh trên chiến trường Thượng Lào, Tây Bắc khiến địch bị động, tìm cách rút lực lượng cơ động ở đồng bằng để đối phó với mặt trận chính. Trước tình hình trên, Liên khu ủy, Bộ Tư lệnh Liên khu 3 và khu Tả Ngạn họp bàn xác định phương hướng, chủ trương tiếp tục tiến công địch. Khu ủy đề ra 7 nhiệm vụ cụ thể, trong đó có 3 nhiệm vụ cần làm ngay đối với Hưng Yên, gồm: Tích cực đánh địch, phá càn quét và xây dựng lực lượng; tích cực chống địch bắt lính bằng con đường vào du kích để chiến đấu; tranh thủ nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết, phá âm mưu chia rẽ của địch. Khu phát động đợt 2 Đông Xuân từ ngày 1/1/1954 (trùng vào ngày Tết Nguyên đán Giáp Ngọ) nhằm phối hợp với các chiến trường Ninh Bình, Thái Bình, Thượng Lào và “Trần Đình” (bí danh của chiến dịch Điện Biên Phủ). Nhiệm vụ của Hưng Yên trong đợt 2 vẫn bám phương châm của đợt 1 và bổ sung tinh thần “căng địch ra, kéo lực lượng cơ động của địch về không cho chúng đưa nhiều lực lượng tại địa phương đi chiến trường khác”. Bộ và Khu ủy chỉ thị rõ “Đánh phá mạnh mẽ tuyến đường sắt, đường 5 của địch, làm cho chúng không thực hiện được tiếp tế cho các chiến trường khác như Thượng Lào và Điện Biên Phủ”.
Để hoàn thành nhiệm vụ trên, từ đầu năm 1954, Liên chi ủy và Ban chỉ huy Tỉnh đội tập trung vào việc xây dựng, củng cố, mở rộng bộ đội địa phương và nâng cao chất lượng, dân quân du kích, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu mới. Đến đầu năm 1954, tỉnh có 2 tiểu đoàn (Tiểu đoàn 58, Tiểu đoàn 54) và 10 đại đội (9 đại đội huyện và 1 đại đội độc lập). Hầu hết cán bộ xã đội, thôn đội và nhiều cán bộ trung đội, tiểu đội du kích là đảng viên nên chất lượng dân quân du kích được nâng cao; phong trào “săn địch”, “tìm địch mà đánh” diễn ra ở khắp các địa phương, nhất là các huyện có tuyến đường 5, đường sắt chạy qua.
Trước sức ép rất mạnh của ta, từ ngày 7 đến ngày 25/1/1954, địch mở cuộc hành quân Angiêri đánh các huyện Tiên Lữ, Phù Cừ, Thanh Miện, Ninh Giang nhằm giải tỏa thị xã Hưng Yên, Ninh Giang và tuyến vận tải thủy trên sông Luộc. Bộ đội các huyện và du kích trong khu vực địch hành quân đã chủ động đánh càn. Địch đánh vào 35 làng đều bị thụt hố chông, vướng mìn. Trận đánh lớn trong phá càn đêm 11/1/1954 tại Hải Yến, huyện Tiên Lữ đã tiêu diệt gọn tiểu  đoàn Mường số 2 của Binh đoàn số 3, giết và làm bị thương 250 tên, bắt 60 tên, thu nhiều vũ khí, làm thất bại hoàn toàn chiến dịch Angiêri của địch.
Cũng trong thời điểm này, ở phía bắc tỉnh, ta tập trung đẩy mạnh hoạt động đánh phá địch và đánh phá giao thông đường sắt, đường 5 với mật độ dày đặc và hiệu suất cao chưa từng có. Chỉ trong tháng 1/1954, bộ đội và du kích Văn Lâm đánh đổ và phá hủy 14 đoàn tàu hỏa quân sự của địch, một lần nữa đường 5 lại “nổi sấm”. Đáng chú ý, trung đội địa lôi của Văn Lâm do đồng chí Phạm Văn Cảnh chỉ huy đã dày công nghiên cứu, cải tạo cách đánh mìn tự động và cho nổ theo ý muốn (không nổ vào tàu khách, không đánh tàu chở đá, chỉ đánh vào tàu quân sự), vừa giải quyết được những băn khoăn, day dứt để không ảnh hưởng đến nhân dân, vừa tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch. Tỉnh đã huy động hàng vạn dân công ở nhiều huyện lên phá hoại đường 5, đường 39, nhiều đêm, buộc địch phải chia quân ra từng tốp nhỏ để chốt giữ từng chân cột điện, từng cột cây số nhưng vẫn không thể giữ được đường.
