KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tác phẩm văn học nghệ thuật
Đăng ngày: 20/03/2015 - Lượt xem: 156
Đứa trẻ không biết khóc

Nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, Trang Thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xin trân trọng gửi tới bạn đọc truyện ngắn "Đứa trẻ không biết khóc" của tác giả Phạm Minh Hoàng.

Truyện ngắn

Thỉnh thoảng, bố nó lại nói:
- Nhìn thấy mặt mày là tao chỉ muốn tát thêm cho vài chiếc nữa! Trông cứ câng câng như cái tổ sư cha nhà mày!
Đó là những lúc mẹ nó ôm nó vào lòng, âu yếm vuốt tóc nó. Những lúc như thế, nó cảm thấy mình vẫn còn bé bỏng như thủơ vẫn còn năm, sáu tuổi, khi mái tóc vẫn đen mượt chứ không khô sém, vàng ệch như bây giờ. Thế mà bố nó lại cứ thô bỉ cắt mất phút giây hạnh phúc của nó. Nhiều lúc nó ngạc nhiên, không biết tổ sư cha nhà nó có họ hàng gì với bố nó không mà ông ấy nói thế. Nhưng đó là những suy nghĩ từ lâu lắm rồi, khi nó mới mười hai, mười ba tuổi. Bây giờ nó đã mười lăm tuổi, là đại ca của bọn tay chơi trong xã rồi đấy nhé, chứ không phải thằng Ngọc chíp hôi mấy năm trước đâu, bố đừng có mơ! Mấy cái tát vặt, nhằm nhò gì…Mà chẳng hiểu sao, ông ấy thích đánh mình thế. Lỗi nhỏ, bạt tai, lỗi lớn: đánh lằn chạch, xát muối. Tức với mẹ, đánh con. Thua bạc, lấy nó ra nện cho hả giận. Cứ như nó là nguyên nhân của mọi rủi ro của bố nó. Thậm chí, ra ngoài đường, tức gì đó, về nhìn thấy mặt nó y như rằng làm luôn vài chiếc bạt tai giải sầu…. Trong mỗi bữa cơm- thường là không bao giờ vui vẻ, cứ nhìn vào đôi mắt hằn học của bố  nó, nhìn vào thái độ len lén của mẹ nó mỗi khi nhắc tới nó, là nó đã thấy như có cái gì ngèn ngẹn dâng lên trong cổ. Nhưng không, nó không thể khóc! Không thể khóc được!
Hồi nó bốn , năm tuổi, bố nó hiền lắm. Suốt ngày ôm ấp, vỗ về nó. Đi đâu bố nó cũng mau chóng để về hôn hít nó, xa một ngày là không chịu nổi. Mà ngày xưa ấy, bố nó chịu lam chịu làm nổi tiếng. Mà lại biết tính toán. Khi nó đi học, thì trong căn nhà hai tầng cao nhất làng của nó đã đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Với một làng thuần nông ở vùng chiêm chũng ven sông Ngưu Giang này, việc có tủ lạnh, máy giặt quả là một điều xa xỉ, thế mà nhà nó có tất. Đều từ một tay bố nó làm ra cả. Làm được như thế, nhưng bố nó cũng chẳng được hưởng thụ mấy, cứ tối tối, lại vác đèn pin ra ngoài trang trại tít tận đồng Bãi Dứa ngủ trông cá, trông cây. Cứ mỗi vụ cam đường canh, bố nó lại chọn những quả to nhất, mọng nhất để trong tủ lạnh cho nó ăn được tới cả tháng mới hết. “Chậc! Của mình làm ra, để con ăn cho sướng, tiền bao nhiêu chả hết”- Bố nó vẫn nói thế khi mẹ định lấy phần của nó để bán.
...Khi cái mông bé bỏng của nó đã chai với đòn roi, thì cũng là lúc nó lờ mờ hiểu được vì sao bố nó lại hay đánh nó đến thế. Bắt đầu từ hôm thằng Khải, lớn hơn nó bốn tuổi, đánh nó. Lúc đầu, nó cũng đấm lại được thằng Khải mấy quả nhưng không làm sao nôc- ao được cái thằng địch thủ to như con trâu mộng ấy. Bần cùng, nó vừa chạy, vừa chỉ mặt Khải: “Mày nhớ mặt tao, tao về mách bố tao nện cho một trận”. Ai ngờ, thắng Khải lại hùng hục đuổi nó bằng được, bạt thêm cho nó vài cái nữa và trêu: “Mày gọi bố nào ? Lão Phát mà là bố mày à!”
Thỉnh thoảng, nó vẫn thấy người làng xì xào gì đó, thấy nó đến, người ta lại nói lảng đi. Nhưng lần này thằng Khải nói thẳng như thế, nhục quá! Nó tức tốc chạy về, nói như quát với mẹ:
- Mẹ, bố con là ai?
Mẹ nó nhìn nó ngạc nhiên và tức giận:
- Sao mày lại hỏi như thế ?
- Bố con là ai ?- Nó vẫn lải nhải.
Mặt mẹ nó lại chuyển từ đỏ gay sang tím tái, ôm lấy nó, khóc. Mười lăm năm, mẹ nó đã phải chịu bao tủi nhục để sinh ra và nuôi lớn nó. Vẫn hy vọng, ngày nào đó, khi nó đã đủ lông đủ cánh, sẽ nói cho nó hiểu. Có điều, trong dự định của mẹ nó, ngày đó còn lâu lắm, chứ không phải bây giờ:
- Rồi lớn lên, con sẽ hiểu...Mẹ nó trả lời trong tiếng nấc, mà như đang tự nói với chính mình.
Nó cảm thấy trong mình như có cái gì đó hẫng hụt, như đổ vỡ...

