KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 02/02/2021 - Lượt xem: 62
Thực hiện nghiêm khai báo y tế và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, trong ngày 1-2 ghi nhận 33 người mắc Covid-19, trong đó có một người nhập cảnh (được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi) và 32 ca lây nhiễm ở cộng đồng. 

Các ca lây nhiễm ở cộng đồng được ghi nhận tại tỉnh Hải Dương 17 ca, Quảng Ninh năm ca, Hà Nội sáu ca, Gia Lai hai ca, Bắc Giang một ca, Bình Dương một ca. Tiểu ban Điều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) cho biết, trong ngày có ba người bệnh mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh (người bệnh 1.451, 1.525, 1.533).

Tối 31-1, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại quận Nam Từ Liêm. Đoàn đã kiểm tra bên ngoài cổng Trường tiểu học Xuân Phương, nơi đang là địa điểm cách ly của các giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh của trường; nghe báo cáo tình hình  chuẩn bị cơ sở vật chất, lấy mẫu xét nghiệm... cho các giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh. 

Đồng chí Vương Đình Huệ yêu cầu các lực lượng chức năng phải tăng cường năng lực xét nghiệm cho học sinh, giáo viên và các phụ huynh đang cách ly tại Trường tiểu học Xuân Phương, nhanh chóng có kết quả xét nghiệm lần hai; cung cấp đủ các cơ sở vật chất, các phương tiện cần thiết phục vụ việc kiểm soát dịch bệnh và chăm sóc các cháu; có kế hoạch tổ chức đón Tết xa nhà cho các giáo viên, học sinh, phụ huynh đang cách ly tại đây. Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo thành phố, đồng chí Vương Đình Huệ đã tặng quà và 200 triệu đồng để động viên các giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh đang thực hiện cách ly tại Trường tiểu học Xuân Phương. 

Sáng 1-2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 có buổi làm việc với Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phòng, chống dịch Covid-19 về công tác truy vết, theo dấu các ca nhiễm Covid-19 thời gian qua. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi người dân ở vùng có dịch, cụ thể là TP Chí Linh, một phần các huyện Kinh Môn, Nam Sách (tỉnh Hải Dương), thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) thực hiện thật nghiêm các quy định phòng, chống dịch, đồng thời sử dụng các công cụ truyền thông xã hội để cung cấp thông tin cho Tổ Thông tin, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về tất cả những người đã tiếp xúc trong khoảng thời gian vừa qua; những người này dù đang ở đâu cũng cần chủ động khai báo, cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng. Việc này không chỉ để bảo vệ bản thân mà còn vì sự an bình của cả đất nước.

Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến thăm và làm việc với lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngành y tế Hà Nội, nhất là CDC Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các đơn vị y tế tập trung rà soát, truy vết, khoanh vùng các trường hợp nghi ngờ, đến từ khu vực ổ dịch; đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu xét nghiệm lần hai cho các đối tượng đã được xét nghiệm lần một, tiến tới lấy mẫu và xét nghiệm các trường hợp F3… Đồng thời tổ chức kiểm tra các nhà máy, xí nghiệp, bến xe, trung tâm thương mại… trên địa bàn trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ngành y tế Hà Nội cần tiếp tục hoàn thiện các phương án phòng, chống dịch phù hợp tình hình thực tế, từng thời điểm cụ thể của địa phương; thực hiện kết hợp các kỹ thuật xét nghiệm khác nhau để rút ngắn được thời gian xét nghiệm, mà vẫn đưa ra được kết quả nhanh và chính xác nhất…

Truy vết, giám sát người đến từ các vùng có dịch

Trong ngày 1-2, các địa phương, nhất là tỉnh, thành phố ghi nhận các ca mắc Covid-19 đã tích cực triển khai các biện pháp ứng phó dịch.

Chiều 1-2, Bộ Y tế làm việc với UBND thành phố Hà Nội về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thủ đô. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, đợt dịch lần này có tốc độ lây nhiễm nhanh, trong khi đó, Hà Nội là địa bàn có lượng người đi lại lớn, nguy cơ lây nhiễm cao...; đề nghị Hà Nội nâng ứng phó dịch lên một mức so với đợt dịch lần trước; có thể tính đến giãn cách xã hội một số khu vực. Hiện Bộ Y tế đã điều 12 đơn vị hỗ trợ Hà Nội xét nghiệm; bố trí Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư điều trị toàn bộ những người bệnh Hà Nội. Tuy nhiên, Hà Nội cần khởi động ngay việc thiết lập bệnh viện dã chiến, để hình thành mạng lưới điều trị, phòng trường hợp cần thiết. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định thành phố sẽ triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh  nhanh hơn, quyết liệt hơn; đồng thời sẽ nâng cao năng lực xét nghiệm, tăng cường đầu tư năng lực…

