KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 12/09/2019 - Lượt xem: 111
Yên Mỹ: chú trọng phát triển kinh tế tập thể

Phát triển kinh tế tập thể là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Ở huyện Yên Mỹ trong những năm qua, kinh tế tập thể với hợp tác xã là nòng cốt đã có những đóng góp thiết thực và đóng vai trò trong xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị cơ sở và sự phát triển chung của địa phương.

Quán triệt quan điểm “kinh tế tập thể phát triển với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, trong đó hợp tác xã là nòng cốt”, “kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân” và thực hiện Chương trình hành động số 32-CTr/TU ngày 27/6/2002 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên về thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Mỹ đã ban hành Kế hoạch số 23-KH/HU ngày 01/7/2002 về việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết. Đồng thời, căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình hành động của Tỉnh ủy, trên cơ sở đánh giá tình hình thực tiễn tại địa phương, Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Mỹ đã ban hành Chương trình hành động số 08 - CT/HU ngày 08/7/2002 về việc đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2001-2005; định hướng đến năm 2010 và tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân. Dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, 100% các chi, đảng bộ trực thuộc Huyện ủy đã xây dựng kế hoạch và tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu đề ra.
Qua học tập, quán triệt Nghị quyết số 13-NQ/TW, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đã hiểu rõ hơn về vai trò, vị trí và yêu cầu khách quan phải xây dựng và phát triển kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nắm vững hơn về mô hình hợp tác xã mới, thấy được trách nhiệm trong việc cụ thể hoá, thể chế hoá, tổ chức chỉ đạo thực hiện Nghị quyết. Xã viên các tổ hợp tác, hợp tác xã tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể. Nhiều hộ nông dân và người lao động hiểu biết hơn về hợp tác xã kiểu mới, thấy được vai trò của hợp tác xã đối với việc đáp ứng các nhu cầu dịch vụ của sản xuất và đời sống dân sinh, từ đó mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, tích cực tham gia vào hợp tác xã.
Trong những năm qua, huyện Yên Mỹ đã tập trung triển khai các giải pháp để củng cố những tổ hợp tác và hợp tác xã hiện có, đồng thời tiếp tục phát triển rộng rãi kinh tế hợp tác xã với hiều hình thức, quy mô, trình độ khác nhau trong các ngành, lĩnh vực, ở những địa bàn có điều kiện. Trong lĩnh vực nông nghiệp, trước hết tập trung làm các dịch vụ đầu vào, đầu ra phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ thành viên, từng bước mở rộng ngành nghề, sản xuất, kinh doanh, tổng hợp. Trong lĩnh vực phi nông nghiệp, vừa tổ chức sản xuất vừa kinh doanh dịch vụ. Đến nay trên địa bàn huyện có 28 hợp tác xã; hơn 725 thành viên và 03 tổ hợp tác với 48 thành viên. Chỉ tính riêng trong năm 2018, toàn huyện đã thành lập mới 5 hợp tác xã và 01 tổ hợp tác mới. Các hợp tác xã hoạt động đa dạng ở các lĩnh vực. Lĩnh vực nông nghiệp có 17 hợp tác xã làm dịch vụ bảo vệ thực vật; 04 hợp tác xã thành lập mới sản xuất theo chuỗi. Lĩnh vực thương mại, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có 02 hợp tác xã vận tải (Hợp tác xã vận tải Yên Mỹ và Hợp tác xã Giai Phạm); có 01 hợp tác xã sản xuất miến dong Lại Trạch, xã Yên Phú. Lĩnh vực tín dụng có 04 hợp tác xã, gồm: Yên Phú, Tân lập,Thanh Long, Tân Việt.
Nhìn chung, những năm qua, kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã kiểu mới dưới nhiều hình thức, trình độ khác nhau trong các ngành, lĩnh vực, nhất là trong nông nghiệp, nông thôn đã đáp ứng một phần nhu cầu của những người lao động, hộ sản xuất kinh doanh, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương nói riêng, của tỉnh Hưng Yên nói chung. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nhất định, việc phát triển kinh tế tập thể theo tinh thần Nghị quyết 13-NQ/TW trên địa bàn huyện vẫn còn những khó khăn cần phải khắc phục trong thời gian tới, như: hầu hết các hợp tác xã vẫn tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp, lợi nhuận thấp; đa số các hợp tác xã chỉ làm khâu trung gian cung cấp dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp; cán bộ quản lý điều hành hợp tác xã trên cơ sở uy tín và kinh nghiệm tích luỹ từ những hoạt động thực tế, chưa được đào tạo bài bản, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của hợp tác xã trong cơ chế thị trường; hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các hợp tác xã mang tính ngắn hạn, cơ sở vật chất của hợp tác xã còn nghèo nàn.
Để phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, trong thời gian tới, huyện Yên Mỹ sẽ thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, thống nhất và nâng cao nhận thức về bản chất, vai trò của kinh tế tâp thể hợp tác xã; tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp trong Nghị quyết 13 - NQ/TW và Kết luận 56 - KL/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX) về tiếp tục đẩy mạnh, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác học tập, quán triệt, tuyên truyên Nghị quyết theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về những chủ trương, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết đã nêu.
Thứ hai, cấp uỷ đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu địa phương cần xác định rõ trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết và các quy định của pháp luật, chính sách về phát triển kinh tế tập thể, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để giúp các tổ chức kinh tế tập thể tháo gỡ khó khăn, nhanh chóng khắc phục những hạn chế, yếu kém, nâng cao năng lực quản lý, điều hành và hiệu quả hoạt động, nhằm phát huy lợi thế vốn có của tổ chức kinh tế tập thể để tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường.
Thứ ba, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về kinh tế tập thể như tinh thần Nghị quyết và quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả, tập trung. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về kinh tế tập thể. Tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện tiếp cận vốn, hỗ trợ đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng giúp các hợp tác xã ổn định, phát triển sản xuất.
Thứ tư, tăng cường vai trò hỗ trợ của các cấp về liên kết, hợp tác cho các hợp tác xã; hỗ trợ cho hợp tác xã trong việc phổ biến chính sách, pháp luật đối với khu vực kinh tế tập thể. Chú trọng thực hiện mở rộng các hình thức liên doanh, liên kết kinh tế giữa các tổ hợp tác, hợp tác xã với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, nhất là với doanh nghiệp nhà nước. Khi hợp tác xã phát triển đến trình độ cao hơn thì sẽ hình thành các doanh nghiệp của hợp tác xã, các liên hiệp hợp tác xã.
Thứ năm, Mặt trận Tổ quốc các cấp cùng các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội và các hội quần chúng cùng cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động gắn với nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm trong thực hiện các nội dung của Nghị quyết; vận động, giáo dục quần chúng, hội viên, thành viên tham gia phát triển kinh tế tập thể.
HC
 

 

Tin liên quan