*

Hoa và Phát cùng thân với nhau từ nhỏ, lại gần nhà nên lớn lên hai người yêu nhau và thành vợ thành chồng cũng không ai lạ gì. Phát là con út trong gia đình đa đinh tới bốn anh em trai. Trên Hoa cũng có tới hai anh, chị đều đã có con đủ cả trai lẫn gái, nên những năm đầu mới lấy nhau, cả Hoa và Phát đều thống nhất “làm giàu lúc còn son, làm giàu khi con lớn”, cứ “kế hoạch” để làm kinh tế đã. Hai năm, bà mẹ chồng sốt ruột chửi toáng lên, thì cả hai mới nghĩ đến chuyện sinh con.
Tưởng là dễ, hoá ra tạo hoá cũng trớ trêu. Phát không có khả năng sinh con. Căn bệnh đậu mùa quái ác không chỉ để lại mấy vết sẹo nhỏ hõm xuống trên khuôn mặt điển trai của Phát mà còn cướp mất khả năng làm cha của anh. Hai vợ chồng chạy hết bệnh viện này, bệnh viện khác nhưng vẫn vô vọng. Rồi thuê xe vào Thanh Hoá xin thầy lang thuốc Nam, rồi nhờ bà đồng Mai lập đàn cầu tự ở đền Đất cây đa Mí tít tận Bắc Ninh...tất cả đều công cốc. Thực ra Hoa cũng chưa hề lăn tăn gì, nhưng Phát lại cứ thấy ấm ức. Nhiều lúc Phát tự rủa mình: “Đúng là nhục như con trùng trục!”
- Hay mình xin con nuôi- Hoa đề nghị, khi chồng vắt tay trên trán, thở dài dù vừa sau cơn ân ái mặn nồng.
Lúc đầu Phát đồng ý, nhưng sau lại gạt phắt:
- Thế thì mẹ chửi chết, mà người ta lại cứ soi mói.
- Thế thì cứ sống thế này cũng được- Hoa vuốt mấy sợi tóc loà xoà trên gương mặt Phát, an ủi anh.
Phát bần thần một lúc, nhưng anh vụt quyết định:
- Không, em cần phải có con, em cần phải làm mẹ- Phát ghì chặt Hoa vào lòng.
Theo kế hoạch của Phát, Hoa đã đi xin một đứa con của một người xa lạ. Thằng Ngọc đến khi học hết lớp hai vẫn được bố nó nuông chiều như con đẻ, chỉ đến một ngày bất chợt nhìn nó thấy rất giống một người...
- Cô lừa tôi phải không- Phát vằn mắt, quát.
- Em đâu có lừa anh- Hoa cãi.
- Thế nó là con ai?- Phát gầm lên.
...
- Thằng đểu, thằng cướp vợ bạn, con đĩ!!!
- Anh nói ai là đĩ? Ai xui tôi...
- Nhưng không phải với nó...
Phát giơ tay định tát vợ, nhưng nghĩ thế nào lại thôi. Không khí trong nhà chùng xuống, chỉ còn tiếng thút thít của Hoa. Từ trong ẩn ức, Hoa biết, cô không có lỗi. Phát đã nằng nặc đòi cô đi xin con với bất cứ một người đàn ông xa lạ nào. Nhưng từ trước đến nay, cô quanh năm làm quen với đàn lợn đàn gà, hầu như chưa bao giờ rời làng được quá một ngày, làm sao có thể chốc lát mà kiếm được một người đàn ông. Ngửa tay xin như đi ăn mày ư? Chuyện đó chưa hề có tiền lệ, mà có Hoa cũng không thể chấp nhận được.
Từ ấy, tính nết Phát thay đổi hẳn. Ham rượu chè, mải cờ bạc và mượn đủ mọi cớ để đánh thằng Ngọc, như một cách để trả thù Hoa.

