Sau hơn 4 năm triển khai, bản tin “Thời tiết nông vụ” tại đồng bằng sông Cửu Long đã có những kết quả đáng ghi nhận trong cung cấp thông tin dự báo thời tiết và khuyến cáo nông nghiệp tới nông dân địa phương. Hai đơn vị triển khai bản tin mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm cũng như đẩy mạnh hợp tác giữa các bên liên quan để đưa thông tin dịch vụ khí hậu đến gần hơn với người nông dân.
Một nông dân ở An Giang trải nghiệm Bản tin “Thời tiết nông vụ” phiên bản cải tiến năm 2024. (Ảnh CIAT)
Chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác thông tin dịch vụ khí hậu
Ngày 21/11, tại Sóc Trăng, Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) phối hợp Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) tổ chức tọa đàm quốc tế với chủ đề “Chia sẻ và học hỏi về xây dựng và phổ biến thông tin dịch vụ khí hậu trong nông nghiệp tại Việt Nam”.
Sự kiện này nằm trong khuôn khổ Sáng kiến về Bảo vệ hệ thống lương thực tại các vùng đồng bằng lớn châu Á (Sáng kiến AMD). Đây là hoạt động trong Hợp phần 3 - Sáng kiến AMD của CGIAR, một mạng lưới các tổ chức nông nghiệp toàn cầu tập trung vào nghiên cứu vì phát triển.
Tọa đàm lần này tập trung vào ba nội dung chính.
Thứ nhất, giới thiệu bản tin “Thời tiết nông vụ”, một dịch vụ khí hậu công do CIAT và Cục Trồng trọt đồng phát triển và đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là “tiến bộ kỹ thuật.” vào năm 2023.
Thứ hai, tăng cường chia sẻ kiến thức, trao đổi kinh nghiệm giữa các nhà cung cấp dịch vụ khí hậu trong việc phát triển và cung cấp dịch vụ khí hậu cho nông dân sản xuất quy mô nhỏ ở Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ ba, thúc đẩy hợp tác giữa các nhà cung cấp dịch vụ khí hậu về chia sẻ dữ liệu, số hóa và mở rộng dịch vụ khí hậu.
Quang cảnh tọa đàm. (Ảnh: Ban tổ chức)
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Thanh Tùng cho hay, dịch vụ khí hậu nói chung và bản tin “Thời tiết nông vụ” nói riêng là công cụ cần thiết, cũng là hình thức để gửi thông tin đến người dân một các nhanh chóng và cụ thể hơn đến với người nông dân. Các cơ quan nhà nước và nhiều doanh nghiệp đều đã và đang cung cấp thông tin thời tiết khí hậu, khuyến cáo cho bà con. Dù cách tiếp cận khác nhau, nhưng nên có sự xuyên suốt, đồng thuận, thống nhất trong việc hướng dẫn, khuyến cáo cho bà con nông dân.
Ông Tùng cũng hy vọng, trong thời gian sắp tới, các cơ quan nhà nước cũng như các doanh nghiệp có thể hợp tác với nhau để đưa thông tin dịch vụ khí hậu đến gần hơn với bà con nông dân.
Hiệu quả cao từ bản tin “Thời tiết nông vụ”
Nông dân chia sẻ, thảo luận về bản tin “Thời tiết nông vụ” cải tiến tại tỉnh An Giang, năm 2023. (Ảnh CIAT)
Trước đây, nông dân Nguyễn Quốc Tình (xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) thường phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa dựa vào theo thói quen, kinh nghiệm và tham khảo bà con chung quanh. "Nếu thấy có sâu bệnh là xịt thuốc, tôi cũng không biết khi nào nó xuất hiện và thời điểm tốt nhất để phòng trước", anh nói.
Từ năm 2023, anh Tình biết đến bản tin “Thời tiết nông vụ” nhờ cán bộ bảo vệ thực vật ở địa phương. Nhờ đó, trong vụ đông xuân 2023-2024, anh phát hiện sớm rầy nâu và rầy phấn trắng xuất hiện. Thay vì phun thuốc khi thấy sâu bệnh, anh học cách xác định thời điểm phun phù hợp, dựa vào mật số sâu bệnh và giai đoạn phát triển của cây trồng. Vì thế, không chỉ phát hiện sớm sâu, bệnh, anh còn tiết kiệm được chi phí do không phải phun những đợt thuốc không cần thiết.