Tại Quảng Ninh, đến sáng 1-2 ghi nhận hai trường hợp dương tính với Covid-19. Trường hợp thứ nhất là một nhân viên bảo vệ tại Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1, tạm trú tại tập thể nhà xanh, khu 8, phường Mông Dương, TP Cẩm Phả. Ngay sau khi xác định ca bệnh, lực lượng chức năng đã phong tỏa, phun khử khuẩn các khu, lấy mẫu xét nghiệm và cách ly 10 trường hợp F1, truy vết và lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ các trường hợp F2, F3. Tiếp tục truy tìm các xe mà bệnh nhân đã di chuyển từ Chí Linh về Mông Dương. Đối với trường hợp thứ hai, là một nhân viên an ninh hàng không sân bay Vân Đồn (đã được đưa đi cách ly tập trung tại Bệnh viện số 2 ngày 27-1) cũng đã xác định và đưa tất cả các ca F1 liên quan. Trước đó, trong vòng hơn 10 giờ đồng hồ kể từ khi công nhân Nguyễn Văn T. nhận kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, lãnh đạo TP Uông Bí và Công ty CP Than Vàng Danh đã rà soát, truy vết, xác định 83 đối tượng F1, 844 ca F2 và 821 ca F3. Đến nay, trường hợp F1 liên quan đều được cách ly tập trung; TP Uông Bí và Công ty CP Than Vàng Danh sẽ tiếp tục rà soát, truy vết F1, F2, F3 phát sinh; lấy mẫu xét nghiệm cho đối tượng F2.

Tại Hải Dương, Công ty CP Công nghệ Việt Á đã hoàn thành lắp đặt bảy dàn máy Real Time PCR cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương. Như vậy, ngoài các máy có sẵn, mỗi ngày trung tâm có thể thực hiện xét nghiệm được từ 20 đến 30 nghìn mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 mà không phải gửi lên tuyến trên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xét nghiệm SARS-CoV-2 trên diện rộng để nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh. 

Sở Y tế Hải Dương ra thông báo khẩn yêu cầu những người từng đến dự ba đám cưới đã phát hiện khoảng 10 người nhiễm Covid-19 sau cần liên hệ ngay với trạm y tế xã, phường, thị trấn nơi gần nhất (hoặc nơi cư trú) để được hướng dẫn (trước khi được hướng dẫn cần cách ly tuyệt đối tại nhà). Đó là: đám cưới lúc 10 giờ 30 phút ngày 24-1 tại Nhà hàng Việt Tiên Sơn, địa chỉ Km 39, quốc lộ 18, Quán Sui, phường Cộng Hòa (TP Chí Linh); đám cưới nhà ông Tân Văn Thành từ ngày 17 đến 18-1 tại thôn Quảng Tân, xã Nam Tân, huyện Nam Sách; đám cưới nhà ông Hoàng Văn Động từ ngày 24 đến 25-1 tại thôn Quảng Tân, xã Nam Tân, huyện Nam Sách.

Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương tiếp nhận hơn 4,35 tỷ đồng tiền hỗ trợ và nhiều hàng hóa, nhu yếu phẩm của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ nhân dân Hải Dương phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã trao ba tỷ đồng hỗ trợ tỉnh phòng, chống dịch Covid-19; số tiền này dùng để mua xe cứu thương và các trang thiết bị, dụng cụ, vật tư phục vụ các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch.
 
Sở Y tế Hải Phòng cho biết, 29 mẫu xét nghiệm liên quan trường hợp lái xe người Hải Dương bị nhiễm Covid-19 chở người đến ăn cỗ ở phường Đông Khê, quận Ngô Quyền (TP Hải Phòng) đã có kết quả âm tính, cơ quan chức năng Hải Phòng đã, đang rà soát các trường hợp F1, F2 liên quan; lấy mẫu, thực hiện cách ly các trường hợp F1, yêu cầu các trường hợp F2 tự cách ly tại nhà và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch khẩn cấp đối với khu vực trên…

CDC Hòa Bình cho biết, 324 người trong diện F1 đã cho kết quả âm tính lần một vào sáng sớm 1-2.  Đây là số người đã tiếp xúc với hai người nhiễm Covid-19 được công bố vào ngày 30-1. Ngay khi phát hiện hai ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trên địa bàn, UBND tỉnh Hòa Bình đã tổ chức họp khẩn và chỉ đạo ngành chức năng khẩn trương truy vết các đối tượng F1 và để đưa đi cách ly. 

