KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 21/01/2015 - Lượt xem: 80
Giải pháp nào để thư viện của trung tâm BDCT cấp huyện thực sự phát huy hiệu quả

Riêng thư viện của 10 trung tâm BDCT huyện, thành phố trong toàn tỉnh, theo khảo sát 9 tháng đầu năm 2014 cho thấy, 10/10 đơn vị đã thành lập được tủ sách phục vụ việc giảng dạy và học tập, với tổng số 2.109 đầu sách, báo, tạp chí các loại.

Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, cơ sở vật chất tại trung tâm BDCT huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Hưng Yên được bổ sung, tăng cường đầu tư và xây dựng khá khang trang.

Hiện nay, tổng số quỹ đất của tỉnh dành cho xây dựng trung tâm BDCT cấp huyện khoảng 48.401 m2, trong đó tổng diện tích các trung tâm đã xây dựng trụ sở làm việc là 7.983 m2. 10/10 trung tâm BDCT huyện, thành phố đều có khuôn viên riêng, trụ sở làm việc độc lập, được xây dựng kiên cố cao tầng, tương đối đầy đủ các phòng chức năng như hội trường, phòng làm việc của lãnh đạo, giảng viên, nhân viên, phòng học, phòng ăn của học viên... Các trang thiết bị như loa, đài, âm ly, điện chiếu sáng, máy vi tính, bộ đèn chiếu..... đã được đầu tư nhằm phục vụ nhu cầu giảng dạy và học tập.
Riêng thư viện của 10 trung tâm BDCT huyện, thành phố trong toàn tỉnh, theo khảo sát 9 tháng đầu năm 2014 cho thấy, 10/10 đơn vị đã thành lập được tủ sách phục vụ việc giảng dạy và học tập, với tổng số 2.109 đầu sách, báo, tạp chí các loại. 07/10 trung tâm đã có phòng thư viện để lưu trữ và bảo quản tài liệu có diện tích trung bình khoảng 20-25 m2, điển hình phòng thư viện của trung tâm BDCT Khoái Châu là 103.23 m2.
Xác định nhiệm vụ là đơn vị sự nghiệp có vai trò quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên cơ sở, chất lượng bài giảng phải được đặt lên hàng đầu; thời gian qua, lãnh đạo trung tâm BDCT huyện, thành phố đã rất chú trọng đầu tư trang thiết bị và bổ sung nguồn tài liệu của thư viện, nhằm phục vụ hoạt động dạy-học cho giảng viên cũng như học viên. Tuy nhiên, thư viện của trung tâm BDCT nhìn chung vẫn còn thiếu, hoạt động không hiệu quả và chưa phát huy được vị thế của mình. 03/10 trung tâm BDCT chưa có phòng thư viện độc lập, tủ sách còn đặt chung tại phòng làm việc hoặc phòng họp. Một số trung tâm đã có phòng thư viện riêng, nhưng diện tích không lớn, khó khăn cho việc tìm và nghiên cứu tài liệu tại chỗ.
Trên thực tế, trung tâm BDCT chưa có cán bộ đúng chuyên ngành trực tiếp làm công tác thư viện, có chăng chỉ là cán bộ hành chính kiêm nhiệm. Số lượng đầu tài liệu ở một số trung tâm còn khá ít và chưa phong phú về chủng loại; cơ bản chủ yếu là giáo trình của các lớp đào tạo hoặc bồi dưỡng phục vụ cho học viên trong khi học trên lớp và viết bài thu hoạch hoặc kiểm tra. Tài liệu tham khảo chủ yếu mới dừng lại ở việc phục vụ trực tiếp cho cán bộ, giảng viên soạn và giảng; chưa đáp ứng được nhu cầu tự học tập và nghiên cứu của học viên. Hơn nữa, tâm lý của một số cán bộ, giảng viên và không ít học viên chưa tạo được thói quen tìm đọc sách tại phòng thư viện; tính chủ động, tích cực của học viên trong việc tìm và mượn tài liệu của thư viện mang về tự học tập là dường như không có. Thêm vào đó, thời gian các chương trình bồi dưỡng không dài, thường chỉ từ khoảng 3-8 ngày, ít nhiều khó khăn cho việc tìm hoặc mượn tài liệu để nghiên cứu...
Những hạn chế, khó khăn trên do nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chủ quan đóng vai trò quan trọng. Đó là việc chúng ta nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò của thư viện trong quá trình giảng dạy và học tập tại trung tâm, do đó, sự quan tâm và chỉ đạo cũng như tổ chức thực hiện còn bất cập. Sức hấp dẫn của phòng thư viện từ chỗ ngồi, ánh sáng cho đến số lượng về các loại tài liệu chưa thực sự cuốn hút người xem. Trong khi đó, bản thân mỗi cán bộ, giảng viên, học viên chưa xây dựng được văn hóa đọc cho mình một cách thường xuyên và thiết thực.
Thiết nghĩ, để thư viện của trung tâm BDCT huyện, thành phố thực sự phát huy được hiệu quả trong nhiệm vụ cung cấp và khai thác nguồn kiến thức từ sách, báo, tài liệu phục vụ cho việc giảng dạy và học tập của giảng viên và học viên tại trung tâm, cần phải có những giải pháp đồng bộ. Đó là:
Sự quan tâm đầu tư của cấp ủy các cấp để phát triển thư viện, tủ sách với mục tiêu làm sao thu hút được đông đảo cán bộ, giảng viên, học viên thường xuyên tới tìm mượn hoặc đọc sách, báo.
Cần có chính sách xây dựng, phát triển và có chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ thư viện của trung tâm BDCT, trong đó đảm bảo được yêu cầu nhất thiết phải có trình độ chuyên môn nhất định trong công tác văn thư, lưu trữ.
Trung tâm BDCT huyện, thành phố cần xây dựng tiêu chí và phải thay đổi cơ bản phương thức hoạt động của thư viện để nhằm thu hút được cán bộ, giảng viên và học viên. Hiện nay, khi công nghệ thông tin và mạng Internet đang bùng nổ với một khối lượng kiến thức khổng lồ, thư viện của các trung tâm BDCT không thể cứ duy trì tình trạng lạc hậu, cần phải có sự ứng dụng công nghệ tin học trong công tác thư viện.
Quan trọng hơn, mỗi bản thân cán bộ, giảng viên và học viên cần phải xây dựng cho mình thói quen đọc sách và sử dụng thư viện hay tủ sách thư viện như một người bạn thân thiết trong việc tự học tập, nâng cao trình độ. Làm tốt được những điều này, tin tưởng rằng, thư viện của trung tâm BDCT sẽ không trở thành là nơi lưu trữ và bảo quản tài liệu.

Lê Thị Hiếu

Tin liên quan