KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 29/11/2019 - Lượt xem: 74
Thông cáo số 28 kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV

Ngày 27-11, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV. Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

 

Buổi sáng

Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Tại phiên thảo luận đã có 20 đại biểu phát biểu; trong đó, đa số ý kiến đại biểu thống nhất với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và cho rằng, việc ban hành Luật góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng; tăng hiệu quả đầu tư, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là đối với các hoạt động đầu tư xây dựng có sử dụng vốn nhà nước.

Ðể góp phần hoàn thiện dự án luật, tại phiên thảo luận, các đại biểu tập trung cho ý kiến về những vấn đề sau: Về tên gọi, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của luật; về tính thống nhất của dự thảo luật với hệ thống pháp luật và tính tương thích với điều ước quốc tế; về quy hoạch xây dựng; phân loại và cấp công trình xây dựng, dự án đầu tư xây dựng; về dự án đầu tư xây dựng khu đô thị; về thẩm định dự án đầu tư xây dựng; cấp giấy phép xây dựng; quản lý trật tự xây dựng; về xây dựng công trình cấp bách; quản lý chi phí đầu tư xây dựng; về quản lý năng lực hoạt động xây dựng; trách nhiệm quản lý nhà nước về xây dựng… Bên cạnh đó, có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung một số quy định như: trách nhiệm của các chủ thể trong hoạt động đầu tư xây dựng; nghiêm cấm hành vi lợi dụng hoạt động xây dựng để lắp đặt các thiết bị thông tin gây hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia; vấn đề quản lý cấp phép xây dựng ở nông thôn, vùng ngoại thị; việc ưu tiên nguồn lực ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động xây dựng…

Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội. Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV.

Buổi chiều

Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án. Quốc hội biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Nghị quyết, kết quả như sau: Có 453 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 93,79%); trong đó, có 448 đại biểu tán thành (bằng 92,75%).

Cũng tại phiên họp, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết, kết quả như sau: i) Về Ðiều 1, quy định về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, có 453 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 93,79%), trong đó, có 410 đại biểu tán thành (bằng 84,89%); ii) Về toàn bộ dự thảo Nghị quyết, có 447 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 92,55%), trong đó, có 392 đại biểu tán thành (bằng 81,16%).

Tiếp theo chương trình, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Ðối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới giữa Việt Nam và Cam-pu-chia. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết, kết quả như sau: có 457 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,62%), trong đó, có 457 đại biểu tán thành (bằng 94,62%).

Từ 15 giờ 30 phút, Quốc hội họp phiên bế mạc kỳ họp. Phiên bế mạc được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên sóng của Ðài Truyền hình Việt Nam, Ðài Tiếng nói Việt Nam và Truyền hình Quốc hội Việt Nam để nhân dân và cử tri cả nước quan tâm, theo dõi. Tại phiên họp, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và trình bày dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018. Quốc hội biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Nghị quyết, kết quả như sau: Có 450 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 93,17%), trong đó, có 449 đại biểu tán thành (bằng 92,96%).

Tiếp theo, Quốc hội nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và trình bày dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV. Quốc hội biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Nghị quyết, kết quả như sau: có 447 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 92,55%), trong đó, có 446 đại biểu tán thành (bằng 92,34%). Sau đó, Quốc hội nghe Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và trình bày dự thảo Nghị quyết kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV. Quốc hội đã biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Nghị quyết, kết quả như sau: Có 428 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 88,61%), trong đó có 421 đại biểu tán thành (bằng 87,16%).

Kết thúc ngày làm việc cuối cùng tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội nghe phát biểu bế mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, sau 28 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ, hiệu quả, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình làm việc của kỳ họp thứ tám với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, giám sát và quyết định vấn đề quan trọng của đất nước. Qua xem xét, thảo luận một cách kỹ lưỡng, Quốc hội đã thông qua 11 luật, bộ luật, 17 nghị quyết với sự đồng thuận cao và cho ý kiến 10 dự án luật khác. Với số lượng lớn các luật, nghị quyết được ban hành và nhiều nội dung quan trọng được xem xét tại kỳ họp đã tiếp tục khẳng định tính hiệu quả, nghiêm túc trong hoạt động nghị trường; sự nỗ lực, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác chuẩn bị; sự đồng tâm, nhất trí, tâm huyết, trí tuệ của các vị đại biểu Quốc hội. Kết quả kỳ họp tạo niềm tin, sự phấn khởi, đoàn kết, nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề, đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ đã được Quốc hội giao. Tại kỳ họp này, việc ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục được tăng cường, dần nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả và tiết kiệm trong hoạt động của Quốc hội. Quốc hội bày tỏ cảm ơn sự quan tâm, chia sẻ, đóng góp ý kiến quý báu của cử tri và Nhân dân đã góp phần vào thành công của kỳ họp.

Nguồn: nhandan.com.vn

Tin liên quan