Tỉnh Hưng Yên đã rà soát được 2.542 trường hợp liên quan ổ dịch tại Hải Dương, Quảng Ninh và các tỉnh khác. Trong đó, xác định được 37 trường hợp F1, 218 trường hợp F2; cách ly tại cơ sở y tế 31 trường hợp, cách ly tập trung tại cơ sở tuyến huyện 116 trường hợp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch cho biết, trên địa bàn tỉnh có thêm một huyện có ca dương tính Covid-19. Đây là ca dương tính với Covid-19 thứ sáu tại Gia Lai được phát hiện tại huyện Krông Pa. Cùng với ca dương tính, tại huyện này còn một ca nghi nhiễm khác, đang chờ kết quả xét nghiệm. Ngay sau khi có thông tin về các ca dương tính Covid-19, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Krông Pa đã truy vết được 20 trường hợp F1; 61 trường hợp F2. Huyện đã chuẩn bị xong bốn khu cách ly tập trung, có sức chứa 1.000 người; chuẩn bị khu điều trị. Sáng 1-2, Sở Y tế tỉnh Gia Lai tổ chức ra quân đoàn công tác làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện Ia Pa và thị xã Ayun Pa với quân số 50 người là bác sĩ, nhân viên y tế tại trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. 

UBND tỉnh Ninh Thuận có công văn hỏa tốc yêu cầu khẩn trương truy vết, cách ly và xét nghiệm các trường hợp có tiếp xúc với trường hợp F1 trên địa bàn huyện Ninh Sơn. Hiện tại, trường hợp F1 này đã được cách ly y tế tại khoa nội, Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận. Sở Y tế Ninh Thuận đề nghị tất cả những người đi trên xe ô-tô mang BKS 85B-00108 của nhà xe Tuấn Tú, đã khởi hành khoảng 21 giờ ngày 31-1, đi từ tỉnh Bình Dương qua TP Hồ Chí Minh về Ninh Thuận vào sáng 1-2, nhanh chóng liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn, hỗ trợ. 

Sở Y tế Kon Tum công bố kết quả xét nghiệm sàng lọc lần một đối với bốn trường hợp F1 tiếp xúc gần với ca Covid-19 số 1.696 đều âm tính với SARS-CoV-2. Hiện tại, tình trạng sức khỏe của các trường hợp này đều ổn định, không có các triệu chứng của Covid-19, được cách ly tập trung tại huyện Ngọc Hồi.

Chiều 1-2, theo công bố của Bộ Y tế, tỉnh Bình Dương ghi nhận ca lây nhiễm thứ hai trong cộng đồng. Tỉnh đã quyết định kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch Covid-19 ; thực hiện phong tỏa, khử khuẩn khu nhà trọ số 571, Lê Hồng Phong, phường Phú Hòa; Trường đại học Thủ Dầu Một và tất cả địa điểm mà ca bệnh này đã đến. Đến sáng 1-2, đã truy vết tổng số 321 người diện F1 và đang tiếp tục truy xét diện F2, F3. Từ 0 giờ ngày 1-2, Bình Dương đã thực hiện cách ly toàn bộ khu phố 5 và khu nhà trọ ở khu phố 7, phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một với khoảng 3.300 người sinh sống, phong tỏa các địa điểm mà người bệnh đã sinh hoạt và có tiếp xúc gần. 

Ngày 1-2, Sở Y tế Hải Phòng chỉ đạo Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng tạm ngừng tiếp nhận bệnh nhân; thực hiện tổng tẩy uế; điều tra dịch tễ diện rộng, thực hiện khoanh vùng khẩn trương để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh... 

Theo thông tin ban đầu, anh N.D.T. làm việc tại Công ty Poyun đã từng đưa vợ đi đẻ và chăm vợ tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng từ ngày 23 đến 27-1.  Khi trở về, anh N.D.T. đã được xét nghiệm tại Hải Dương là dương tính với SARS-CoV-2.  Trong thời gian đó, anh N.D.T. đã đi qua các khu vực phòng khám, phòng đẻ, phòng mổ và nằm ở phòng 607 tòa nhà 6 tầng - Trung tâm Sơ sinh. Bệnh nhân có đi ăn uống và có mua thuốc ở hiệu thuốc cạnh bệnh viện...

