KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tác phẩm văn học nghệ thuật
Đăng ngày: 04/05/2016 - Lượt xem: 165
Bữa “tiệc” khao quân trong ngày đại thắng

            Hơn 30 năm đã trôi qua, nhưng cái giây phút lịch sử ấy, cái thời khắc thiêng liêng ấy vẫn như in sâu vào máu thịt mỗi người con Việt Nam. 30/4/1975 đã trở thành mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Tất cả đã được lịch sử dân tộc ghi chép lại, lịch sử thơ ca góp phần tôn vinh. Từ những điều mang tính hùng tráng sử thi như thời khắc cờ giải phóng tung bay trên nóc dinh Độc Lập đến những điều giản dị nhất là bữa cơm chiều trong ngày đất nước sạch bóng quân thù, tất cả đều trở nên đẹp một cách ngỡ ngàng.

          “Bữa cơm chiều trong dinh Độc Lập” của nhà thơ Hữu Thỉnh đưa chúng ta về với thời khắc lịch sử huy hoàng của dân tộc, làm sống dậy trong chúng ta tình yêu, niềm tự hào được là người con sinh ra lớn lên trên mảnh đất anh hùng, trên quê hương Việt Nam. Một bữa cơm chiều rất đỗi giản dị nhưng ý nghĩa của nó lại không hề giản đơn.

          Giữa bầu không gian ngút trời khí thế hào hùng, đậm đặc chất sử thi hoành tráng của Sài Gòn ngày 30/4/1975 người ta thấy ở nơi tâm điểm nhất của chiến thắng - dinh Độc Lập - có một người lính viết về bữa cơm chiều bình dị:

                                     Cơm dã chiến nấu bằng bếp điện
                                     Rau muống xanh như hái tự ao nhà
                                     Trời còn đầy ắp hoa và pháo
                                     Nhìn nhau chưa vội mở vung ra.
 
                                    Màu xanh - sân cỏ xanh mải miết
                                    Quây quần đồng đội đến vui chung
                                    Hàng cây so đũa cùng ta đó
                                    Ăn bữa cơm ở đích cuối cùng.
 
                                     Khách thường: thương mấy anh nhà báo
                                     Theo tăng băng dốc mấy mươi ngày
                                     Sáng chiếm núi Bông, chiều Cửa Thuận
                                     Vượt đèo Phước Tượng buổi chiều mây.
 
                                     Tăng vẫn dàn theo hình chiến đấu
                                     Xích còn vương đỏ đất Phan Rang
                                     Vừa mới vào mâm, anh nuôi bận
                                     Chia thêm Tổng - thống - Ngụy - đầu - hàng.
 
                                     Kìa gắp đi anh, ai nấy giục
                                     Có gắp chi đâu, mải ngắm trời
                                     Tự do xanh quá, mênh mông quá
                                     Vượt mấy ngàn bom mới tới nơi.
                                     Bỏ lại đằng sau bao trận đánh
                                     Kịp vào thành phố sáng tên Người
                                     Độc lập theo tăng vào cổng chính
                                     Cờ treo trên đỉnh nước non ơi!
 
                                     Ta trẻ như cờ ta trẻ lắm
                                     Ta reo trời đất cũng reo cùng
                                     Ta no cười nói, say đôi mắt
                                     Bát canh ngày hẹn cũng mênh mông.
 

          Một bữa cơm chiều như bao ngày khác, cũng những món ăn ấy, cũng những người lính, người đồng đội ấy vậy sao lại trở thành bữa cơm đặc biệt đến vậy, lại trở thành bữa cơm đi vào lịch sử của thơ ca? Vì đặc biệt nên “Cơm dã chiến” được nấu bằng “bếp điện” chứ không phải bếp Hoàng Cầm giấu khói sử dụng củi rừng làm chất đốt, “rau muống” cũng trở nên xanh tươi một cách bất thường “như hái tự ao nhà”. Có màu sắc của quê hương, màu xanh của hòa bình, màu của tự do, của hạnh phúc, màu của hậu phương trong một chữ “xanh” đầy ẩn ý. Màu xanh ấy trở thành chủ đạo, xuyên suốt trong bài thơ. Xin được mượn lời của một nhà nghiên cứu, cho rằng “Có một tiệc khao quân rất xanh trong thơ Hữu Thỉnh”. Đó là những gì? Là “Rau muống xanh như hái tự ao nhà”, là “Màu xanh - sân cỏ xanh mải miết”, là “Tự do xanh quá, mênh mông quá”. Từng chữ từng chữ “xanh” dàn trải ở các khổ thơ tạo nên cái thần, cái hồn cho “Bữa cơm chiều” rất đỗi bình dị. Cũng vì thế mà nó trở nên đặc biệt. Phải chăng đó là bữa cơm đầu tiên được nếm mùi của tự do, được cảm nhận dư vị của niềm hạnh phúc chiến thắng, là bữa cơm đánh dấu mốc lịch sử chói lọi của dân tộc - Ngày toàn thắng ắt về ta. Vì thế mà màu xanh cũng trở nên “mải miết”, độ xanh cũng trở nên “xanh quá”, xanh lắm, xanh đến ngỡ ngàng, cấp độ “xanh” cũng như tăng theo cấp số nhân. Bữa “tiệc” khao quân đậm màu xanh của tự do, của hòa bình, của hạnh phúc như được dàn trải ở từng khổ thơ, được in đậm ở từng con chữ. Có phải vào thời khắc đó bầu trời tưởng chừng chưa bao giờ xanh đến thế không mà khiến những người lính quên ăn để hướng vào một hành động duy nhất đó là “mải ngắm trời”. Bầu trời xanh kia giờ đã thuộc về đất nước ta, dân tộc ta, là bầu trời xanh tự do, là bầu trời xanh không màu khói lửa chiến tranh. Niềm hạnh phúc tưởng chừng như không có gì diễn tả hết. Chỉ cần một chữ “xanh” nhà thơ đã biến bữa cơm chiều bình dị thành một bữa “tiệc” khao quân độc đáo với những món ăn chính là tự do, hòa bình, hạnh phúc - những món ăn phải đổi bằng máu, bằng nước mắt của bao người lính đã ngã xuống trên chiến trường. Hữu Thỉnh dường như không kìm nén nổi niềm vui quá lớn, niềm hạnh phúc đến ngỡ ngàng, nhà thơ đã reo lên:

                                    “Tự do xanh quá, mênh mông quá
                                     Vượt mấy ngàn bom mới tới nơi”
 

          Trong cái giây phút lịch sử thiêng liêng của cả dân tộc, mỗi nhà thơ lại chọn cho mình một cách riêng để thể hiện niềm vui đến khôn tả, niềm hạnh phúc đến vô bờ. Nếu như Tố Hữu, Bằng Việt chọn những giọt nước mắt làm phương thức thể hiện niềm vui sướng, tự hào, niềm hạnh phúc bất tận của cả dân tộc trong ngày đại thắng:

                                     “Ôi nỗi mừng dâng mọi nỗi mừng
                                     Trào vui nước mắt cứ rưng rưng
                                     Cả Việt Nam tiến công, cả miền Nam nổi dậy
                                     Dồn dập tim ta trăm trận thắng bừng bừng”
                                                                    (“Toàn thắng về ta” - Tố Hữu)
                           Hay: “Đi giữa phố khóc cười như trẻ nhỏ…
                                     Cái giây phút một đời người mới có
                                     Thật đây rồi vẫn cứ nghĩ như mơ”
                                                                   (“Đêm 30-4-1975” - Bằng Việt)
 

          …nếu như trong ngày đất nước hoàn toàn độc lập, Bắc - Nam sum họp một nhà, những nhà thơ đồng thời là những người lính, người con của quê hương Việt Nam vui mừng cất tiếng gọi người cha già của dân tộc, vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của đất nước: "Bác Hồ ơi, toàn thắng về ta” (Tố Hữu), “Bác tha thứ, Bác ơi, nếu chúng con đã khóc” (Chế Lan Viên), “Bác Hồ, người thuyền trưởng thắng phong ba. Ngày hội tưng bừng Bác vẫn ở bên ta” (Sóng Hồng)…

          …thì Hữu Thỉnh lại chọn một phương thức biểu đạt rất đỗi bình dị - miêu tả một bữa cơm chiều với những món ăn xanh màu của tự do, hạnh phúc. Đó không chỉ là bữa cơm bình thường mà thực sự nó đã trở thành một bữa “tiệc” đặc biệt khiến những người tham gia ai cũng phải ngây ngất men say.

          Đó là men say của hạnh phúc, men say của chiến thắng, men say của niềm tự hào đến vô tận… Cái độc đáo của Hữu Thỉnh chính là khiến cho người đọc cũng phải ngất ngây, “quay cuồng” theo dòng cảm xúc của bài thơ. Vì say nên nhà thơ nhìn mọi vật đều trở nên đẹp, trở nên lung linh, nhìn cuộc sống đáng yêu đến vô cùng:

                                     “Màu xanh - sân cỏ xanh mải miết
                                     Quây quần đồng đội đến vui chung
                                     Hàng cây so đũa cùng ta đó
                                     Ăn bữa cơm ở đích cuối cùng”
 

