KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tác phẩm văn học nghệ thuật
Đăng ngày: 16/12/2018 - Lượt xem: 588
Chử Đồng Tử- Tiên Dung, nhìn từ tâm thức dân gian một vùng châu thổ

Trong một rung động khi nhớ về giây phút huyền thoại khi Công chúa Tiên Dung quây màn tắm trên bãi Tự Nhiên để “phát lộ” ra chàng trai nghèo Chử Đồng Tử, nhà thơ Nguyễn Thành Tuấn, bằng bút pháp đồng hiện, đã viết rằng: “Thì em vẫn được quyền cởi áo/Trút dưới chân trần tất cả những mùa đông/Giọt nước đầu tiên từ vai em rơi xuống/Bật chồi lên châu thổ sông Hồng” (Phóng túng sông Hồng). Vâng, giọt nước định mệnh nghìn năm hoang hoải xưa kia đã làm nên một thiên tình ca bất tử, để từ đó, theo dấu tình yêu của họ, những đầm bãi cửa sông đã dần hiện hình thành một vùng châu thổ màu mỡ, như dấu chân của người Việt cổ từ trung du tiến dần về phía biển, theo những nẻo đường phù sa…

1- Một tấm gương về trung, hiếu, nghĩa

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đình làng Ngân Hạnh (xã Hoàn Long, huyện Yên Mỹ) đã bị giặc đốt trụi. Ngôi đình, theo nhiều cố lão trong làng nhớ lại, là “to nhất vùng”, được làm bằng gỗ lim, cháy mấy ngày liền mới  dập tắt được. Thật may, lúc quân giặc kéo đi, dân làng vẫn chạy kịp hơn chục sắc phong của các triều nhà Lê, Nguyễn cho thành hoàng làng. Và, may mắn hơn, bộ ngọc phả được chính Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính, Thượng thư Bộ Lễ chỉnh lý vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) và được đích thân Quản giám bách thần Nguyễn Hiền sao lại vào niên hiệu Vĩnh Hựu (1735-1740) đời Lê Ý Tông. Theo bộ Ngọc phả này, thì Chử Đồng Tử được sinh ra một cách thần kỳ, khi sinh, trong nhà tỏa hào quang và có mùi thơm sực nức. Tuy nhiên, Đồng Tử lại chuân chuyên từ nhỏ. Khi đức thánh mới 13 tuổi thì người mẹ mắc bệnh qua đời, nhà lại bị hoả hoạn,bao nhiêu của cải đều bị cháy sạch, duy chỉ còn 1 chiếc khố, 2 cha con thay nhau mặc khi có việc đi ra ngoài. Đến khi người cha ốm nặng sắp mất, liền dặn Đồng Tử rằng: “Con người ta nghèo hèn hay phú quý đều do số trời định cả. Nhà ta trước đây giàu có, sau này nghèo khổ cũng là do trời vậy, không biết làm thế nào. Cha nay bị bệnh, số trời xem ra cũng khó tránh khỏi, nếu vạn nhất như thế nào, hình hài của cha đã có đất bụi che chở không lộ ra ngoài, con nên để khoả thân mà chôn cất, để lại cái khố cho con, lấy cái mà che thân”. Dặn dò xong ông thở dài 1 tiếng rồi mất. Đồng Tử khóc lóc thảm thiết, không biết làm thế nào, ôm thi hài cha mà khóc rằng: "Ôi cha ơi,ôi cha ơi cha sinh ra con, công lao như trời biển, nay gia đình nghèo khó không biết lấy gì để báo đáp. Con còn sống ở trên đời, lòng trời không phụ, thì quần áo tất sẽ có, còn cha ta khi còn sống đã là người không có áo quần, nay đã tạ thế lẽ nào lại làm quỷ không có quần áo”.