*

Một hôm, Phát lôi xềnh sệch Ngọc về, trói nghiến vào cột nhà, thét vào mặt Hoa:
- Đây, nòi nào giống đấy, có ngày mang vạ vào người vì nó...
Bị cha đẻ ruồng rẫy, đánh đập, thằng Ngọc bỏ học từ lúc nào không ai biết và nhanh chóng nhập vào đám choai choai tóc đỏ tóc xanh chuyên lêu lổng trong xã. Với sự chai lì của mình, nó dần được đám bạn tôn làm đại ca. Ngọc cũng có nhiều phẩm chất để xứng với danh hiệu ấy: đánh nhau, nó xông lên đầu, có thua, nó cũng là người rút chạy sau cùng hoặc đứng im chịu đòn để đám bạn chạy an toàn. Từ lêu lổng, bọn trẻ nhanh chóng nhiễm những thói hư tật xấu: cờ bạc, rượu chè. Và để có tiền tiêu xài, chúng đi ăn cắp. Đầu tiên là những thứ lặt vặt, dần chúng lấy cả xe đạp, xe máy. Lần ấy, thằng Sinh con nhà Tuấn xóm Đoài ăn cắp chiếc xe đạp mi- ni Nhật của cô giáo Bảy, bị người ta đuổi theo bắt được. Thằng Ngọc không tham gia vụ ấy, nhưng cũng liên quan, bị gọi lên công an xã thẩm vấn. Ngọc lì, thằng Sinh lại không biết những “phi vụ” của nó trước đây, nên nó được tha về. Vừa ra khỏi cửa, Ngọc đã bị Phát tóm cổ, lôi về. Vừa tức giận, vừa uất vì Phát chửi, Hoa lăn ra ngất xỉu. Phát cuống cuồng cởi trói cho Ngọc rồi hai bố con thay nhau cõng Hoa ra trạm y tế xã.
Sau đận ấy, Ngọc được Hoa xin cho làm việc ở xưởng đóng than tổ ong xóm bên. Lúc đầu Ngọc chán nản, nhưng càng về sau, quen việc, nó càng ham, dần xa được đám bạn xấu. Hôm nó cầm tháng lương đầu về nộp cho bố mẹ, Hoa rơm rớm nước mắt, bảo nó:
- Con cầm đưa cho bố con đi.
Thằng bé len lén cầm gói tiền đưa cho Phát, nó khe khẽ:
- Bố, con nộp lương...
Phát nhìn gói tiền, chỉ bảo Hoa:
- Mình cầm lấy, rồi mai ra huyện, mua cho nó mấy bộ quần áo. Lớn rồi, cũng cần diện với bạn bè.
Lâu lắm, Phát mới nói được câu tử tế với cả hai mẹ con. Hoa quay mặt đi. Còn Ngọc, vẫn vô tư và nốt bát cơm đang ăn dở.