          Ở trên, người lính, nhà thi sĩ của “Bữa cơm chiều trong dinh Độc lập” đã khiến cho chúng ta đủ say bởi sắc xanh “mải miết” rồi, thì đến đây, người đọc thực sự ngất ngây, lâng lâng bởi được hòa mình vào dòng cảm xúc vui mừng hạnh phúc đến khôn tả. Bữa cơm của những người lính trong chiều độc lập có sự xuất hiện của những người bạn mới - “hàng cây” - cùng với hành động “so đũa cùng”. Trong con mắt ngập đầy hạnh phúc, Hữu Thỉnh thấy mọi vật đều trở nên gần gũi, thân thương, đều là những người bạn đáng yêu đến vô ngần. Nhà thơ như cất lời mời gọi: các bạn hãy cùng chúng tôi chia sẻ niềm vui chiến thắng, hãy cùng chúng tôi ăn bữa cơm trong chiều độc lập đầu tiên, trong giây phút thiêng liêng nhất của lịch sử dân tộc - phút giây đánh đổi bằng bao nhiêu gian khổ, hi sinh, bao nước mắt, máu xương của tổ quốc. Trong dòng cảm xúc ngất ngây của men say chiến thắng, trong niềm hạnh phúc không thể kìm nén, người lính thi sĩ của “Bữa cơm chiều trong dinh Độc Lập” đã góp thêm vào một món ăn vô cùng độc đáo:

                                   “Vừa mới vào mâm, anh nuôi bận
                                     Chia thêm Tổng - thống - Ngụy - đầu - hàng” 
   

          Trong những bữa tiệc khao quân mừng chiến thắng, những người lính thường ngồi ôn lại với nhau những kỉ niệm, những chiến công, góp thêm vào những câu chuyện hài hước, chia thêm những món ăn tinh thần vô cùng thú vị. Cũng theo quy luật ấy, Hữu Thỉnh đã khéo léo đem đến bữa “tiệc” của ông câu chuyện đầu hàng của Tổng thống Ngụy Dương Văn Minh như một món ăn tinh thần cho những người lính đang say trong hạnh phúc. Giọng thơ hài hước, hóm hỉnh, cảm xúc thơ bay bổng lâng lâng, đúng tâm trạng của một người ngấm hơi “men”. Không hề nhắc đến từ say nhưng thực sự nhà thơ đã rất say, quá say, say đến mức phải thốt lên, reo lên: “Tự do xanh quá, mênh mông quá”. Ông và những người đồng đội đang thực sự say trong tự do, say trong niềm vui chiến thắng. Không cần có hơi men của chất cồn đo bằng độ, những người lính của “Bữa cơm chiều trong dinh Độc lập” cũng phải chuếnh choáng, ngất ngây:

                                    “Ta trẻ như cờ ta trẻ lắm
                                     Ta reo trời đất cũng reo cùng
                                     Ta no cười nói, say đôi mắt
                                     Bát canh ngày hẹn cũng mênh mông”
 

          Một nhà nghiên cứu cho rằng khổ thơ cuối cùng có thể ví như một khúc vĩ thanh được dâng lên đến cao trào và được lắng đọng bằng một câu kết đầy cảm xúc. Quả thực, đọc mỗi câu thơ cảm giác như được bay lên, cất lên, nhún nhảy cùng tiếng nhạc. Nếu như điệp khúc “Ta trẻ”, “Ta reo”, “Ta no cười nói” đưa khúc vĩ thanh lên đến cao độ thì câu thơ cuối lại là nốt trầm lắng đọng trong bản đàn du dương hạnh phúc. Và đến cuối cùng nhà thơ cũng đã nói thật lòng, đã công nhận một hiện thực đó là ông đã “say”, ông đang “say” và sẽ còn tiếp tục “say” trong niềm hân hoan, niềm vui chiến thắng của dân tộc. Khổ thơ cuối khép lại bữa “tiệc” bằng dòng cảm xúc đắm say, ngây ngất của một người lính, một nhà thi sĩ, một người con của đất nước Việt Nam anh hùng. Những người lính dù có ngấm men say đến đâu nhưng có một điều chắc chắn rằng, họ xứng đáng được ngất ngây, được say sưa, được tự hào về giây phút lịch sử thiêng liêng ấy của dân tộc - 30/4/1975 mãi trở thành mốc son chói lọi, trang sử hào hùng nhất của dân tộc Việt Nam.

          Cuối cùng, xin mượn lời của một nhà nghiên cứu để nói về hồn thơ Hữu Thỉnh: “Khi dạt dào nồng nhiệt, khi rủ rỉ dịu êm, lúc trầm xuống nghẹn ngào, lúc vút đanh sắc nhọn… những cung bậc khác nhau trong thơ Hữu Thỉnh vẫn tựa trên một âm giai bao trùm đó là chất giọng đằm thắm”. Và thực sự ở “Bữa cơm chiều trong dinh Độc lập” người ta thấy tất cả những điều đó được gói trong chất giọng mượt mà, đằm thắm của ông. Ông đã thay những người lính nói lên niềm vui mừng vô hạn, niềm hạnh phúc vô biên, niềm tự hào vô tận trong giây phút huy hoàng của dân tộc. Thời khắc ấy mãi mãi đi vào lịch sử đánh dấu trang sử anh hùng nhất của dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Huệ

Tin liên quan