Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo. Ảnh: VGP.
Mở rộng tất cả đối tượng có nhu cầu khi có đủ vaccine
Đại diện Bộ Y tế cho biết, ngày 24-2, lô vaccine đầu tiên của Công ty SK Bioscience Co Limited - Hàn Quốc đã về đến Việt Nam. Hiện nay, Viện Kiểm định quốc gia của Bộ Y tế được giao kiểm định, cơ bản đã gần xong. Còn một phiếu kiểm định nữa là phiếu kiểm định chất lượng của phía Hàn Quốc, Bộ Y tế đang hối thúc phía Hàn Quốc sớm chuyển kết quả kiểm định của cơ quan này. Hy vọng cuối tuần này, đầu tuần sau, bộ nhận được phiếu kiểm định kết quả chất lượng của lô vaccine này.
Việc tiêm vaccine sẽ được thực hiện theo Nghị quyết 21 của Chính phủ, ưu tiên những đối tượng cần tiêm và đối tượng miễn phí, ngoài các đối tượng ưu tiên thì có các địa bàn ưu tiên và ưu tiên các tỉnh, thành phố có dịch. Trong tỉnh, thành phố sẽ ưu tiên vùng dịch bệnh. Trong trường hợp này, tỉnh Hải Dương sẽ là một trong các tỉnh được ưu tiên tiêm trước theo các đối tượng ưu tiên tại Nghị quyết của Chính phủ.
Về lộ trình và tiến độ tiêm, hiện nay, chúng ta có 117.600 liều, đợt này tương đối ít. Cuối tháng 4-2021 sẽ có lô tiếp về, chúng ta sẽ có nhiều hơn, với khoảng 1 triệu liều này, chúng ta sẽ tiếp tục tiêm. Ngoài ra còn khoảng mấy triệu liều nữa. Chúng ta có đến đâu tiêm đến đấy. Bộ Y tế đã sẵn sàng về cơ sở vật chất, con người, dây chuyền lạnh, các bác sĩ để tiêm khi vaccine về. Khi vaccine có đủ thì có mở rộng đối tượng không? Trong Nghị quyết 21 có nội dung khuyến khích các tổ chức, cá nhân có điều kiện tiêm, tức là tiêm cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Nghị quyết 21 cũng quy định các đối tượng được ưu tiên trong danh mục và đối tượng miễn phí. Vậy khi có đủ vaccine, chúng ta hoàn toàn có thể mở rộng tất cả đối tượng có nhu cầu. Đây cũng là khuyến khích của Bộ Y tế để chúng ta có đủ số lượng người tiêm và có miễn dịch cộng đồng.
Nỗ lực tiêu thụ nông sản cho bà con vùng dịch
Đại diện Bộ Công thương cho biết, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, các địa phương, các bộ, ngành, doanh nghiệp đã rất quyết liệt hành động và đáng mừng là đến nay đã bước đầu ngăn chặn sự bùng phát của dịch Covid-19 cũng như kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có hỗ trợ tiêu thụ nông sản và các sản phẩm nông nghiệp, ở một mức mà chúng ta chấp nhận được. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do một số địa phương vì quá chú trọng đến công tác phòng, chống dịch nên đã ban hành một số văn bản mà theo dư luận đánh giá là chưa linh hoạt, thậm chí chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, chưa thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng là phòng, chống dịch nhưng vẫn phải bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, gây một số khó khăn, vướng mắc, ách tắc trong việc lưu thông hàng hóa, nhất là nông sản, những hàng hóa đến vụ mùa thu hoạch và có sản lượng cao tại một số vùng đang có dịch, nhất là Hải Dương.
Trước khó khăn đó, Bộ Công thương đã chủ động bám sát chỉ đạo của Chính phủ, đưa ra những khuyến nghị, giải pháp để hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa, nông sản cho người dân. Bộ đã làm việc trực tiếp với các hệ thống phân phối lớn trong nước, các doanh nghiệp lớn, để hỗ trợ tiêu thụ nông sản, bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh. Như hệ thống phân phối Centra Group, BRG Retail, chuỗi siêu thị Coop Mart… đã hỗ trợ tiêu thụ một lượng lớn các sản phẩm, nhất là nông sản. Bộ cung đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị, địa phương để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, loại bỏ tâm lý e dè của người tiêu dùng đối với hàng hóa, nông sản, thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ từ vùng đang có dịch.
Để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong vận chuyển, lưu thông phân phối hàng hóa theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 (Thông báo số 31 ngày 25-2-2021 của VPCP) giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp Bộ NN và PTNT, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn thu mua tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản vùng đang có dịch. Ngay sau khi nhận được văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, chúng tôi đã làm ngay trong thứ 7, chủ nhật và hôm qua cũng có buổi làm việc trực tuyến với Hải Dương, Hải Phòng, các bộ, ngành có liên quan như Bộ NN và PTNT, Bộ Y tế và các cơ quan có liên quan, các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối để bàn rất kỹ về dự thảo văn bản này. Chiều tối qua đã ban hành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, được sự đồng thuận cao của các địa phương cũng như doanh nghiệp.
Vấn đề khi cần thiết, các UBND tỉnh, thành phố chỉ định cơ quan đầu mối tại địa phương (đặc biệt tại các địa phương đang có dịch) cấp giấy tờ liên quan theo quy định về phòng, chống dịch thì căn cứ vào đâu, cần thiết là như thế nào? Ở các địa phương đều có các cơ quan chuyên môn liên quan đến vấn đề này như y tế, nông nghiệp (sản xuất), công thương (phân phối lưu thông), giao thông vận tải (vận chuyển hàng hóa) và Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông vận tải cần ban hành sớm quy chế.
Còn nếu địa phương thấy rằng không cần chỉ định bất cứ đầu mối nào mà hoạt động hiệu quả thì địa phương hoàn toàn có quyền chủ động không thành lập đầu mối. Nhưng thấy rằng một doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đến thu mua sản phẩm trong vùng dịch mà gặp đến 3, 4 đầu mối thì địa phương có quyền chủ động chỉ định một đầu mối, có thể là một sở, ban ngành nào đó, thậm chí là Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của tỉnh, hoặc là một tổ liên ngành có nhiều đại diện của các cơ quan để tháo gỡ khó khăn cho người mong muốn thu mua, hỗ trợ họ khi gặp khó khăn và hỗ trợ cho người nông dân, người sản xuất tiêu thụ được sản phẩm. Địa phương có quyền chủ động và được giao thẩm quyền quyết định thành lập đầu mối hay không.
Hiện nay, cần hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm không chỉ trong vùng có dịch, bởi chúng ta đang đến mùa thu hoạch với sản lượng lớn trên cả nước trong khi cầu giảm đi vì các bếp ăn chưa hoạt động, sinh viên chưa đi học, công nhân nhiều nơi nghỉ... Giữa cung và cầu chắc chắn xảy ra việc dư thừa. Do đó, chúng ta phải tiếp tục hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nhưng vẫn bảo đảm tuân thủ các quy định của y tế phòng, chống dịch trước hết.
Nguồn: nhandan.com.vn