KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tác phẩm văn học nghệ thuật
Đăng ngày: 09/03/2016 - Lượt xem: 145
Góp phần làm hồi sinh Trống quân Dạ Trạch

Ông Nguyễn Hữu Bổn là người cao tuổi nhất trong số 15 nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh ta được Chủ tịch nước phong tặng đợt 1 năm 2015 vừa qua. Mặc dù đã bước sang tuổi 84 nhưng giọng hát trống quân của ông vẫn trong trẻo, luyến láy làm mê hoặc lòng người. Cả đời ông Bổn gắn bó, mê đắm với những làn điệu trống quân và truyền hơi thở của trống quân cho các thế hệ học trò để rồi làm sống lại thứ di sản vô cùng quý giá của dân tộc.

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Bổn sinh ra và lớn lên tại làng Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch- cái nôi của những làn điệu hát trống quân cùng với truyền thuyết về Chử Đồng Tử, một trong tứ bất tử của nước ta. Chính vì thế mà tình yêu với những làn điệu trống quân đã ngấm vào máu thịt, hơi thở và là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của ông. Từng là giáo viên bình dân học vụ từ khi mới 18 tuổi, ông Nguyễn Hữu Bổn đã trở thành thế hệ giáo viên đầu tiên của xã. Sau đó, ông giữ chức vụ Hiệu trưởng trường Tiểu học, Hiệu phó trường cấp II, rồi làm cán bộ nghiệp vụ thanh tra giáo dục của huyện Khoái Châu. Trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, đến năm 1993 ông về hưu cùng với một số người cao tuổi sưu tập lời, khôi phục thành các bài hát đối, vận động các thành viên tuổi trung niên ở xã tham gia, mời những nghệ nhân từng đi hát ngày xưa tham gia biểu diễn và truyền dạy rồi thành lập Đội Trống quân Dạ Trạch với 8 thành viên. Họ cùng nhau biểu diễn những bài hát cổ và bài hát mới do ông Bổn sáng tác, giành được 2 Huy chương vàng; 3 Huy chương bạc tại Liên hoan Dân ca toàn quốc. Tiếp tục sự phát triển của làn điệu cổ, năm 2012, Câu lạc bộ (CLB) Trống quân Dạ Trạch chính thức ra đời với 28 thành viên do ông làm chủ nhiệm, duy trì hoạt động thường xuyên, trong đó có 7 nghệ nhân, còn lại là 21 diễn viên và nhạc công. Ông đã cùng CLB đi lưu diễn ở nhiêu nơi, tham gia nhiều cuộc thi và đều đạt giải cao.

Ông tâm sự:  “Chẳng biết Trống quân Dạ Trạch ngấm vào tôi từ bao giờ mà tôi mê đắm trống quân lắm. Trước kia, vào những đêm trăng thanh, gió mát tôi cùng mấy đôi hát trong làng thường trải chiếu hát đối đáp với nhau bên bờ đầm Nhất Dạ từ chập tối tới khi gà gáy mới thôi”. Trong người vốn sẵn có "máu văn nghệ" nên cứ hễ có dịp nào họp làng, hội nghị, nhất là vào các dịp lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung là ông lại thể hiện những bài trống quân yêu thích. "Chúng tôi đã già, nhưng vẫn phấn son đi hát, lườm nguýt nhau vui đáo để. Đặc biệt, hát lại những lời ca trai gái thuở mười tám, đôi mươi ngày xưa, mà tuổi Xuân như lại ùa về, bỗng chốc quên đi tuổi tác”. Nói đến đây, đôi mắt ông ánh lên một niềm vui khôn xiết.

Nhận thấy thực trạng hoạt động của loại hình nghệ thuật hát trống quân tại địa phương đang hết sức khó khăn và có nguy cơ thất truyền, số người biết hát còn rất ít, lại rơi vào các nghệ nhân cao tuổi, trong khi giới trẻ lại ít quan tâm tiếp thu và bảo tồn từ lớp nghệ nhân này. Điều mà ông Bổn luôn trăn trở, đó là trong thời gian không xa nữa, cái điệu hát trống quân Dạ Trạch sẽ chỉ là ký ức sâu đậm của lớp nghệ nhân già. Chảy theo những biến cố lịch sử, vốn liếng di sản vô cùng quý giá của dân tộc - món ăn tinh thần đặc sắc của  quê hương sẽ bị mai một theo thời gian nếu như chúng ta không có những bước đi kịp thời.