*

Thằng Ngọc làm người tốt chẳng được bao lâu thì tai hoạ ập xuống đầu nó.  Nhà An bên cạnh xưởng than tổ ong mất trộm. Mà mất đâu có ít ỏi gì, ba triệu đồng và hai chỉ vàng để trong tủ. Loáng một cái, An vừa bán con lợn, cất tiền vào tủ, chạy ra ao vớt rổ bèo, quay vào đã thấy tủ bị cậy. Thoáng một tia trong đầu, An chạy ngay sang xưởng than:
- Thằng Ngọc đâu ?
- Nó vừa đi ra khỏi đây mất rồi.- Ai đó trả lời.
- Nó đi từ lúc nào?
- Nó xin tôi đi một lúc mà đên bây giờ vẫn chưa về- Ông Tất, chủ xưởng than vừa bước từ trong nhà ra, trả lời- mà bác An có việc gì đới?
- Nhà cháu mất trộm, đúng là nó rồi, loáng một cái.
- Sao? Nó xin với tôi là đi theo bố nó đi đâu kia mà? Bác đã xem kỹ chưa? Đừng nghi lung tung, một mất mười ngờ- Ông Tất vẫn ra chừng bênh Ngọc.
- Chẳng nó thì ai vào đây? Làm sao có sự trùng lặp đến như vậy. Ăn cắp ăn trộm quen thói rồi...
An chạy đi tìm thằng Hùng- con trai lớn của mình, rồi hầm hầm vác gậy đến nhà Ngọc:
- Thằng chó Ngọc đâu rồi, có ra đây ngay không? Tao mà bắt được thì tao đập cho chết con mẹ mày!
Vừa lúc ấy, bố con Ngọc cũng về đến cổng. Vừa nhìn thấy An, Phát đã hầm hầm, chỉ mặt:
- Thằng đểu, cút ngay, mày đến đây làm gì?
- Tao không nói chuyện với mày, mau bảo thằng Ngọc lại đây.
- Nó làm gì mày?
- Làm gì cứ hỏi nó khắc biết? Ăn trộm ăn cắp quen thói. Loáng cái đã vào tủ nhà người ta cạy cửa...
- Này ông, ông nói gì thế. Nó cạy cửa ăn trộm bao giờ?
- Thì vừa xong, nhà tao mất trộm. Nó vừa ở đấy lỉnh đi! Không nó thì ai?
- Chắc ông lầm rồi, rõ ràng nó đi ra ao giúp tôi đắp lại đập, làm sao ăn trộm nhà ông được!- Phát ngạc nhiên thực sự.
Thằng Hùng nghe thấy thế, tưởng Phát bênh con, nó nói đổng:
- Á à, lại còn bênh nhau. Đây bảo cho mà biết nhá. Hôm nay không trả tiền, không xong với tôi đâu!
Hùng nổi tiếng đầu gấu cả xóm, nghe đâu đã mắc nghiện. Hùng hơn Ngọc năm tuổi,  nhưng đã có lần bị Ngọc cùng đám bạn vác dao đuổi đánh. Nhìn Hùng  “to còi” nói hỗn với Phát, máu nóng bốc lên đầu, Ngọc chỉ muốn đánh nhau một trận, muốn ra sao thì ra. Nó gằn giọng:
- Đừng có ngậm máu phun người. Tao không lấy. Tao thách bố thằng nào dám động vào tao.
- Mày chửi ai, thằng ranh- An nhảy xổ vào định tát Ngọc, nhưng làm sao nhanh nhẹn được bằng một thằng nhỏ người lại quen đánh nhau từ bé. Thằng Ngọc lách nhẹ ra khỏi tầm tay An, quay lại trêu: “Đừng có giàu trí tưởng bở” làm An như lửa đổ thêm dầu.
Ở trong nhà từ nãy, Hoa nghe thấy tất cả, nhưng ngại ngùng điều gì đó, không xuất hiện. Bây giờ, việc không thể đừng cô mới chạy bổ ra:
- Có gì, bác cứ từ từ nói. Em xin bác.
- Xin xỏ gì, cô dẹp ra để tôi cho thằng này một trận- An gạt tay làm Hoa lảo đảo. Thằng Ngọc thấy mẹ nó sắp ngã, vội chạy lại đỡ. Không ngờ thằng Hùng thấy thế tưởng Ngọc xông vào bố nó, giơ gậy lên đập vào gáy Ngọc. Chỉ có Hoa nhìn thấy, cô gượng hết sức đẩy Ngọc ra nhưng chính cô lại lĩnh trọn cú đập ấy.
- Đ. mẹ thằng Hùng An- Ngọc chửi to, nó chạy vào dại nhà, rút phắt con dao chọc tiết lợn lao vào hai bố con Hùng.
Phát từ nãy đứng trân trối, giờ như chợt tỉnh, thét lên:
- Ngọc, con không được làm thế. Đây là...
Tiếng “đây là” chưa dứt, đã có bóng người đổ sập xuống, tiếng kêu cứu thất thanh, hàng xóm đổ sang đông nghịt.