Tính đến tháng 6 năm 2024, bản tin “Thời tiết nông vụ” đã tiếp cận hơn 290.000 nông dân tại 71 huyện và 714 xã ở đồng bằng sông Cửu Long. Bản tin được chia sẻ thông qua nhiều kênh khác nhau, bao gồm các kênh truyền thông số, loa truyền thanh, áp-phích và ứng dụng nhắn tin Zalo.
Tính đến tháng 6 năm 2024, bản tin “Thời tiết nông vụ” đã tiếp cận hơn 290.000 nông dân tại 71 huyện và 714 xã ở đồng bằng sông Cửu Long.
Vào năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận bản tin “Thời tiết nông vụ” là “tiến bộ kỹ thuật”, và mô hình đã được nhân rộng ra toàn bộ 13 tỉnh tại đồng bằng sông Cửu Long.
Với nỗ lực được công nhận này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá bản tin là công cụ hỗ trợ các cơ quản lý nhà nước trong việc chỉ đạo sản xuất và thực hiện các mục tiêu quốc gia như Chiến lược Thích ứng biến đổi khí hậu quốc gia về biến đổi khí hậu và Chương trình quốc gia về 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại đồng bằng sông Cửu Long.
Những cơ hội và thách thức
Theo ông Kees Swaans, Trưởng nhóm Hành động khí hậu khu vực châu Á tại CIAT, dịch vụ khí hậu là một đổi mới quan trọng trong ngành nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh người nông dân và các bên liên quan trong chuỗi giá trị nông nghiệp đang gặp phải những khó khăn do thay đổi thời tiết, khí hậu. “Biến đổi khí hậu đã và đang tác động đến toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Các bên liên quan trong chuỗi giá trị đều có nhu cầu sử dụng dịch vụ dịch vụ khí hậu số để hỗ trợ ra quyết định, lập kế hoạch hoạt động và chủ động ứng với rủi ro thời tiết”, ông Kees Swaans nhấn mạnh.
Tuy nhiên, việc phát triển và sử dụng dịch vụ khí hậu số tại Việt Nam vẫn gặp một vài thách thức. Một báo cáo gần đây của CIAT cho thấy mức độ sử dụng các ứng dụng nông nghiệp của người nông dân còn thấp, hay họ còn ngần ngại đưa ra các quyết định canh tác chỉ dựa trên thông tin trực tuyến. Ngoài ra, việc phát triển dịch vụ khí hậu đang đối mặt với những trở ngại như thiếu dữ liệu nông học (thí dụ như dữ liệu về chất lượng đất, thiệt hại thiên tai) và dự báo thị trường cần thiết cho việc đưa ra khuyến nghị, chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng lớn. Cũng theo khảo sát của CIAT, chỉ 2/15 dịch vụ khí hậu số được khảo sát tạo ra lợi nhuận.
Tại tọa đàm, nhiều đại biểu từ các bên cung cấp dịch vụ khí hậu công và tư nhân khác như Phân viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Weather Plus, Tép bạc… cũng chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong quá trình sản xuất và cung cấp dịch vụ khí hậu. Một số cơ hội có thể mở ra bao gồm: thúc đẩy hợp tác giữa Nhà nước, nhà khoa học và công ty tư nhân giúp tăng cường chia sẻ thông tin, giúp tạo ra các mô hình dịch vụ khí hậu hiệu quả hơn về mặt kinh tế, phối hợp với mô hình dịch vụ khí hậu hiện có của cơ quan nhà nước, liên kết với các chương trình bảo hiểm nông nghiệp và dịch vụ hỗ trợ khác, dịch vụ khí hậu có thể hướng tới các tác nhân khác trong chuỗi giá trị (thay vì nông dân) để đa dạng hóa nguồn doanh thu, mở rộng dịch vụ khí hậu sang các chuỗi giá trị khác ngoài lúa (trái cây, tôm…)
Nguồn: https://nhandan.vn/