Trước sức ép liên tục của ta trên các tuyến đường 5, đường sắt, buộc địch phải huy động 4 tiểu đoàn ứng chiến cùng với binh đoàn số 3 mở cuộc hành quân vào phía tây Yên Mỹ, nam Văn Giang, bắc Khoái Châu (từ ngày 21 đến ngày 25/1/1954) nhằm xua dãn lực lược của ta ra khỏi địa bàn quan trọng này. Cuộc hành binh này của địch đã bị bộ đội tỉnh, bộ đội và du kích các huyện Yên Mỹ, Văn Giang, Khoái Châu bám đánh quyết liệt suốt từ lúc triển khai đội hình đến khi rút khỏi địa bàn chiến dịch. Trận đánh có ý nghĩa quyết định diễn ra ngày 24/1/1954 tại Đức Nhuận Thượng, Khoái Châu. Đại đội 27 thuộc Tiểu đoàn 58 đã kiên cường trụ bám diệt 200 tên địch, buộc địch phải kết thúc chiến dịch. Như vậy, cả 2 cuộc hành quân của tỉnh ở phía bắc và phía nam tỉnh đều thất bại.
Ỏ phía nam tỉnh, ngày 31/1/1954, Trung đoàn 42 đã diệt vị trí La Tiến*, diệt và bắt 150 tên, thu nhiều vũ khí. Cũng trong đêm 31/1/1954, Trung đoàn 42 được tăng cường Đại đội 176 của Hưng Yên tổ chức chuẩn bị tập kích thị xã Hưng Yên. Tuy nhiên, khi các đơn vị chiếm lĩnh xong trận địa xuất phát thì Trung đoàn trưởng quyết định dừng trận đánh (vì phát hiện địch mới tăng cường cho thị xã Hưng Yên một đơn vị và hai thủy đội từ Hà Nội xuống). Đại đội 176 được tăng cường đã không nhận được lệnh hoãn trận đánh, vẫn nổ súng tiến công theo kế hoạch. Tuy chiến đấu đơn độc song Đại đội 176 vẫn diệt được một đại đội của Tiểu đoàn 20 BVN, bắt 7 tên. Sau 15 phút chiến đấu, không thấy các hướng khác nổ súng, Đại đội 176 đã rút an toàn khỏi thị xã Hưng Yên mà địch không dám truy đuổi. Đến đây, Hưng Yên kết thúc hoạt động Đông Xuân 1953-1954 đợt 2, chuẩn bị cho đợt 3 để phối hợp với chiến  dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Do tình hình có những phát triển mới, Đảng ủy Mặt trận và Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ chủ trương “đánh chắc, tiến chắc”. Ngày 23/2/1954, Bộ Chính trị chỉ thị “Cần mở đợt hoạt động ở Tả ngạn trong thời gian dài với quy mô nhỏ, ăn chắc, chủ yếu là đánh du kích, không nên ham đánh công kiên và vận động. Phải lợi dụng mọi cơ hội đánh nhỏ, phá hoại giao thông, kho tàng, đánh địa lôi, phá hoại cầu đường làm cản trở vận chuyển của địch. Cần đẩy mạnh hoạt động ở chiến trường số 5 để phá hoại giao thông vận tải của địch, chống bắt lính, đồng thời phải triển cơ sở của ta. Việt Bắc và Tả ngạn phải phối hợp chặt chẽ để mở rộng hoạt động trên con đường này trong thời gian dài, chủ yếu cũng là đánh du kích liên tục, phá hoại cầu đường, đánh địa lôi, đề phòng tư tưởng đánh to vài trận rồi rút bộ đội đi nơi khác nghỉ ngơi”.
Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Khu đã có những quyết định quan trọng, tổ chức nhiều trận đánh hiệu quả để phối hợp với Điện Biên Phủ, trong đó có “Đợt Tổng công kích đường 5.” 