*

Mãi chiều hôm ấy tôi mới về. Nghe chuyện, hai vợ chồng tôi vội chạy ngay lên bệnh viện huyện thăm Phát. Buổi sáng, khi ngăn Ngọc, Phát đã xông vào hứng trọn nhát dao của nó. Vết thương trúng bụng, phải mổ, khâu lại ruột. Hoa rộc người sau biến cố vừa rồi, thấy tôi, bật khóc thút thít:
- Bác làm công an, cùng ngành với người ta, việc này chỉ có bác giúp được em thôi. Ai ngờ chuyện lại xảy ra nhanh thế.
Tôi cùng học với cả ba người Phát, Hoa và An. Nhóm chúng tôi cùng chung một làng, lại cùng một lớp, lên khá thân nhau. Lớn lên, tôi đi công tác trên phố, ba người kia ở nhà nhưng chúng tôi vẫn giữ được tình cảm như hồi còn cắp sách. Cho đến khi thằng Ngọc càng lớn càng giống An thì nhóm tan tác. Phát coi An như kẻ thù, thường chửi đổng “Thằng cướp vợ bạn!”. Từ ấy, chúng tôi ít qua lại nhau.
- Tôi sẽ bảo lãnh cho thằng Ngọc. Hoa cứ yên tâm, thằng Ngọc không ăn cắp đâu. Về đến đầu xóm, tôi đã thấy người ta kháo ầm là chính thằng Hùng lấy tiền của bố nó. An nó đang trói cổ thằng nghịch tử ấy trong nhà kia kìa.
- Thế thì may cho em quá. Nhưng thằng Ngọc bị bắt từ sáng, em nhờ bác xin cho nó về. Khổ thân thằng bé...
Tôi bảo vợ trông nom Phát rồi cùng Hoa về trụ sở uỷ ban xã. Ngọc đang bị tạm giữ trong phòng bảo vệ, nó vẫn run cầm cập. Vừa nhìn thấy Hoa, Ngọc bất chợt giở giọng bất cần:
- Mẹ cứ về đi, con không cần mẹ đến thăm. Con không về nhà ông ấy nữa đâu. Ông ấy không phải là bố con.
- Con đừng nói thế. Không có ông ấy, hôm nay con đã phạm tội tày trời rồi con ạ.
Hoa chạy đến ôm lấy Ngọc, kể cho nó nghe về những ngày thơ của Ngọc, Phát đã chăm bẵm nó như thế nào. Ngay gần đây, không ngày nào là Phát không núp ở trong nhà ông Tất, theo dõi Ngọc, đề phòng nó làm việc gì sai trái để kịp thời ngăn chặn. Phát âm thầm làm, nhưng Hoa biết...
Hoa càng kể, tôi càng thấy thằng Ngọc rũ xuống. Và cuối cùng, nó gục hẳn vào vai mẹ nó, người cứ rung lên.
Mấy năm nay, đây là lần đầu tiên Ngọc khóc.

Phạm Minh Hoàng
 

Tin liên quan