Nếu như các thần tích là truyền thuyết, truyện cổ được văn bản hóa và hiệu chỉnh bằng văn phong bác học, thì truyện nôm lại được kể một cách dân dã, mang đậm phong cách dân gian. Trong thời gian “lê la quăng quật” điền dã trên địa bàn các xã Hoàn Long, Yên Phú, Yên Hòa của huyện Yên Mỹ, chúng tôi đã được cụ từ miếu ấp Hòa Nhu đọc cho nghe Truyện nôm Chử Đồng Tử. Trong câu truyện nôm này, dân gian đã diễn giải được nội tâm của đức thánh một cách mộc mạc, phù hợp với thực tế hơn cả:

Than ơi cha xuống suối vàng

Khố này cha mặc thân con liệu bề

Chôn cất cha xong con về lều vắng

Sống một mình phẳng lặng cô đơn

Sớm chiều kiếm cá thay cơm

Không mảnh vải mỏng che lên thân mình

Hành động chôn cha cùng chiếc khố duy nhất thật bình dị, nhưng lại thật cao đẹp mà không phải là người con chí hiếu thì không thể thực hiện. Chỉ bằng hành động này, Chử Đồng Tử đã xứng là vị thánh trong tâm thức dân gian.

Đối với người cha đẻ cùng đinh của mình như vậy, với cha vợ, một vị hoàng đế, dù khi đó đã đắc đạo thành tiên, có thể hô phong hoán vũ, dùng phép thuật để đánh bại các đạo quân hùng mạnh, Chử Đồng Tử vẫn một mực giữ đạo. Thần tích ở đền Yên Vĩnh (xã Dạ Trạch, Khoái Châu) kể: “3 người cắm gậy, xuống đất, đội nón lên trên, tự nhiên biến thành lâu đài, thành thị, của cải hàng hoá. Từ ấy đặt tên là bãi Tự Nhiên. Quan quân ở trong triều vui mừng kéo nhau đến đó chơi quá nửa.Vua cha Duệ Vương nghi họ làm phản, bèn sai đem quân đến đánh phá. Đồng Tử và Tiên Dung than rằng: "Đạo làm con đâu dám chống lại cha". Và:

Chống lại cha ắt đời mai mỉa

Còn lưu truyền hậu thế ra sao

Hai người bàn bạc thấp cao

Thôi đành lướt sóng đi vào cõi tiên…

Chữ hiếu của Chử lúc này còn khoác thêm một ý nghĩa mới, đó là trung. Trong xã hội phong kiến, việc chống lại quân đội triều đình là phạm vào tội bất trung, ngàn năm bia miệng gọi là giặc. Dân gian đã để cho Chử “bảo toàn lực lượng” lẫn bảo toàn danh dự một cách thật thông minh:

Đức Chử Đồng- Tiên Dung phù phép

Cả bầu trời chớp giật mưa dông

Ba quân khiếp sợ hãi hùng

Bỗng đâu cung điện sạch không chẳng còn

Chỉ còn lại một vùng mặt nước

Tòa cung đình phút chốc tiêu đâu

Thay vào một khoảng đầm sâu

Bên hồ rậm rợp cỏ lau xanh rì.

Nếu như trong xã hội phong kiến, chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo thì thứ tự được tôn thờ là “quân- sư- phụ”, thì tâm thức dân gian lại sắp xếp một cách hợp lý hơn: từ hiếu rồi mới đến trung. Chử Đồng Tử trước tiên là một người con chí hiếu, sau đó mới đến là bề tôi tận trung. Tấm lòng trung trinh của Chử còn cao hơn nữa, ở sự “trung quân, ái quốc”: sau này, khi đất nước gặp nạn ngoại xâm, ông đã nhiều lần báo mộng hoặc âm trợ cho các anh hùng cứu quốc. Đó là khi rút móng rồng cho Triệu Quang Phục gắn vào mũ đầu mâu để nghĩa quân đánh đâu thắng đấy, dẹp tan quân Lương, giải phóng giang sơn. Hoặc khi Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn đang khủng hoảng niềm tin, chưa xác định được minh quân phò tá thì Chử Đồng Tử về báo mộng để họ vào xứ Thanh phò giúp Lê Lợi, cùng nghĩa quân Lam Sơn lật đổ ách đô hộ của nhà Minh.

