KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tác phẩm văn học nghệ thuật
Đăng ngày: 16/12/2018 - Lượt xem: 1562
Hưng Yên quê tôi: Lời gọi mời của một trái tim tha thiết yêu quê

Từ xưa đến nay, làm thơ về đề tài “quê hương” vốn không mới. Song cũng chính việc lựa chọn đề tài này đã khiến cho thi nhân trở thành người nghệ sĩ đi trên một sợi dây mỏng manh, mà cả ở trên và dưới đều là thăm thẳm, sâu xa, không một bám víu. Tác giả Vũ Văn Toàn đã vượt qua “con đường khó” ấy không chỉ bằng những xúc cảm chân thành, niềm tự hào, yêu mến thiết tha với quê hương Hưng Yên, mà còn bằng cả những thăng hoa của một người nghệ sĩ ngôn từ.

Hai câu thơ mở đầu :    

“Mời anh về thăm quê tôi

Bên dòng sông Hồng phù sa đỏ mịn”

là lời mời gọi chân thành, giản dị, giúp người đọc dễ định vị về vùng đất thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng. Như một hướng dẫn viên du lịch kỳ cựu, anh say sưa giới thiệu những sản vật quê nhà:

“Rặng nhãn bờ đê tắm mình trong nắng

Nghe vang nhịp chèo câu hát à ơi...”

Với người Hưng Yên, nhãn là cái cớ thật nên thơ để cho đôi lứa bắc nhịp cầu duyên: “Cô kia cắt cỏ bên sông- Có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây”. Qua bao thăng trầm thời gian, đến hôm nay, rặng nhãn lồng Phố Hiến – Hưng Yên vẫn nguyên vẹn, tươi mới trong câu thơ Vũ Văn Toàn “Rặng nhãn bờ đê tắm mình trong nắng”. Và có thể nào nguôi niềm tự hào về miền quê vốn là chiếc nôi của nghệ thuật chèo truyền thống, với những nghệ danh như Nguyễn Đình Nghị, Hoa Tâm Vũ Thị Định?

Chỉ hai câu thơ mà đã chạm tới mọi giác quan: vị ngọt của nhãn, chút ấm áp, sóng sánh vàng của nắng và âm điệu trữ tình, da diết, yêu thương của “nhịp chèo câu hát à ơi”...

Tự trong sâu thẳm tâm hồn đã yêu đến khôn cùng mảnh đất chôn nhau cắt rốn, nay được dịp mời bạn tri âm về thăm quê, cảm xúc thật rộn ràng, phấn khởi. Biết bao điều Vũ Văn Toàn muốn được “khoe” cùng bạn:

Bãi dâu xanh nong kén vàng tơ

Hương sen ngát tấm lòng người xứ nhãn

Chử Đồng Tử tắm mình trong cát

Duyên tình gặp công chúa Tiên Dung

Trong tâm thế “nhà có khách”, anh chộn rộn, tất bật huy động và bày vẽ với tất cả tấm lòng, này dâu xanh, kén vàng, này sen ngát... để đãi bạn. Xoá tan khoảng cách, ranh giới chủ - khách, ta trọn vẹn cùng anh ngao du, hết rộng dài bãi dâu, hết vương vít hương sen, lại lạc về miền cổ tích buổi hồng hoang. Ở nơi ấy, đã xuất hiện thiên tình sử dệt gấm thêu hoa cho muôn đời trai gái hò hẹn, thề bồi. Ở nơi ấy, có chàng trai nghèo hiếu thảo Chử Đồng Tử và nàng công chúa Tiên Dung, đến với nhau không màng lễ giáo, đẳng cấp. Vượt xa không gian địa lý và thời gian lịch sử, câu chuyện đẹp như giấc mơ về tình yêu và khát vọng mở đất, mở nước của người dân Hưng Yên đã trở thành một trong bốn khúc ca về các vị thánh bất tử trên dải lụa hình chữ S mang tên Việt Nam. Để bây giờ, mỗi khi nói tới Hưng Yên, lại rung ngân những thanh âm diệu kỳ từ chuyện tình huyền thoại Đồng Tử - Tiên Dung.

Thiết đãi bạn tâm giao, lẽ đương nhiên không thể không giới thiệu với bạn, nhưng làm sao để bạn không bị nhàm chán, khi mà trước anh, đã lưu dấu bao người. Và gần đây thôi, Nguyễn Thành Tuấn với “Phóng túng sông Hồng”, Thuận Yến với “Tình ca Tiên Dung” đã khiến bao người say đắm thả hồn “Xin anh đừng giấu mình trong cát. Xin anh đừng lặn mình trong nước. Em đến rồi tình yêu đang chờ anh. Chỉ có đôi ta bên dòng sông xanh…”. Thế nên từ ngạc nhiên, ta chuyển sang thích thú, tâm đắc vô cùng với hình ảnh “tắm mình trong cát”. Bình tuy cũ nhưng rượu lại rất mới. Táo bạo, tình tứ và cũng thật chắc tay, đấy là những gì bột phát mà ta nghĩ về tứ thơ độc đáo này. Bởi chỉ với hình ảnh “tắm mình”, ngòi bút Vũ Văn Toàn đã xuất thần tháo cởi những vụng về, bối rối cùng sự nghèo hèn, mặc cảm thân phận, để khoác lên chàng Đồng Tử phong thái chủ động, sự tươi trẻ, đầy sức sống.

