Bài viết "Chống lãng phí" của Tổng Bí thư Tô Lâm được đăng tải gần đây đã trình bày sâu sắc và toàn diện về một nhiệm vụ quan trọng khác mà Việt Nam cần thực hiện khi đứng trước cơ hội lịch sử của "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", đó là nhiệm vụ chống lãng phí và thực hành tiết kiệm.
Đây là nhận định của ông Lăng Đức Quyền (Ling Dequan), nhà nghiên cứu Trung Quốc về các vấn đề Việt Nam khi trả lời phóng viên TTXVN. Theo ông Lăng Đức Quyền, điều này vừa có tính cấp thiết, cũng rất thiết thực để Việt Nam, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản, đẩy nhanh sự phát triển toàn diện, nhằm tăng cường nguồn lực thực hiện hai mục tiêu thế kỷ.
Về vấn đề chống lãng phí, theo ông, Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Tô Lâm đứng đầu đã ra đòn tấn công mạnh mẽ vào "giặc nội xâm" mang tên "Lãng phí" này. Ông cho rằng, đây là một hành động đúng đắn, sẽ giúp tiết kiệm và tận dụng cao nhất các nguồn lực của đất nước, nâng cao hiệu quả công việc của mọi ngành, mọi lĩnh vực, góp phần hiệu quả vào việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đề ra.
Nhà nghiên cứu Lăng Đức Quyền nhấn mạnh, tài nguyên của một quốc gia hay thậm chí của cả hành tinh không phải là vô hạn. Xây dựng mô hình xã hội tiết kiệm là nhu cầu khách quan và chiến lược phát triển, phản ánh nhận thức mới về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, ý thức trách nhiệm đối với sự phát triển bền vững của xã hội loài người.
Khi chống lãng phí và thực hành tiết kiệm phải trở thành quốc sách, khi tiết kiệm được coi trọng và phổ biến trong xã hội, trở thành nếp sống văn minh của mỗi người, thì việc xây dựng xã hội tiết kiệm mới có thể từ ý tưởng biến thành hiện thực. Ông tin rằng, trong kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam, văn hóa tiết kiệm sẽ tiếp tục được lan tỏa trong toàn xã hội và việc xây dựng mô hình xã hội tiết kiệm sẽ tiếp tục đạt được kết quả thực chất.
Chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam, Trưởng Ban Việt ngữ - Đài Phát thanh và Truyền hình Trung ương Trung Quốc Ngụy Vi (Weiwei) cũng cho rằng, xa hoa, lãng phí là một vấn đề lớn. Bởi sự xa hoa, lãng phí đi chệch với truyền thống văn hóa đạo lý tốt đẹp của dân tộc, phá hoại công cuộc xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, ảnh hưởng xấu đến xã hội.
Ông cho rằng, xây dựng văn hóa chống lãng phí là một biện pháp quan trọng để thực hiện hiệu quả công cuộc phòng chống lãng phí. Trong đó, cần thiết lập cơ chế chặt chẽ để "không dám, không thể" lãng phí, đưa "không muốn" lãng phí trở thành chuẩn mực đạo đức xã hội.
Nguồn: https://nhandan.vn/