Không chỉ hiếu, trung, Chử Đồng Tử còn là một người đại nhân đại nghĩa.Trong “Kinh tri Chử Đồng Tử” được hiện vẫn lưu truyền ở vài nơi trong vùng Khoái Châu- Yên Mỹ, dân gian không những “phong” cho Chử Đồng Tử là “Trung hiếu thần tiên thượng đẳng thần”mà còn gọi ông là “Chí đức đại thiên tôn ngọc bệ hạ”. Truyện kể rằng, sau khi học thành phép thuật, Chử Đồng Tử đã: “Đi từng vùng cứu giúp mọi nơi/Thuốc thang cữu chữa bệnh người”. Theo thần tích ở đền Dạ Trạch, khi về đến quê hương, Chử Đồng Tử đã cứu sống dân làng Ông Đình qua cơn dịch bệnh.Còn trong truyền ngôn dân gian làng Từ Hồ (Yên Phú, Yên Mỹ), Chử Đồng Tử không những cứu sống người dân, mà còn mở yến tiệc khao thưởng cả làng. Hiện đầu làng Từ Hồ vẫn còn Bãi Yến ghi dấu sự tích ấy.

Cũng theo tâm thức dân gian, Chử Đồng Tử tuy là một bậc thánh, nhưng lại rất giản dị, gần gũi. Dân trong vùng, có bệnh tật hay nỗi niềm oan khuất gì cầu đến, ngài lại hiển thánh độ giúp. Mà lễ vật cầu ngài cũng chẳng cần cao sang. Làng Tráng Cầu (Đồng Than, Yên Mỹ), xây xong ngôi đình đồ sộ, cử bô lão, tráng đinh mang kiệu bát cống ra Đa Hòa rước bát hương ngài về thờ, khi đám rước qua ngôi miếu nhỏ đầu làng, bỗng nhiên cỗ kiệu bị gẫy, không làm thế nào đi tiếp được nữa. Cầu xin, thì thánh báo mộng rằng, ngài muốn ở ngôi miếu nhỏ này được rồi, không muốn về đình. Từ bấy,chỉ khi có hội, ngôi đình to nhất vùng của làng mới được đón Đức Thánh về ngự mấy hôm. Đình làng Đại Hạnh (xã Hoàn Long) cũng vậy, theo các cụ bô lão trong làng nói chuyện thì, dù to đẹp là thế, nhưng cũng chỉ là “công đường” cho Thánh đến ở mỗi năm vài lần, vào ngày Hội, ngày Đản Thánh mà thôi.

2- Và thiên tình sử vô tiền khoáng hậu

Ở thân phận là một người xuất thân trong một gia đình nghèo khó, hẳn có nằm mơ, có “ăn gan hùm, mật gấu” Chử Đồng Tử cũng chẳng bao giờ mơ đến một ngày trở thành đức phu quân của một nàng công chúa lá ngọc cành vàng. Ấy thế nhưng, dân gian lại dám mơ như thế. Và, dân gian đã để cho giấc mơ bay bổng diễm tình của mình được trở thành hiện thực. Trong giấc mơ đó, chỉ có những con người hiền lành, chân chất, có nhân, có hiếu như đức tính của người nông dân châu thổ, của người con đất Việt mới gặp được những điều tốt lành. Chử Đồng Tử, “cậu bé bên bến sông”, chàng trai trung hiếu của đồng bằng châu thổ đã gặp được công chúa Tiên Dung:

Người có nhân so phần chẳng khó

Hưởng phúc giời hẳn có lúc lên.