Nghĩ là làm, hàng ngày, ông miệt mài tự biên soạn sách để truyền dạy cho các hạt nhân văn nghệ trong xã. Xưa, lời hát không chép ra, mà tự thuộc, tự hát, tự ứng biến, sáng tác, đặt lời ứng đối, thử tài, đua trí nhau trong lúc hát nên giờ ông phải biên soạn, sưu tầm tài liệu, chép lại lời những bài trống quân mà ông nhớ được. Hơn nữa, ông còn ghi lại được mấy chục bài ca lời cổ, khác hẳn lời trống quân các vùng khác. Đặc biệt cuốn sách “Để canh hát trống quân ra đời” được ông biên soạn khá chi tiết, tỉ mỉ với mong muốn gìn giữ được kho tàng ca khúc trống quân của tỉnh ta.

Vì mong muốn gìn giữ bằng được nên ông thường xuyên vận động những người trẻ tuổi đến tham gia hát trống quân. Ông luôn tâm huyết, gắn bó với CLB Trống quân Dạ Trạch và tìm kiếm thế hệ kế cận để gìn giữ hát trống quân. Một mặt, ông nhanh chóng tìm cách truyền dạy mở rộng CLB Hát trống quân Dạ Trạch, mặt khác tìm cách liên hệ để đưa trống quân vào giảng dạy trong nhà trường. Hiện tại, ông đã truyền dạy được 534 người và đang đảm đương truyền dạy 15 lớp học trống quân, độ tuổi từ 10 đến 60 tuổi.

Là một trong những nghệ nhân đầu tiên có công lớn trong việc bảo tồn, lưu giữ và phát triển làn điệu trống quân, sáng tác nhiều làn điệu mới, trong đó có nhiều làn điệu hay nên mỗi khi báo giới hoặc các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian về Dạ Trạch nghiên cứu, sưu tầm tìm hiểu về hát trống quân thì đều tìm đến nhà ông. Ông đã không ngần ngại cung cấp tư liệu, giảng giải tường tận về dụng cụ cũng như các thuyết ra đời của trống quân Dạ Trạch và quá trình gian nan gìn giữ. Từ năm 2011 đến nay, trống quân đã được đưa vào dạy trong các tiết học âm nhạc từ bậc Tiểu học đến Trung học phổ thông trên địa bàn xã và ông đã được mời trong vai trò của người thầy dạy nhạc. Đến nay, đa số các cháu học sinh tại địa phương đều thuộc và biết hát trống quân. Điều đáng mừng là hát trống quân Dạ Trạch còn được đưa vào khoa Sáng tác, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam như một môn học chính.

Nói về Trống quân ông cho biết: Hát Trống quân nói chung và trống quân Dạ Trạch nói riêng là loại dân ca đối đáp thi tài đua trí với nội dung trao đổi những câu giao duyên tình tứ, trao đổi những nhận biết và kinh nghiệm sống giữa nam nữ trung niên, thanh niên trong xã hội nông nghiệp lúa nước. Hát trống quân được tổ chức chính vào Tết Trung thu hằng năm, phổ biến ở vùng Đồng bằng sông Hồng. So với những làn điệu dân ca giao duyên khác như hát đúm, hát ghẹo, hát xoan, hát ví, thì trống quân là một thể hát có thể nói là đơn giản nhất về cả âm nhạc lẫn cách diễn xướng. Nhạc cụ gõ duy nhất là chiếc trống quân giữ nhịp, tạo tiết tấu. Lời ca, tiếng hát của Trống quân Dạ Trạch thực sự là tiếng nói tâm tình, là ước vọng về một cuộc sống tươi đẹp, là sự thể hiện trí tuệ của người lao động trước những hiện tượng của tự nhiên và xã hội.

Hơn 20 năm lăn lộn với phong trào, những đóng góp của ông trong việc gìn giữ và phát huy giá trị của di sản đã được các ngành, các cấp ghi nhận. Năm 2011 ông được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận là “Nghệ nhân dân gian” kèm Kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn nghệ dân gian Việt Nam; được Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu tặng Giấy khen (Năm 2012). Năm 2014, ông được Hội Văn học nghệ thuật tỉnh công nhận là Hội viên Ban Văn nghệ dân gian. Đặc biệt, tháng 11/2015 vừa qua, ông đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian tỉnh Hưng Yên vì “Đã có cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.

Giờ đây, khi tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng nghệ nhân Nguyễn Hữu Bổn vẫn như con ong cần mẫn đi truyền dạy vốn di sản mà ông nắm giữ cho các thế hệ con cháu với mong muốn hồn của trống quân Dạ Trạch được trường tồn cùng năm tháng.  

Mai Diên

Tin liên quan