Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), từ ngày 1.1.2021, người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) khi đi khám, chữa bệnh (KCB) không đúng tuyến tại cơ sở y tế tuyến tỉnh sẽ được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng như đúng tuyến. Tức là dù thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở y tế tuyến xã, tuyến huyện, nhưng nếu điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh, dù không cần giấy chuyển tuyến theo trình tự từ cơ sở y tế tuyến dưới, người bệnh vẫn được coi là điều trị đúng tuyến. Quy định này không áp dụng cho khám chữa bệnh ngoại trú. Có thể thấy, chính sách trên sẽ tạo thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu khám, điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh hoặc bệnh nhân ở tỉnh đi công tác, làm việc tại địa phương khác.
Rà soát lại thông tin trên thẻ BHYT trước khi trả thẻ Bà Nguyễn Thị Mỵ, xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) cho biết: Sức khỏe tôi yếu, thường xuyên phải điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh. Trước đây, khi chưa thông tuyến tỉnh, tôi đi khám, chữa bệnh trái tuyến chỉ được BHYT thanh toán 60% chi phí điều trị nội trú. Để được BHYT chi trả ở mức cao hơn, tôi phải mất thời gian xin giấy chuyển viện, nay quy định trên có hiệu lực sẽ tạo điều kiện giúp chúng tôi nhập viện điều trị kịp thời.
Có thể thấy, việc thông tuyến KCB BHYT tuyến tỉnh sẽ tạo điều kiện tối đa cho người tham gia BHYT lựa chọn, tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bảo đảm chất lượng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, cũng tạo động lực nâng cao chất lượng KCB tại tất cả các tuyến y tế để giữ bệnh nhân. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý: Người bệnh không được hưởng chế độ không cùng chi trả chi phí KCB như quy định tại điểm c, khoản 1, điều 22 Luật BHYT. Như vậy, phần chi phí cùng chi trả của người bệnh trong trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến không được xác định là điều kiện để cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả năm. Để người bệnh có thẻ BHYT được hưởng đầy đủ quyền lợi KCB BHYT trong đó có quyền lợi không phải đồng chi trả đối với các chi phí KCB thuộc phạm vi được hưởng BHYT khi đủ điều kiện theo quy định tại điểm c, khoản 1, điều 22, Luật BHYT thì việc tuyên truyền, giải thích khuyến khích người tham gia BHYT đi KCB đúng tuyến đồng thời thực hiện chuyển người bệnh lên tuyến trên theo quy định hiện hành cần được quan tâm đẩy mạnh. Trường hợp người bệnh có thẻ BHYT tự đi KCB không đúng tuyến và được chỉ định điều trị nội trú tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh trước ngày 1.1.2021, ra viện từ ngày 1.1.2021 trở đi có xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ thì các chi phí KCB BHYT phát sinh từ ngày 1.1.2021 được quỹ BHYT chi trả theo quy định.
Chăm sóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Hưng Yên Việc mở rộng quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT từ thông tuyến huyện (từ ngày 1.1.2016) lên thông tuyến tỉnh nội trú (từ ngày 1.1.2021) mang lại nhiều quyền lợi hơn cho người bệnh trong việc thụ hưởng các dịch vụ y tế nhưng cũng tạo ra áp lực không nhỏ trong việc KCB vượt tuyến, quá tải bệnh nhân tuyến tỉnh, vượt trần chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Theo đánh giá của ngành Y tế, quy định mới về thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh sẽ là thách thức đối với các cơ sở KCB đòi hỏi các đơn vị phải đổi mới phương pháp quản lý, nâng cao chất lượng KCB để thu hút bệnh nhân trong bối cảnh thực hiện tự chủ.
Để bảo đảm quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT đồng thời thực hiện đúng các văn bản hướng dẫn, BHXH tỉnh đã có Công văn số 1858/BHXH-GĐBHYT, ngày 25.12.2020 về việc phối hợp thực hiện KCB BHYT khi thông tuyến tỉnh đề nghị các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn tỉnh phối hợp thực hiện đúng các văn bản hướng dẫn. Trong đó, đề nghị các bệnh viện tuyến tỉnh tăng cường công tác quản lý chất lượng dịch vụ KCB. Xây dựng quy trình kỹ thuật, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị trong đó có quy định tiêu chuẩn nhập viện điều trị nội trú phù hợp với yêu cầu chuyên môn, điều kiện trang thiết bị và nhân lực của bệnh viện tối thiểu 80% các mã bệnh phổ biến mà bệnh viện đang KCB, không chỉ định điều trị nội trú các trường hợp không thực sự cần thiết. Sắp xếp, bố trí giường bệnh phù hợp với quy mô, trang thiết bị, nhân lực hiện có của cơ sở KCB. Tăng cường vai trò của Hội đồng thuốc và điều trị trong việc giám sát các hoạt động chuyên môn, kiểm soát các chỉ định nhập viện điều trị nội trú; hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới…
Các cơ sở y tế tuyến huyện tăng cường các giải pháp để nâng cao chất lượng KCB, tập trung nguồn lực đáp ứng yêu cầu về chuyên môn để giảm thiểu tình trạng bệnh nhân tự đi KCB tại tuyến tỉnh, tuyến trung ương. Chuyển một số bệnh mãn tính mức độ trung bình và nhẹ về tuyến xã quản lý.
Cơ quan BHXH phối hợp với cơ sở KCB BHYT bảo đảm quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT khi thông tuyến tính từ ngày 1.1.2021. Tổng hợp, phân tích, đánh giá việc chỉ định thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật chưa hợp lý thông báo tới các đơn vị. Tăng cường kiểm tra bệnh nhân điều trị nội trú cả trong, ngoài giờ hành chính và các ngày nghỉ, ngày lễ tại các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn.
Nguồn: baohungyen.vn