Giám đốc bộ phận xử lý các vấn đề khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Michael Ryan. (Ảnh: AFP)
Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 1/6, ông Ryan – đồng thời cũng là một chuyên gia về dịch bệnh cho biết, virus mới sau khi xuất hiện có thể biến đổi và trở nên suy yếu hoặc đôi khi lại có thể trở nên mạnh hơn. Theo ông, SARS-CoV-2 cho đến nay vẫn là một virus gây chết người và loài người cần thận trọng.
Thông tin này được đại diện của WHO đưa ra chỉ một ngày sau khi bác sỹ Alberto Zangrillo người Italy đã phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rai rằng, trên phương diện lâm sàng, virus SARS-CoV-2 đã không còn tồn tại ở Italy. Ông Zangrillo – người từng đóng vai trò là bác sỹ riêng cho cựu Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi trong gần 30 năm qua, cho rằng các mẫu xét nghiệm tiến hành trong 10 ngày qua đã cho thấy virus tồn tại ở số lượng cực nhỏ nếu so với thời điểm cách đây 1 đến 2 tháng.
Lập luận của ông Zangrillo đã làm dấy lên sự hoài nghi của các chuyên gia khác vốn cho rằng bác sỹ người Italy có thể đã nhầm lẫn ở tỷ lệ phát hiện cao hơn các trường hợp mắc bệnh không triệu chứng với khả năng suy yếu của virus SARS-CoV-2. Trong khi đó, chính phủ Italy cũng đã phải phát đi những thông điệp cảnh báo thận trọng, nhất là trong bối cảnh Italy dự kiến sẽ nối lại các hoạt động du lịch trong tuần này. Đây là một bước đi quan trọng để hướng tới việc nới lỏng biện pháp phong tỏa toàn quốc mà Italy đã áp đặt từ 3 tháng trước.
Bác sỹ Alberto Zangrillo cho rằng virus SARS-CoV-2 đã biến đổi và suy yếu dần. (Ảnh: AFP)
Phát biểu trước truyền thông, Thứ trưởng Bộ Y tế Italy Sandra Zampa nói: “Vẫn chưa có chứng cứ khoa học ủng hộ giả thuyết cho rằng virus Corona đã biến mất… Tôi đề nghị những người cho rằng virus không còn tồn tại ở Italy ngưng ngay việc khiến cho người dân hoang mang”.
Liên quan tới nhận định do bác sỹ Zangrillo đưa ra, ông Ryan cho rằng, đối với một số trường hợp, tình trạng nặng hay nhẹ của người nhiễm virus phụ thuộc vào mức độ và thời gian phơi nhiễm. Hay nói cách khác thì số lượng virus bị phơi nhiễm có thể xác định mức độ nghiêm trọng của căn bệnh mà một người mắc phải. Trên thực tế, điều này đã được chứng minh xảy ra trên nhiều loại bệnh. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa biết điều này có diễn ra tương tự đối với virus SARS-CoV-2 hay không.
“Có thể nói rằng, virus có vẻ như đang yếu đi là do chúng ta đang làm tốt hơn công việc của mình, chứ không phải vì bản thân virus đang bị suy yếu” – ông Ryan nói.
Theo số liệu thống kê trên trang worldometers.info, tính đến chiều 2/6, thế giới ghi nhận 6.394.317 ca nhiễm và 377.966 ca tử vong vì COVID-19. Trong đó, Italy đang là nước có số ca nhiễm COVID-19 đứng thứ 6 thế giới, với 233.197 ca ghi nhận được tính tới thời điểm hiện tại./.