Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, sáng 27-10, Việt Nam không ghi nhận có thêm ca nhiễm Covid-19 mới. Đến nay, Việt Nam đã bước sang ngày thứ 55 không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tính đến 6 giờ sáng nay, Việt Nam có tổng cộng 1.169 ca mắc Covid-19, trong đó có 691 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 14.777 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Việt Nam đã điều trị khỏi cho 1.061 bệnh nhân/1.169 bệnh nhân Covid-19.
Trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là bốn ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là hai ca, số ca âm tính lần 3 là chín ca.
Số ca tử vong ở nước ta đến nay là 35 ca, là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (ba) và Quảng Trị (một).
Trong thời gian qua, số ca mắc mới tại Việt Nam đều là những ca nhập cảnh, đã được cách ly ngay từ khi vào Việt Nam. Theo quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, mặc dù cơ bản các ổ dịch đã được kiểm soát, tuy nhiên, nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập luôn thường trực, đặc biệt khi tăng số lượng các chuyến bay đưa công dân Việt Nam và chuyên gia về nước (trong đó có các chuyến bay thương mại, quốc tế). Ngoài ra, thời gian tới là mùa đông, xuân, điều kiện thời tiết thuận lợi cho một số các bệnh truyền nhiễm phát triển, lây lan.
Trước tình hình này, ngành y tế yêu cầu các địa phương phải quản lý chặt, giám sát chặt các chuyên gia, công nhân tay nghề cao đang cách ly tại khu ký túc xá. Hằng ngày, phải cử cán bộ y tế theo dõi sức khoẻ, nếu có vấn đề gì lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm và đưa đi cách ly ngay.
Các đơn vị y tế dự phòng tăng cường giám sát tại cộng đồng, cửa khẩu, phát hiện sớm, đáp ứng kịp thời, xử lý triệt để các ổ dịch, khoanh vùng, không để bùng phát lan rộng. Đặc biệt duy trì, dự phòng các tình huống dịch có thể xảy ra.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo về khả năng chịu đựng của hệ thống y tế trong đối phó với làn sóng dịch thứ hai. Theo WHO, nhiều chính phủ đang phải vật lộn để cân bằng giữa các biện pháp hạn chế chống dịch mới với việc phục hồi các nền kinh tế vốn đang trì trệ do ảnh hưởng từ các biện pháp cách ly hà khắc từ những tháng đầu năm. Tuy nhiên, sự chán nản của người dân trước các biện pháp cách ly chống dịch, cùng với những khó khăn kinh tế đã khiến cho việc thực hiện các biện pháp hạn chế mới càng trở nên khó khăn.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo rằng có quá nhiều quốc gia đang chứng kiến sự gia tăng theo cấp số nhân các ca mắc Covid-19 và điều này khiến các bệnh viện và hệ thống chăm sóc đặt biệt đang phải hoạt động gần bằng hoặc quá công suất. Người đứng đầu WHO kêu gọi các nhà lãnh đạo hành động ngay lập tức để ngăn chặn những cái chết không đáng có tiếp theo.
Nguồn: nhandan.com.vn