KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 23/12/2019 - Lượt xem: 123
Tam Đa (Phù Cừ) chuyển đổi cây trồng phát huy hiệu quả

Trước đây, ruộng đồng làng xã Tam Đa, huyện Phù Cừ là xứ sở của các loại cây thực phẩm, cây công nghiệp ngắn ngày như ngô, đỗ, đậu tương,… với nguồn thu ít, không ổn định, đó là chưa kể khi gặp thời tiết thất thường, bão lũ sẽ bị mất mùa, nên cuộc sống của nhân dân thường bấp bênh, khó khăn. Những năm trở lại đây, dưới sự chỉ đạo, vận động của chính quyền địa phương, một số hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế bằng nhiều loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao, tiêu biểu là cây nhẫn, cây vải, cây bưởi, nhất là cây cam. Ngày nay, cây cam trở thành cây trồng chủ lực của nhiều hộ gia đình với quy mô trang trại.

Chia sẻ với chúng tôi, chính quyền địa phuong cho biết: Xã Tam Đa có 3 thôn, với tổng diện tích đất nông nghiệp 353 ha. Do địa hình đồng ruộng trũng, đất chua nên gieo cấy lúa kém hiệu quả. Để khắc phục tình trạng trên, khoảng đầu năm 2000, đã có nhiều hộ chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng một số loại cây ăn trái có múi, trong đó có cam Đường canh, cam Bố Hạ… Gắn bó với đất và người Tam Đa chưa lâu nhưng đến nay, diện tích trồng cam đã phát triển nhanh chóng, thành vùng sản xuất với quy mô lớn, trở thành sản vật nổi tiếng, điểm nhấn trong phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương nói riêng, của huyện Phù Cừ nói chung. Việc đưa các loại cây có múi, nhất là trồng cam về trồng trên vùng đất Tam Đa làm cho cuộc sống của người dân nơi đây ngày một thêm no ấm, sung túc.
Cam ngọt Tam Đa đã sớm chiếm lĩnh được lòng tin của khách hàng vì chất lượng cam vượt trội hơn hẳn so với cam trồng ở các vùng lân cận. Để mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng phương pháp sản xuất hiệu quả, tạo ra sản phẩm tốt, bảo đảm an toàn cho người dùng, góp phần tạo nên thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phảm nông sản của địa phương, ngày 25/9/2018, Hợp tác xã nông nghiệp Ngũ Phúc được thành lập với 9 số thành viên ban đầu với diện tích 10ha. Hợp tác xã đã quy hoạch vùng trồng cam ở thôn Ngũ Phúc, diện rộng 32.6 ha, trong đó có trên 50% diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap; sản lượng cam đạt 450 tấn, trị giá trên 9 tỷ đồng.
Thời gian hoạt động chưa lâu nhưng Hợp tác xã đã phát huy được vai trò là trung tâm sinh hoạt, giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất của những thành viên. Đồng thời, là tổ chức đại diện cho các thành viên thực hiện thiết lập và quản lý nhãn hiệu cam Tam Đa, nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm, tạo lập và phát triển kênh thương mại nhằm bảo đảm tính ổn định của đầu ra sản phẩm. Sản phẩm của các thành viên Hợp tác xã đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn Vietgap. Từ đó đến nay, Hợp tác xã thường xuyên tuyên truyền trong thành viên cũng như những người trồng cam bảo đảm quy trình sản xuất tốt nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế, đồng thời bảo đảm chất lượng đã được chứng nhận, đem lại hiệu quả bền vững. Mới đây, Hợp tác xã nông nghiệp Ngũ Phúc được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cam; Hợp tác xã cũng đã in túi có logo để cung cấp cho thành viên thuận lợi trong đóng gói, tiêu thụ, quảng bá sản phẩm.
Được biết, toàn huyện Phù Cừ có khoảng 300 ha trồng cam, sản lượng hàng năm đạt 3.100 tấn, đem lại giá trị kinh tế trên 138 tỷ đồng. Tổng diện tích trồng vải, cam, nhãn, dưa vàng, dưa lưới và thủy sản theo tiêu chuẩn Vietgap đạt 173 ha. Để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả như ở xã Tam Đa, nhất là ứng dụng công nghệ cao thực sự trở thành yếu tố đột phá năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản và của ngành nông nghiệp, trong thời gian tới, chính quyền địa phương huyện Phù Cừ sẽ tiếp tục triển khai các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, hộ gia đình ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là trên các cây trồng, vật nuôi lợi thế của địa phương. Đồng thời, ngành nông nghiệp tăng cường chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ và khuyến nông, đưa nhanh các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, chế biến; thúc đẩy việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất nông nghiệp.
HC

 

Tin liên quan