KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 04/06/2020 - Lượt xem: 75
Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào vị trí quản lý lãnh đạo và hoạt động của cơ quan dân cử

Thực hiện Chương trình phối hợp với Sở Lao động, Thương binh – Xã hội, Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đăng tải nội dung bài viết “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào vị trí quản lý lãnh đạo và hoạt động của cơ quan dân cử”

Nhằm mục đích tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, trong đó có sự tham gia của phụ nữ vào hoạt động của cơ quan dân cử, nhiều văn bản đã được Đảng, Nhà nước và tỉnh ta ban hành, cụ thể: Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước xác định mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp từ 35 - 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ”. Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 của Chính phủ xác định mục tiêu là “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị”. Nghị quyết 57/CP-NQ ngày 01/12/2009 khẳng định: “Xây dựng cơ chế đảm bảo thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ vào các quá trình ra quyết định, tăng tỷ lệ ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp”. Hiến pháp 2013 ghi rõ: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới; Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội”.
Pháp luật về bình đẳng giới quy định về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, trong đó xác định rõ: “Nam, nữ bình đẳng trong tham gia quản lý nhà nước, tham gia hoạt động xã hội; Nam, nữ bình đẳng trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp”; nam nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo và cơ quan, tổ chức. Đồng thời, quy định các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị bao gồm: “Bảo đảm tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới”; và “Bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới” (Điều 11, Luật bình đẳng giới).
Ngày 20/01/2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, trong đó  nêu: Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt chỉ tiêu Nghị quyết số 11-NQ/TW về công tác cán bộ nữ; quan tâm tạo nguồn cán bộ nữ trẻ, nữ dân tộc thiểu số. Hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ về độ tuổi trong quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển đối với một số nhóm phụ nữ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phù hợp trong từng giai đoạn.
Hướng tới Đại hội Đảng bộ các cấp và tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 30/5/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW, trong đó đề ra chỉ tiêu: Phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong Ban Thường vụ; tỷ lệ cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi đối với cấp tỉnh, cấp huyện) từ 10% trở lên. Cấp ủy các cấp, nhất là người đứng đầu phải chủ động và có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, đánh giá để đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số vào các chức danh có cơ cấu tham gia cấp ủy khóa mới; đồng thời, có giải pháp hiệu quả chuẩn bị nguồn cán bộ cả trước mắt và lâu dài.
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 185-KH/TU ngày 08/10/2019 về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó quy định về cơ cấu cấp ủy, phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ cấp ủy cấp huyện trở lên (trừ Đảng bộ Quân sự, Đảng bộ Công an tỉnh); tỷ lệ cán bộ trẻ dưới 40 tuổi đối với cấp ủy tỉnh, cấp ủy huyện từ 10% trở lên; khuyến khích tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ cao hơn trong cấp ủy khi có điều kiện. Cấp ủy các cấp, nhất là người đứng đầu phải chủ động và có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, đánh giá để đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp cán bộ nữ, cán bộ trẻ vào chức danh có cơ cấu tham gia cấp ủy khóa mới…
 
 
Tin liên quan