KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Thông tin - Tổng hợp
Đăng ngày: 10/09/2024 - Lượt xem: 56
Khẩn trương thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn khi nước sông Hồng, sông Luộc lên cao

Đến 7 giờ ngày 10/9/2024, mực nước sông Hồng tại Hưng Yên là 5,56m (trên báo động I là 6cm); hồi 12 giờ ngày 10/9/2024, mực nước sông Luộc tại trạm thủy văn La Tiến là 4,25m (trên báo động I là 6cm). Với lượng nước từ thượng nguồn đổ về do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi) và sự điều tiết xả lũ từ các hồ thủy điện lớn như Hòa Bình và Tuyên Quang, tình hình mực nước trên các sông Hồng, sông Luộc tiếp tục lên, ảnh hưởng lớn đời sống của Nhân dân.

Lãnh đạo huyện Khoái Châu kiểm tra công tác ứng phó với mưa lũ

Thành phố Hưng Yên có khoảng 600 héc-ta đất bãi ven sông Hồng với nhiều vùng sản xuất hàng hóa và khu dân cư. Để hạn chế thiệt hại do lũ gây ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) thành phố yêu cầu ngành chức năng và các địa phương khẩn trương thông báo đến các hộ dân ven sông, các cơ sở nuôi thả thủy sản và các phương tiện vận tải thủy về tình hình mực nước dâng cao, từ đó chủ động có kế hoạch di chuyển người và tài sản. 

Đồng chí Phạm Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, thành phố chỉ đạo khẩn trương tổ chức thông báo đến toàn thể người dân, các tổ chức hoạt động trên sông, ven sông, cơ sở nuôi thả thủy sản, các phương tiện vận tải thủy về việc xả lũ từ các hồ thủy điện. Kiểm tra, rà soát an toàn đê điều, đặc biệt tại những khu vực có nguy cơ sạt lở, để phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố. 

Tại xã Tân Hưng, nơi có hơn 100 héc-ta đất canh tác ngoài đê và 3 thôn với hơn 1.000 dân, chính quyền địa phương đã chỉ đạo vận hành 100% hệ thống máy bơm tiêu thoát nước và đóng toàn bộ các cửa cống để ngăn nước sông Hồng tràn vào khu vực trong đê. Đồng chí Bùi Thái Thụy, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng cho biết: Xã đã sẵn sàng phương án di dời người dân ra khỏi những khu vực nguy hiểm, nhất là các đối tượng yếu thế, người già, trẻ nhỏ. Các khu vực trọng điểm tiềm ẩn sạt lở cũng được kiểm tra liên tục để phát hiện và xử lý kịp thời sự cố.

 

Huyện Khoái Châu có hơn 21km đê tả sông Hồng chạy qua. Qua rà soát, tuyến đê hiện có 5 vị trí xung yếu gồm: Đoạn đê, kè Hàm Tử, cống qua đê trạm bơm Trung Châu, cống Liên Khê, đoạn đê, kè Nghi Xuyên, cống qua đê của trạm bơm Nghi Xuyên. Đến khoảng 10 giờ ngày 10/9, mực nước sông Hồng ở mức báo động I. Để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã thành lập các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc các xã có diện tích đất ở và đất canh tác ngoài đê triển khai lực lượng thực hiện nghiêm túc công tác tuần tra canh gác đê trên các tuyến đê. Theo dõi chặt chẽ diễn biến đê điều, đặc biệt chú ý các trọng điểm xung yếu, các kè, bờ lở, các công trình tu bổ đê điều vừa hoàn thành, các cống qua đê. Rà soát công tác chuẩn vị vật tư, phương tiện, nhân lực theo phương châm “4 tại chỗ” sẵn sàng xử lý, ứng phó với mọi tình huống, bảo đảm an toàn cho công trình. Đồng chí Đào Hải Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu cho biết: Hiện nay, mực nước sông Hồng đang tiếp tục dâng cao, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chỉ đạo chuẩn bị mở cửa cống Thành Công để tháo nước sông Hồng vào vùng giữa 2 đê để bảo vệ đê. Huyện đã yêu cầu UBND xã Thành Công khẩn trương thông báo cho người dân thu dọn hoa màu trong vùng bị ảnh hưởng.

Ông Lê Văn Thức ở xã Tân Châu (Khoái Châu) cho biết: Nhà tôi ở ngoài đê sông Hồng nên hằng ngày, tôi đều nghe thông báo tình hình thời tiết trên hệ thống loa truyền thanh. Hiện nay, mực nước sông Hồng đang lên cao. Tôi và gia đình sẵn sàng di dời khi có yêu cầu từ chính quyền địa phương. 

Huyện Văn Giang có 11,1km đê tả sông Hồng đi qua 6 xã, thị trấn của huyện. Dọc theo tuyến đê phía ngoài sông Hồng có diện tích tự nhiên trên 1,7 nghìn héc-ta với hơn 11 nghìn người dân của 2 xã Thắng Lợi và Xuân Quan sinh sống. Các vùng bãi này được bảo vệ bằng các tuyến đê bối: Văn Giang, Thắng Lợi và Mễ Sở, giữ đến mức báo động II. Để giảm thiểu thiệt hại do bão, lũ lụt gây ra, huyện đã xây dựng phương án bảo đảm an toàn tài sản và tính mạng cho người dân sinh sống ngoài đê sông Hồng. Theo đó, khi nước sông Hồng đạt mức báo động II, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã căn cứ vào lệnh của cấp trên và tình hình thực tế chủ động sơ tán dân và tài sản thiết yếu vào trong đê. 

