KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 24/07/2020 - Lượt xem: 119
Sự hy sinh của những nhà báo-chiến sỹ: Vượt lên và nhìn lại

Trong các cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc, lớp lớp phóng viên, kỹ thuật viên của TTXVN đã lên đường ra trận và gần 260 người trong số đó đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường.

Tổ điện báo Thông tấn xã Giải phóng (nay là TTXVN) điện tin từ mặt trận về căn cứ trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Tháng Bảy là tháng tri ân những mất mát hy sinh của những người đã ngã xuống vì Tổ quốc, đền đáp những đớn đau, thiệt thòi của các thương, bệnh binh, những người mẹ mất con, người vợ mất chồng, những người con mất cha…
Tháng Bảy khắc khoải trầm buồn mà tự hào, kiêu hãnh khi nhớ đến gần 260 phóng viên tin, ảnh, điện báo viên, nhân viên của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã hy sinh, chưa kể những người đã mất sớm vì bệnh tật chiến tranh hoặc bị thương.
Họ đã cống hiến tuổi thanh xuân, để những dòng tin, bức ảnh về sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ độc lập-hòa bình-tự do của Tổ quốc, lan tỏa khắp trong nước và thế giới.
Lính xung kích Thông tấn
Chiếc chân giả tháo ra, đặt cạnh chân phải - nơi xuống quá đầu gối chỉ còn là mỏm thịt. Chân còn lại dù không lành lặn nhưng cũng là trụ đỡ chính cho cơ thể. Mái tóc bạc trắng, nụ cười nở trên môi, nhà báo Ðinh Trọng Quyền, nguyên phóng viên Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung Bộ, nguyên Phó Trưởng ban biên tập tin Trong nước, TTXVN, người đã để lại một phần cơ thể ở mặt trận Quảng Đà hồi kháng chiến chống Mỹ, bảo: “Dù sao cũng còn một đoạn để lắp chân giả, không phải tháo khớp."
Câu nói gọn, vui về chuyện trúng đạn pháo, một bên chân bị hoại tử buộc phải cưa sát đầu gối, nhưng ký ức dấn thân cho sự nghiệp báo chí cách mạng để rồi vượt chặng đường dài trong hoàn cảnh đối mặt sự sống cái chết hồi 51 năm trước, cho thấy ông Quyền “khắc cốt ghi tâm” ngày bị thương tại chân núi Hòn Tàu ở phía nam Quảng Đà.
Ngày 1/10/1969, ông Đinh Trọng Quyền cùng tập thể Phân xã Thông tấn xã Giải phóng tại tỉnh Quảng Đà được lệnh di chuyển ra phía trước để làm việc với Tỉnh ủy và Bộ Chỉ huy tiền phương của mặt trận Quảng Ðà.
Trên đường đi, một phóng viên vấp phải mìn, bị thương nặng ở ngực, ở bụng. Ông Quyền băng bó vết thương cho người phóng viên này rồi dìu đi.
Gặp một đơn vị Quân giải phóng dọc đường, ông đưa anh vào xin nghỉ tạm và nhờ sáng hôm sau giúp dẫn đường về bệnh xá. Nhưng sáng 3/10, vừa bước chân lên khỏi hầm, ông Quyền nhận trọn một trái pháo địch câu tới. Mảnh pháo cưa mất của ông một bàn chân phải và hớt một phần bắp chân trái.
Nghiến răng chịu đau, ông lấy dao cắt nốt chiếc gân còn dính lại nơi chân phải rồi bình tĩnh lấy vải dù thắt đầu mỏm cụt lại để cầm máu.
Nhảy lò cò qua các bãi cây ngổn ngang, ông Quyền đến các căn hầm khác nhờ cấp cứu và đưa về bệnh xá.
Con đường lên bệnh xá nơi lưng núi Hòn Tàu dốc và cao. Pháo địch tiếp tục dội tới, chuẩn bị đi càn. Mất nhiều máu, lênh láng đầy võng, dù rất đau ông Quyền vẫn cắn răng, không dám kêu rên. Đến nơi thì cẳng chân của ông Quyền cũng bị hoại tử, phải cưa sát đầu gối. Không có gây mê, không có thuốc giảm đau, chỉ có nước iốt sát trùng, ông nhắm mắt, răng cắn chặt, chịu đựng.
Khi bác sỹ cưa đoạn xương ống chân rời khỏi cơ thể thì cũng là lúc ông ngất đi trong đau đớn.
Chia sẻ chuyện anh em phân xã Quảng Đà biết tin ông bị thương nặng, bệnh xá lại bị địch tấn công, tưởng ông đã hy sinh nên họ tới mang theo một bó hương để thắp lên mộ ông, nhà báo Đinh Trọng Quyền cho hay: "Vượt lên bom đạn, vượt lên bệnh tật hiểm nguy, tôi đã trở về với cuộc sống. Nhìn lại, dù mất một phần xương máu nhưng thấy mình vẫn còn may mắn hơn nhiều đồng chí, đồng nghiệp đã ngã xuống..."