Ngày 05/3/1954, đồng chí Nguyễn Khai – Tư lệnh Khu đã về Ân Thi, trực tiếp giao nhiệm vụ mở đợt Tổng công kích đường 5 cho Trung đoàn 42, Trung đoàn 50 và Tỉnh đội Hưng Yên. Khu ủy và Bộ Tư lệnh Khu Tả ngạn quyết định mở đợt hoạt động vào đêm 11, rạng sáng 12/3/1954, trước khi ta tiến công Him Lam (13/3/1954), mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ. Mục tiêu của đợt tổng công kích là tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, phá vỡ từng khu vực trong hệ thống phòng thủ đường sắt, đường 5, đánh phá vận tải chiến lược của địch, hạn chế, làm tê liệt từng phần và kìm giữ lực lượng địch không cho chúng rút đi tăng viện cho Điện Biên Phủ. Ngày 11/3/1954, Tỉnh ủy chỉ thị bổ sung thêm nhiệm vụ “Những nơi có điều kiện thì phát động đấu tranh vũ trang, tiêu diệt hệ thống tháp canh trên đường 5, đường sắt, bắt phản động, phá hoại và làm tê liệt giao thông của địch, tích cực phát triển phong trào đánh địa lôi, tạo điều kiện cho phá hoại liên tục phục vụ cho chống cán, hoạt động lâu dài, tích cực bao vây những vị trí của địch còn lại, kết hợp công tác địch vận, tích cực chống càn quét, đẩy mạnh du kích chiến để phối hợp với chiến trường chính”.
Đợt Tổng công kích toàn tuyến đường sắt, đường 5 đêm 11, rạng sáng 12/3/1954 thu được kết quả khá tốt; riêng khu bắc Hưng Yên đã không theo đúng được kế hoạch, song ta vẫn diệt và bức hàng 6 vị trí, bức rút 5 tháp canh rồi trụ lại giải tán hội tề, bắt phản động, chuẩn bị đánh địch càn quét và chuẩn bị đánh các trận phục kích lớn.
Ngày 12/3/1954, Bộ Tổng Tư lệnh trực tiếp điện xuống “Trung đoàn 42 phải đánh Nghĩa Lộ, không cho chúng rút đi để chi viện cho Điện Biên Phủ”. Tuy nhiên, trong đêm 12, rạng sáng 13/3/1954, ta đã không tiêu diệt hoàn toàn được cứ điểm này, địch rút xuống hầm ngầm cố thủ, gọi pháo binh bắn trùm lên trận địa để sát thương quân ta. Cũng trong đêm 12/3/1954, hàng vạn dân công trong tỉnh đã tập trung đánh phá đường sắt, đường 5, san phẳng hai tháp canh Quán Ròn, Xuân Đào, đánh đổ đoàn tàu hỏa bị tắc lại ga Lạc Đạo, làm tê liệt hoàn toàn vận tải đường sắt của địch từ ngày 13 đến ngày 15/3/1954.
Liên tiếp từ ngày 13/3 đến ngày 26/3/1954, bộ đội và du kích các huyện Văn Lâm, Yên Mỹ, Mỹ Hào đã trụ bám địa bàn chống càn quét; phá đường, liên tục đánh tàu, xe địch (đánh mìn 57 lần, phá 42 xe các loại). Các hoạt động đánh phá diễn ra liên tục đã buộc địch hàng ngày phải tổ chức các cuộc hành quân nhằm bảo vệ việc sửa đường và vận chuyển, từ đó bộc lộ lực lượng để bộ đội Khu có điều kiện tổ chức các trận phục kích lớn. Tiêu biểu như hai trận phục kích trên đường 5 đoạn qua Bạch Sam, Mỹ Hào do Trung đoàn 652 thực hiện (ngày 22 và 23/3/1953), trận phục kích trên đường 5 đoạn quan chợ Đường Cái, Văn Lâm do Trung đoàn 698 thực hiện (ngày 28/3/1954).
Cùng với đẩy mạnh tác chiến trên đường 5, thực hiện Chỉ thị của Tỉnh ủy về “Tăng cường bao vây các vị trí, kết hợp địch vận và bắn máy bay, tiến lên cắt đườg 39 dọc”, các địa phương trong tỉnh đã huy động 8.000 dân công ngày đêm đào hào giao thông siết chặt vòng vây các vị trí địch ở phía nam của tỉnh. Đến ngày 28/3/1954, đường 39A bị phá hoại nặng, cơ giới địch không thể hoạt động.
Khi Điện Biên Phủ mở đợt công kích thứ hai (30/3/1954), Hưng Yên lại mở đợt hoạt động mới trên cả tuyến đường 5 và ở phía nam của tỉnh. Ngày 22/4/1954, Trung đoàn 42 cùng 3 đại đội của Văn Lâm, Yên Mỹ, Phù Cừ đã đánh trận phục kích lớn tại chợ Đường Cái, tiêu diệt toàn bộ tiểu đoàn địch mới từ chiến trường Triều Tiên về, đang trên đường lên Hà Nội để tiếp viện cho Điện Biên Phủ, diệt tại trận 179 tên, làm bị thương 64 tên, bắt 108 tên, phá hủy nhiều vũ khí; giải thoát cho 104 người bị địch bắt đi làm phu quân sự. Đây là trận thắng lớn nhất trong đợt hoạt động phối hợp với Điện Biên Phủ trên đường 5.
