Với vai trò là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân, chi bộ là nơi trực tiếp lãnh đạo việc triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở cơ sở. Sinh hoạt chi bộ là một trong những hoạt động chủ yếu của chi bộ, tác động trực tiếp đến công tác lãnh đạo của Đảng và quá trình nhận thức của đảng viên. Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cũng chính là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng; nâng cao chất lượng, trình độ đảng viên và là môi trường để phát huy dân chủ trong Đảng.
Đảng bộ tỉnh Hưng Yên hiện có 13 đảng bộ trực thuộc, 554 tổ chức cơ sở đảng, 2.725 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, với gần 69.000 đảng viên. Nhận thức được tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ, bám sát chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy Hưng Yên đã triển khai nhiều chương trình, đề án, quy định, hướng dẫn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sinh hoạt chi bộ. Điển hình như Chương trình số 06-CTr/TU ngày 05/7/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn trong sạch vững mạnh, giai đoạn 2011 - 2015; các văn bản của Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm: Quy định số 895-QĐ/TU ngày 16/5/2013 về việc các đồng chí Tỉnh ủy viên đi công tác cơ sở và dự sinh hoạt chi bộ; Đề án số 04-ĐA/TU ngày 28/10/2016 về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thôn, khu phố, gắn với mối quan hệ phối hợp công tác giữa bí thư chi bộ và trưởng thôn, khu phố, giai đoạn 2016 - 2020; Hướng dẫn 04-HD/TU ngày 07/11/2018 về đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ định kỳ…
Các chi bộ trong tỉnh tổ chức sinh hoạt định kỳ tương đối bài bản với nhiều đổi mới về nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức. Đa số các chi bộ đã bám sát các nội dung và phương pháp tổ chức theo Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 06/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương về một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Đã chú trọng triển khai sinh hoạt chuyên đề với nội dung cụ thể, bám sát tình hình thực tiễn của chi bộ để thảo luận. Nghị quyết của cấp ủy cơ sở, chi bộ đề ra đã sát thực tế hơn. Việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy tinh thần phê bình và tự phê bình của mỗi cấp ủy, đảng viên ngày càng đi vào thực chất. Kỹ năng, nghiệp vụ công tác đảng của cấp ủy viên cơ sở, chi ủy viên chi bộ nhất là đồng chí bí thư cấp ủy được nâng lên rõ rệt. Nhiều vấn đề phức tạp được đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy viên góp ý và tập thể cấp ủy, chi bộ bàn bạc, thống nhất về nhận thức, hành động đã được giải quyết kịp thời…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, chất lượng sinh hoạt chi bộ còn tồn tại một số hạn chế như: Việc phát huy dân chủ trong sinh hoạt tại một số chi bộ chưa được thực hiện đầy đủ; việc bình xét ghi danh đảng viên tiêu biểu còn có nơi chưa thường xuyên; vẫn còn đảng viên vi phạm nguyên tắc sinh hoạt đảng và vi phạm pháp luật bị xử lý kỷ luật. Đối với chi bộ nông thôn, việc xác định nhiệm vụ chính trị và đề ra chủ trương, giải pháp để lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế. Việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề có nơi chưa được quan tâm đúng mức. Đảng viên cao tuổi chiếm tỷ lệ đa số, trong khi đảng viên trẻ tuổi số lượng ít, tâm lý còn e dè, ngại phát biểu. Đối với chi bộ cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, nội dung sinh hoạt còn nặng về công tác chuyên môn; việc phân tích, đánh giá, liên hệ với thực tiễn cơ quan, đơn vị còn ít; tâm lý ngại va chạm còn khá phổ biến.
Vì vậy, để tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên cần quan tâm thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, nhất là đồng chí bí thư chi bộ. Quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, năng lực, dám làm dám chịu trách nhiệm; có khả năng tập hợp, quy tụ được cán bộ, đảng viên, bám sát các quy định số: 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư, 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị; 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đối với các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, hướng tới thực hiện nhất thể hóa chức danh lãnh đạo chính quyền với chức danh bí thư cấp ủy.
Hai là, thực hiện nghiêm túc, nền nếp chế độ sinh hoạt chi bộ theo quy định của Điều lệ Đảng, Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 30/3/2008 của Ban Bí thư và Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 6/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương; Quy định số 895-QĐ/TU ngày 16/5/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Cần bám sát tình hình thực tế của chi bộ để xây dựng nội dung sinh hoạt, xác định những vấn đề trọng tâm để triển khai và đề ra các giải pháp hiệu quả để thực hiện. Nghị quyết của chi bộ phải thiết thực, có tính khả thi và quá trình thực hiện phải được kiểm tra, đánh giá kịp thời. Đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ phải gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu để chi bộ thực sự là nơi lãnh đạo, quản lý, giáo dục, rèn luyện và bồi dưỡng cán bộ, đảng viên.
Ba là, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên về ý nghĩa quan trọng của sinh hoạt chi bộ và yêu cầu cấp thiết phải nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong tình hình hiện nay. Quan tâm hơn nữa tới việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sinh hoạt chi bộ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Bốn là, phát huy dân chủ trong sinh hoạt đảng. Trên tinh thần đoàn kết, xây dựng và thẳng thắn, những ý kiến thảo luận, góp ý cần được tôn trọng và tiếp thu. Kịp thời chấn chỉnh, phê phán những biểu hiện vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu tính xây dựng. Đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền thì phải báo cáo cấp ủy cấp trên và trả lời đảng viên trong lần sinh hoạt tiếp theo.
Năm là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của cấp ủy cấp trên, nhất là cấp uỷ cấp trên trực tiếp. Trong đó, quan tâm đến việc cử cán bộ, cấp ủy viên dự sinh hoạt với các chi bộ để động viên, khuyến khích, giải đáp những kiến nghị, đề xuất của đảng viên, đồng thời cũng nắm chắc chất lượng hoạt động của chi bộ để báo cáo cấp ủy cấp trên chỉ đạo kịp thời. Bí thư cấp ủy và thủ trưởng cơ quan, đơn vị định kỳ đối thoại với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, giải quyết vấn đề nảy sinh. Biểu dương, động viên kịp thời các nhân tố tích cực, các điển hình gương mẫu trong công tác tại các buổi sinh hoạt chi bộ.
Đối với mỗi đảng viên, cần tự nâng cao nhận thức, nâng cao bản lĩnh chính trị, và nghiêm túc tự phê bình và phê bình. Đồng thời, phải có ý thức chuẩn bị các nội dung thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng nghị quyết chi bộ, từ đó, nêu lên những băn khoăn, vướng mắc để đề nghị chi ủy, chi bộ cho ý kiến tháo gỡ, giải quyết.
Đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, bảo đảm cho sinh hoạt của chi bộ đạt được tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng là một yêu cầu cấp bách. Từng tổ chức cơ sở đảng, cấp ủy, bí thư chi bộ, đảng viên cần nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ, có những đóng góp ý kiến và hoạt động thiết thực nâng cao chất lượng sinh hoạt, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng bộ tỉnh ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Trần Thị Thanh Giang