Có thể hình dung được những điều sau câu nói “vượt lên” và “nhìn lại” của người phóng viên chiến trường năm xưa của TTXVN.
Su hy sinh cua nhung nha bao-chien sy: Vuot len va nhin lai hinh anh 2
Với hơn 260 liệt sỹ, TTXVN là cơ quan báo chí có số nhà báo hy sinh nhiều nhất trong số các cơ quan báo chí cả nước. Trong ảnh: Liệt sỹ - nhà báo Lương Nghĩa Dũng, phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam đã hy sinh trên chiến trường Quảng Trị trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Trong các cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc, đội ngũ đông đảo những người làm báo của TTXVN thực sự là những nhà báo-chiến sỹ. Những người lính xung kích thông tấn ấy dấn thân vào những nơi nóng bỏng nhất của cuộc chiến, cùng sống, cùng chiến đấu với bộ đội và nhân dân.
Không chỉ ghi lại các sự kiện cũng như những nhân chứng lịch sử, họ còn trực tiếp tham gia và góp phần làm nên những sự kiện lịch sử ấy.
Lớp lớp phóng viên, kỹ thuật viên của TTXVN đã lên đường ra trận và gần 260 người trong số đó đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Đó là chưa kể những người đã mất sớm vì bệnh tật chiến tranh hoặc bị thương.
Máu của các anh, các chị thấm trong mỗi dòng tin, bài viết, bức ảnh, thước phim được gửi về từ chiến trường khốc liệt. Những thông tin mang giá trị tiếp sức, chia lửa với chiến trường từ các vùng nóng bỏng đạn bom đã góp phần làm nên những chiến thắng vĩ đại của dân tộc trong sự nghiệp giải phóng và bảo vệ Tổ quốc.
Viết tiếp trang sử vẻ vang
Nhìn lại nơi Đài Minh Ngữ vô tuyến điện của Thông tấn xã Giải phóng khu V, từ ngày thành lập Đài vào 20/12/1960 đến ngày 30/4/1975, có 65 phóng viên, nhân viên công tác tại Đài thì 6 người đã trở thành liệt sỹ. Nhìn lại sự hy sinh của những liệt sỹ Trần Kim Xuyến, liệt sỹ Bùi Đình Túy... Sự hy sinh của những nhà báo-chiến sỹ ấy, như lời của Chủ tịch nước Lê Đức Anh tại Lễ Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập TTXVN và đón nhận Huân chương Sao Vàng (14/9/1995): Không một chiến trường nào, không một hướng tiến quân nào, không một địa bàn chiến đấu nào vắng mặt phóng viên TTXVN.
Hơn 200 nhà báo-liệt sỹ, chiếm 20% tổng số cán bộ, nhân viên TTXVN lúc đó, là tổn thất nặng nề song cũng chính là niềm tự hào, là sự đóng góp vô giá của TTXVN trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Nhìn lại những năm qua có thể thấy, TTXVN luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc chăm lo đời sống gia đình liệt sỹ, thương binh của ngành.
Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” luôn nhận được sự hưởng ứng của tất cả cán bộ, công nhân viên cơ quan. Những việc làm cụ thể, thiết thực như xác định các liệt sỹ của TTXVN hy sinh trong chiến tranh; cất bốc, quy tập mộ liệt sỹ; xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; tạo công ăn việc làm cho thân nhân liệt sỹ; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng; tặng quà cho các thương, bệnh binh… luôn được quan tâm, trở thành việc làm thường xuyên của các đơn vị, của cán bộ, phóng viên, nhân viên TTXVN.
Vượt lên những mất mát, hy sinh, những đau thương chiến tranh để lại, tiếp nối truyền thống vẻ vang của ngành, xứng đáng với sự tin cậy của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự tin tưởng của công chúng, độc giả, TTXVN đang tiếp tục nỗ lực vượt bậc, đổi mới, phát triển.
Như lời Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc TTXVN tại Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành: Những hy sinh, cống hiến của các thế hệ nhà báo thông tấn đã giúp TTXVN luôn giữ vững vị thế là trung tâm thông tin chiến lược, tin cậy của Đảng và Nhà nước trong suốt bảy thập kỷ qua. Dòng chữ “TTXVN” bằng tiếng Việt hay “VNA” bằng tiếng Anh xuất hiện trên mỗi sản phẩm thông tin đã trở thành danh xưng đầy tự hào của tất cả những ai đã bước vào “ngôi nhà thông tấn." Danh xưng ấy cũng là sự nhắc nhở đối với mỗi cán bộ TTXVN hôm nay phải nỗ lực hơn nữa để viết tiếp những trang sử vẻ vang của ngành./.
Tin liên quan