Trong các bản kể và thần tích, thần phả, câu chuyện gặp gỡ giữa hai người đều được cho là trời định. Trong bản “Kinh tri Chử Đồng Tử” và Truyện nôm Chử Đồng Tử- Tiên Dung mà chúng tôi sưu tầm được cũng đều có chung quan điểm như thế, nhưng cách diễn giải lại khác nhau đôi chút. Nếu như “Kinh tri Chử Đồng Tử” ngắn gọn:

ĐứcTiên Dung công chúa ngự thuyền

Tình cờ không hẹn mà lên

Vây màn tắm mát ở liền bên sông

Thuở thuyền quyên- anh hùng tương ngộ

Hẳn hạ sinh duyên nợ chi đây

Phủ Khoái là chốn rồng mây

Đẹp duyên loan phượng xe dây xích thằng

thì Truyện nôm Chử Đồng Tử- Tiên Dung lại mô tả tâm trạng của Chử Đồng Tử lúc đó:

Bỗng tiếng trống bay xa đâu đó

Cờ năm màu trong gió tung bay

Thuyền rồng nhẹ lướt tới đây

Trên thuyền cung nữ mang đầy gấm hoa

Thuyền dừng lại bên bờ hò đỗ

Lính hai hàng cung nữ uy nghi

Đức Chử Đồng kinh sợ nghĩ suy

Mình trần giờ biết chốn đi nơi nào

Đành bới cát nằm sâu dưới hố

Che kín mình để hở mắt trông

Tâm trạng ấy, thực ra là tâm trạng của dân gian, những người nông dân tuy lam lũ nhưng luôn đề cao lòng tự trọng. Và, phải chăng, chính lòng tự trọng ấy, sự thẹn thùng nguyên sơ của chàng trai ấy, đã làm cho nàng công chúa đầy quyền uy cảm mến, quyết định kết duyên cùng.

Đến bây giờ Đền Đa Hòa hay được người ta gọi là “đền thờ tình yêu”. Có lẽ, cái tên này bắt nguồn từ tên bài thơ “Đền thờ tình yêu” của nhà thơ Trinh Đường khi viết về ngôi chính từ này. Trong dân gian xưa, “tình yêu” của nam nữ thực ra lại là một từ xa xỉ, chỉ có những khái niệm như “duyên” và “nghĩa” là thông dụng: Duyên trời định, nghĩa vợ chồng. Khoảnh khắc Chử Đồng Tử gặp Tiên Dung là do trời đất xe duyên:

Thân ta đã lộ trong điền

Duyên kia ắt hẳn đưa chàng xuống đây

Trong tổng số gần 100 ngôi đình, đền, miếu thờ Chử Đồng Tử- Tiên Dung bây giờ, người ta chỉ ngưỡng vọng, tôn bái Đức Thánh như một vị thần bảo trợ về mặt tâm linh. Một số người với các luận thuyết thì suy tôn Chử như một vị tổ nghề trồng lúa, chăn tằm, vị tổ nghề thuốc nam, vị tổ nghề chài lưới, thậm chsi là tổ nghề đi buôn. Nhưng thăm thẳm tâm thức dân gian, thiên tình sử giữa chàng trai bến nước và cô gái quý tộc trung du lại là sự ước mong và sùng tín hơn cả. Đó là mẫu hình để cho nam nữ vượt qua khoảng cách giàu nghèo, “môn đăng hộ đối” để đến với nhau. Đó cũng là niềm tin cho những đôi nam nữ dám bước qua những rào cản quan niệm xã hội để đến với nhau. Mạch nguồn xúc cảm ấy cứ chảy mãi trong huyết mạch người dân châu thổ, thi thoảng lại ánh lên qua các giai thoại về chàng trai nghèo với con gái phú ông, người học trò nghèo với con gái ông quan lớn; kịch tính hơn nữa là chàng ngốc lấy vợ tiên…

*

Sống và tắm mình trong không gian tâm thức dân gian miền phù sa châu thổ như thế, chẳng phải riêng nhà thơ Nguyễn Thành Tuấn, mà mỗi chúng ta, mỗi độ xuân về, khi tiếng trống hội làng rộn rã, đều muốn ghé tai người mình thương mến rằng: “Thì em vẫn có quyền cởi áo/Trút dưới chân trần tất cả những mùa đông” để cho mùa xuân lại phơi phới nảy lộc đâm chồi…

Lê Văn Giang

 

 

 

 

Tin liên quan