Song song với tác chiến, các địa phương đã tiến hành công tác địch vận rất hiệu quả. Ngày 6/4/1954, nhiều lính đồn ở Chùa Đàm, Văn Giang đã mang vũ khí ra hàng. Ngày 14/4/1954 ta đã huy động 145 gia đình ngụy binh ở Mỹ Hào lên vị trí đòi chồng, con, lôi kéo 60 binh lính tham gia. Ngày 17/4/1954 xuất hiện tình trạng binh lính địch chống lệnh tập thể, 2 đại đội của binh đoàn cơ động số 3 không chịu hành quân, 1 trung đội địa phương quân ở Yên Mỹ không chịu ra trận.
Khi Điện Biên Phủ công kích đợt 3 (1/5/1954), các đơn vị đã đồng loạt tập kích các vị trí địch và thu nhiều thắng lợi. Tiêu biểu như: Tiểu đoàn 54 tập kích vị trí quận lỵ Văn Giang, diệt gọn nhiều đại đội địch (3/5/1954); bộ đội huyện Văn Giang tập kích vị trí Thuận Tốn và Văn Giang, bắt 42 tên (9/5/1954); Đại đội 10 và bộ đội huyện Văn Lâm liên tục đánh đổ nhiều đoàn tàu của địch ở các khu vực Khuyến Thiện, Đại Từ, Lạc Đạo, Đông Mai…Trên đường 39, ta diệt 1 trung đội địch đến tiếp tế cho đồn Phố Giác…Trước sức mạnh áp đảo của ta ở địa phương cũng như chiến trường Điện Biên Phủ, nhân dịp Hội nghị Giơnevơ bàn về Đông Dương, Tỉnh ủy đã phát động đẩy mạnh công tác địch vận như một chiến dịch. Ngày 2/5/1954, có 209 gia đình ngụy binh và 300 người dân kéo vào quận lỵ Văn Giang đòi địch phải thương lượng hòa bình và đòi chồng, con. Tiến hành đấu tranh chính trị, binh vận tại thị xã Hưng Yên, huyện Mỹ Hào và nhiều nơi khác để đón thời cơ toàn thắng ở Điện Biên Phủ và việc ký kết Hiệp định Giơnevơ.

 

Ngày 7/5/1954, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương (21/7/1954). Trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng với quân và dân cả nước, quân và dân Liên khu 3, Khu Tả Ngạn, trong đó có các lực lượng bộ đội, dân quân, du kích Hưng Yên đã chủ động tiến công và tiến công giành nhiều thắng lợi. Quân và dân Hưng Yên đã cùng quân, dân  đồng bằng Bắc Bộ đã tiêu diệt hơn 4.000 tên địch; tiêu diệt, bức rút, bức hàng 250 vị trí; bắn rơi, phá hủy 82 máy bay; thu và phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh; chủ động phối hợp với chiến trường chính tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng, giam chân lực lượng cơ động lớn không cho địch tập trung ứng cứu Điện Biên Phủ, cung cấp nhiều nhân lực, tài lực, vật lực cho chiến trường… góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Lưu Vân
---------------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Hưng Yên lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội – 2002.
2. Lịch sử Đảng bộ Quân sự tỉnh Hưng Yên (1947-2012), Hà Nội – 2013.3. Bài báo: Quân và dân đồng bằng Bắc bộ trong chiến dịch Điện Biên Phủ của Thiếu tướng Đỗ Căn, Phó Chính ủy Quân khu 3, Báo Điện tử Quốc phòng.
------------------------
* La Tiến nguyên là sở chỉ huy một tiểu khu trong hệ thống chiếm đóng và kiểm soát sông Luộc; ở thời điểm đó là vị trí duy nhất tiếp giáp khu căn cứ  du kích 3 tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình. Trong gần 4 năm, bọn chỉ huy vị trí này đã giết hại hơn 1000 đồng bào và chiến sỹ ta bằng nhiều hành động rất táo bạo, dã man như lấy dây thép xâu qua bàn tay nhiều người rồi thả cả “dây người” đó xuống sông. 

Tin liên quan