KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Đăng ngày: 06/08/2020 - Lượt xem: 165
Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở phải đi vào thực chất

Đây là yêu cầu của đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 của Ban Chỉ đạo diễn ra vào chiều 5/8, tại Hà Nội.

Các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng các thành viên Ban Chỉ đạo tham dự Hội nghị.
Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tiếp tục đi vào thực chất, hiệu quả
Đồng chí Trương Thị Mai cùng các đồng chí chủ trì Hội nghị.
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai mong muốn, nhiệm vụ thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong thời gian tới tiếp tục đi vào thực chất, hiệu quả, trọng tậm chú trọng lắng nghe, đối thoại giữa các cấp chính quyền với Nhân dân; giải quyết công việc liên quan đến Nhân dân công khai, minh bạch… Đồng chí Trương Thị Mai cho rằng, cải cách và xây dựng hệ thống pháp luật là một trong những yêu cầu quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình dân chủ cơ sở đi vào cuộc sống.Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh, trong thời gian qua, không khí dân chủ trong xã hội có nhiều sự thay đổi phù hợp với tình hình khách quan và chủ quan cùng với sự phát triển của đất nước, đặc biệt sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Trong đó, nhiều vấn đề người dân phản ánh đúng lên mạng xã hội thay vì đi theo kênh truyền thống, đã được các cấp chính quyền quan tâm xử lý. Qua đó, đã thúc đẩy, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân để Nhân dân gần gũi, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị.
Đồng chí Trương Thị Mai cũng nhấn mạnh thời gian tới, một nhiệm vụ rất quan trọng, đó là khi dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII được công bố chính thức, hệ thống dân vận và mặt trận sẽ khởi động quá trình xin ý kiến Nhân dân. Dự kiến đến 15/10 tới đây sẽ có khoảng 24 Hội nghị lấy ý kiến Nhân dân. Các hội nghị sẽ tổ chức theo từng đối tượng để cùng lắng nghe thêm ý kiến đóng góp cho Đại hội Đảng. Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị tiếp tục vận động, tuyên truyền Nhân dân tham gia thực hiện, thực hiện nhiệm vụ “kép”, phù hợp với “điều kiện bình thường mới”, phù hợp với hoàn cảnh phòng, chống dịch bệnh từ nay đến cuối năm…
Tại Hội nghị, nêu rõ nhiệm vụ thực hiện quy chế dân chủ cơ sở 6 tháng đầu năm 2020 trong bối cảnh cả nước nỗ lực phòng, chống dịch COVID-19, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, Việt Nam tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, công tác đối ngoại, công tác phòng chống tham nhũng… đã góp phần tạo lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Bên cạnh đó, nhận thức trong lãnh đạo cấp ủy quyền các cấp, Nhân dân về quy chế dân chủ cơ sở được nâng cao rõ rệt; có tác động tích cực trong công tác xây dựng Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, công tác phòng chống tham nhũng lãng phí trong những năm gần đây nhận được sự quan tâm, góp ý, phản án và hưởng ứng đồng thuận của Nhân dân.
Trong thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mong muốn toàn dân tiếp tục ủng hộ, tin tưởng, đồng hành cùng Đảng, Nhà nước thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, các cấp, các ngành chủ động nắm tình hình Nhân dân trong bối cảnh giai tầng thay đổi về số lượng, chất lượng; kịp thời giải quyết kiến nghị, bức xúc chính đáng của Nhân dân; chú trọng công tác tôn giáo, công tác xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đảm bảo lựa chọn người có đức, có tài phục vụ đất nước…
Đồng chí Trương Thị Mai cùng các đồng chí chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đánh giá công tác thực hiện dân chủ cơ sở trong thời gian qua có bước tiến lớn. Đồng thời, Phó Thủ tướng nhấn những giá trị tốt đẹp của Nhân dân cũng như vai trò nòng cốt của hệ thống dân vận trong công tác định hướng, lãnh đạo, sự tích cực tham gia của các tổ chức chính trị, tuyên giáo, mặt trận tổ quốc… đã huy động sức mạnh toàn dân.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ nhiệm vụ phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; bên cạnh nhiệm vụ phổ biến công khai, minh bạch thông tin cần chú trọng việc hướng dẫn, khuyến nghị; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ triển khai thực hiện.
Xác định công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới “còn rất dài”, Phó Thủ tướng mong muốn cả hệ thống chính trị tiếp tục vào cuộc nhằm huy động sức mạnh Nhân dân bước sang trạng thái “bình thường mới”, vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế, không chủ quan, để phòng, chống dịch hiệu quả.
Ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở
Theo báo cáo do Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Phước Lộc trình bày và các ý kiến phát biểu của đại biểu tại hội nghị đã khẳng định, 6 tháng đầu năm, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được gắn với tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp; việc triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, xây dựng nông thôn mới, phòng chống đại dịch COVID-19... đạt nhiều kết quả tích cực.
Một buổi đối thoại, giải quyết kiến nghị của người dân của lãnh đạo huyện Cô Tô, Quảng Ninh - Ảnh: Cổng thông tin tỉnh Quảng Ninh
Nhận thức về dân chủ, thực hành dân chủ và kết quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tiếp tục được nâng lên; dân chủ trong Đảng, trong quản lý, điều hành của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ngày càng thực chất hơn. Công tác quản lý, điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp quyết liệt, linh hoạt và hiệu quả hơn, bám sát thực tiễn cuộc sống, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội nhanh nhạy đổi mới hoạt động đáp ứng bối cảnh dịch bệnh, phối tốt với chính quyền giám sát, phản biện, chăm lo sức khỏe, đời sống của đoàn viên, hội viên và Nhân dân.
Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2020, việc thực hiện quy chế dân chủ ở địa bàn dân cư tiếp tục nền nếp; thực hiện dân chủ trong các cơ quan nhà nước có nhiều tiến bộ, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm được quan tâm nhiều hơn và ngày càng thiết thực... góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ các cấp chủ động tham mưu cấp ủy chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; kịp thời ban hành kế hoạch, nhiệm vụ công tác; củng cố, kiện toàn, phân công nhiệm vụ, rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động; tích cực kiểm tra, giám sát, sơ kết đánh giá việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở.
Phát huy những kết quả đạt được trong 6 tháng cuối năm 2020, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện quy chế dân chủ cơ sở yêu cầu tiếp tục cụ thể hóa các quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và những vấn đề có liên quan thành các quy chế, quy định phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu về dân chủ và thực hành dân chủ.
Đồng thời, tiếp tục phát huy dân chủ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là phát huy dân chủ trong công tác chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các nội dung “Năm dân vận chính quyền” năm 2018, 2019 và “Năm dân vận khéo” 2020; đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai, minh bạch các quy định, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; quan tâm giáo dục đạo đức công vụ, phong cách, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện tốt công tác tiếp công dân; chú trọng công tác đối thoại giữa người đứng đầu địa phương, cơ quan, doanh nghiệp với cán bộ, công chức, người lao động và Nhân dân…/.
Tin liên quan