Trong cao trào cảm xúc, hình ảnh quê hương Hưng Yên của quá khứ, hiện tại và tương lai như đồng hiện

Những chiếc cầu nối hai bờ sông

Như những con rồng uốn mình trong nắng

Thuyền ai đó đi về thấp thoáng

Nhớ một thời Phố Hiến quê tôi

Một Hưng Yên trẻ trung, hiện đại với những cây cầu nối liền khoảng cách và một Hưng Yên đang vươn mình đi lên với nội lực dồi dào được tác giả ví von bằng hình ảnh “con rồng uốn mình trong nắng”. Phát huy hiệu quả của những từ ngữ, hình ảnh giàu màu sắc và khả năng biểu cảm từ hai khổ thơ trên, ở khổ thơ thứ ba này, thêm một lần nữa Vũ Văn Toàn khiến người đọc như rơi vào vùng xoáy không gian, vừa hư, vừa thực, vừa diệu vợi, lung linh của thời vàng son Phố Hiến “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”.

Ám ảnh về thời gian chưa đủ để nói hết được về vùng quê văn hiến. Với Vũ Văn Toàn, Hưng Yên còn là nỗi ám ảnh da diết về không gian. Có nơi nào với anh lại không gợi nhắc những trầm tích văn hoá tốt đẹp. Vì vậy, trên hành trình thưởng lãm vùng đất Hưng Yên cùng anh, ta đã theo anh đi hết Bắc lại Nam, và bây giờ mới là lúc anh đưa ta về “thủ phủ” Hưng Yên:

Nguyệt Hồ lấp lánh trăng soi

Gió reo man mát sao rơi đầy hồ

Chùa Chuông tĩnh mịch trưa hè

Rêu phong Văn Miếu nhớ về tiền nhân

Sau những say mê dường ấy, tưởng đã quá đủ đầy thanh âm, màu sắc, đường nét. Ấy thế mà chưa hết những bất ngờ! Suốt chặng đường dài là vậy, anh vẫn âm thầm thủ bút, đợi đến phút quan trọng nhất mới tung toàn bộ năng lượng ngôn từ cho cảm xúc thăng hoa. Vào chùa thì rất thuần Việt với “tĩnh mịch”, “trưa hè”, nhưng khi tới Văn Miếu lại trang trọng, uyên thâm với “rêu phong”, “tiền nhân”. Đọc thơ mà sao như muốn uống cạn vầng trăng – cái vầng trăng chứng nhân lịch sử với biến thiên dâu bể vẫn muôn đời thiếu nữ, vẫn khuyết gầy chờ đợi trong lung linh ánh sáng. Hãy khẽ khàng thôi nhé, để trong giây phút trời đất giao hoà và rất mực nên thơ này, chỉ còn duy nhất tiếng “rơi” của muôn vì tinh tú. Hãy ôm chặt tay vào lồng ngực để cho cảm xúc khỏi bật thành lời, cứ giữ cho riêng mình niềm hân hoan, hạnh phúc tột cùng này nhé. Và khi đã giữ được tâm thanh tịnh rồi, còn chờ gì nữa mà không theo chân thi sĩ vào cõi “tịch mịch”, “rêu phong”? Đừng thấy thi nhân bảo rêu đã “gói lại”, “bưng kín” Văn Miếu rồi mà ngần ngại bỏ qua, bởi mắt anh, hồn anh đã phiêu du, bái diện các bậc “tiền nhân” rồi còn gì?

Đến đây thì thi nhân họ Vũ đã bỏ mặc ta, anh biết, bây giờ dẫu anh không mời, không gọi nữa thì tình đất, tình người Hưng Yên cũng đã ăn sâu bám rễ vào hồn vía ta rồi. Ta làm sao mà thoát khỏi vô vàn tơ vương, quyến luyến của nơi này:

Nghe câu hát điệu trống quân

Mà sao nhung nhớ Hưng Yên quê mình

 Thôi thì, cứ để cho anh kết thúc bằng hai câu thơ dang dở. Còn ta, ta lại bắt chước anh, chỉ nghe “câu hát điệu trống quân” đã chạm vào bao nỗi “nhung nhớ Hưng Yên quê mình”…

Thanh Mai

(Theo Hưng Yên hàng tháng)

 

 

 

Tin liên quan