Hiện, các cơ quan chức năng của Hải Phòng đang lập danh sách tất cả những trường hợp F1, F2 liên quan, cách ly và xét nghiệm vi-rút SARS-CoV-2...

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Thuận có công văn khẩn yêu cầu những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân 1.843 và đang học tại Trường đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương) liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để thực hiện khai báo y tế và tư vấn hỗ trợ.  Ca mắc Covid-19 1.843 là sinh viên Trường đại học Thủ Dầu Một, qua rà soát có một số sinh viên của tỉnh Bình Thuận thuộc các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân, thị xã La Gi đang theo học tại Trường đại học Thủ Dầu Một.

Cho học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch 

Trước diễn biến phức tạp của dịch, ngày 1-2, nhiều địa phương đã quyết định cho học sinh nghỉ học. UBND thành phố Hồ Chí Minh cho phép học sinh, sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục và giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố ngừng học từ ngày 2-2; đồng thời chuyển đổi sang hình thức dạy và học trên in-tơ-nét, bảo đảm kế hoạch thời gian năm học 2020 - 2021 theo quy định. 

UBND tỉnh Long An đồng ý cho học sinh các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông; học viên thuộc hệ giáo dục thường xuyên, các trường nghề, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và sinh viên các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tạm nghỉ học từ ngày 2-2 đến hết 21-2. Các sở, ngành liên quan chịu trách nhiệm chỉ đạo triển khai thực hiện và hướng dẫn các cơ sở giáo dục có kế hoạch dạy bù, bảo đảm thực hiện các hoạt động dạy học và giáo dục theo quy định. 

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tỉnh Lai Châu có thông báo cho hơn 150 nghìn học sinh ở 346 đơn vị trường trong toàn tỉnh nghỉ học từ ngày 1-2 cho đến khi có thông báo mới. Trong thời gian cho học sinh nghỉ học, các đơn vị trường và phòng giáo dục các địa phương bố trí cán bộ, giáo viên, nhân viên trực tại trường và chuẩn bị điều chỉnh các phương án kế hoạch giáo dục. 

Tỉnh Hưng Yên cho học sinh mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên nghỉ học; đồng thời yêu cầu các trường chuẩn bị sẵn sàng điều kiện dạy học và khuyến khích các hoạt động tổ chức dạy học từ xa trên truyền hình, qua in-tơ-nét. Các trường thực hiện tổng vệ sinh, phun khử trùng định kỳ, hướng dẫn học sinh, giáo viên thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch.

Sở GD và ĐT Thanh Hóa, An Giang có thông báo cho trẻ em, học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục khác trong và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, kể từ ngày 2-2 cho đến khi có thông báo đi học trở lại.

Sở GD và ĐT Đồng Tháp cho học sinh trên địa bàn tỉnh bắt đầu nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu từ ngày 2-2, thay vì từ ngày 6-2 như thông báo trước đó. Đối với nhà giáo, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục tham gia các hoạt động chuyên môn và tham gia phòng, chống dịch Covid-19 theo lệnh của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 địa phương.

Cấp phép cho vắc-xin Covid-19 đầu tiên

Ngày 1-2, Bộ Y tế ban hành quyết định phê duyệt có điều kiện vắc-xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, vắc-xin Covid-19 được phê duyệt có tên là: Covid-19 vaccine AstraZeneca. 

Bộ Y tế giao Cục Quản lý dược có trách nhiệm cấp phép nhập khẩu vắc-xin này khi nhận được hồ sơ của cơ sở nhập khẩu; thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý nhập khẩu, quản lý chất lượng vắc-xin nhập khẩu. Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo có trách nhiệm làm đầu mối triển khai đánh giá lâm sàng tại Việt Nam về tính an toàn và tính sinh miễn dịch của Covid-19 vaccine AstraZeneca. Cục Y tế dự phòng có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tiêm chủng và tổ chức triển khai, hướng dẫn tiêm chủng, giám sát trong quá trình tiêm chủng, theo dõi phản ứng sau tiêm chủng và tổ chức việc báo cáo, tổng hợp thông tin, dữ liệu tiêm chủng vắc-xin Covid-19 vaccine AstraZeneca. Viện Kiểm định quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế có trách nhiệm tiến hành kiểm định vắc-xin Covid-19 vaccine AstraZeneca trước khi đưa ra sử dụng.

Nguồn: nhandan.com.vn

Tin liên quan