Nông dân xã Liên Nghĩa (Văn Giang) tập trung chống úng cho cây

5 giờ sáng ngày 10/9, tại UBND xã Thắng Lợi, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã đã tập trung để phân công kiểm tra tình hình tiêu thoát úng trên địa bàn. Đồng chí Nguyễn Đông Bình, Chủ tịch UBND xã Thắng Lợi cho biết: Do ảnh hưởng của bão số 3, hệ thống loa truyền thanh của xã đến nay chưa khôi phục được. Xã cập nhật diễn biến thời tiết và các chỉ đạo của cấp trên về công tác ứng phó với mưa, úng thông qua nhóm zalo để đại diện các thôn, khu dân cư nắm được và tuyên truyền rộng rãi trong Nhân dân. Hiện nay, ở thôn Tầm Tang, người dân đã huy động máy bơm bơm nước để hạn chế tình trạng ngập úng cục bộ. Nếu nước sông Hồng tiếp tục dâng cao, xã sẽ tuyên truyền Nhân dân di chuyển hoa, cây cảnh lên trên đê để hạn chế thiệt hại tài sản. 

Huyện đã đề nghị Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Châu Giang hỗ trợ máy bơm dã chiến ở 2 xã Xuân Quan và Mễ Sở để bơm tiêu úng khu vực này, 100% trạm bơm tiêu của huyện và các khu đô thị được hoạt động hết công suất, hạn chế tình trạng ngập úng trong huyện. Để bảo đảm an toàn cho người dân sinh sống khu vực ngoài bãi, chính quyền địa phương tuyên truyền các hộ dân di chuyển người già, trẻ em vào nhà người thân khu vực trong đê, sẵn sàng các phương án di dân khi nước sông Hồng ở mức báo động II; hiện một số địa phương đang di chuyển hoa, cây cảnh ở những vùng bị ngập đến vùng an toàn. 

Huyện Tiên Lữ có 10.800m đê sông Luộc, đi qua địa phận 7 xã; có 3 kè chính với tổng chiều dài 6,1km, 3 cống dưới đê, 4 điếm. Để bảo đảm an toàn cho người, tài sản trước diễn biến nước sông Luộc dâng cao, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Tiên Lữ và các địa phương đã họp bàn và khẩn trương triển khai các phương án ứng phó. Theo đó, cùng với tăng cường công tác kiểm tra, huyện tuyên truyền người dân chủ động các phương án di dời người, tài sản, vật nuôi về nơi an toàn. Tại 2 xã có nguy cơ ngập lụt cao là Thụy Lôi và Cương Chính, huyện chỉ đạo các địa phương khẩn trương thực hiện các phương án phòng, chống ngập úng… Đến 10 giờ sáng ngày 10/9, 60% số hộ dân có chuồng trại chăn nuôi tại khu vực nguy cơ ngập úng của xã Cương Chính đã di dời vật nuôi đến nơi an toàn; lực lượng chức năng và người dân tại 2 xã đang khẩn trương đóng bao cát, đắp đập chống tràn tại các điểm nguy cơ bị ngập, úng cao và tiếp tục hỗ trợ người dân di dời vật nuôi đến nơi an toàn. 

Tại thị xã Mỹ Hào, đê sông Kim Sơn đã bị sạt tụt nhẹ. UBND thị xã Mỹ Hào đã chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền địa phương tiếp tục kiểm tra, theo dõi, kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra. Đối với đê sông Bần - Vũ Xá, khi các trạm bơm đồng loạt bơm tiêu, mực nước trên sông tăng nhanh, một số điểm phía bờ trái có nguy cơ bị tràn, UBND thị xã chỉ đạo các xã Hòa Phong, Dương Quang, Cẩm Xá huy động nhân lực, vật tư, phương tiện gia cố, tôn cao mặt đê.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, từ ngày 9 đến 10/9 trên địa bàn huyện Kim Động tiếp tục có mưa lớn, cộng với mực nước sông Hồng lên nhanh làm cho công tác phòng, chống mưa lũ gặp khó khăn. Một số đoạn sông Điện Biên thuộc địa phận các xã: Chính Nghĩa, Nghĩa Dân, Phạm Ngũ Lão nước lên mấp mé mặt bờ vùng và có điểm bị tràn; khu vực hạ lưu tuyến kè Phú Mỹ, xã Đức Hợp tiếp tục sạt lở sâu vào trong và dài thêm hàng trăm mét; nhiều diện tích đất canh tác ngoài đê sông Hồng và thôn Vân Nghệ (xã Mai Động) bị ngập…

Mực nước sông Hồng tại huyện Khoái Châu đang dâng cao

Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã chỉ đạo các địa phương, lực lượng chức năng tăng cường công tác tuyên truyền; duy trì việc ứng trực, canh điếm, gác nước theo quy định; khẩn trương kiểm tra các công trình thuỷ lợi, hoành triệt các cống ngăn nước; cùng với Nhân dân triển khai các biện pháp ngăn nước tràn qua các bờ vùng, đê bối; tranh thủ thu hoạch các loại hoa màu… Đồng thời, tiếp tục huy động 100% công suất các trạm bơm tiêu nước, bảo vệ lúa, hoa màu cho Nhân dân; giúp Nhân dân khắc phục hậu quả do mưa, bão gây ra. 

Sáng ngày 10/9, tình hình mực nước sông Luộc, sông Cửu An qua địa bàn huyện Phù Cừ dâng cao, uy hiếp an toàn khu vực cống Võng Phan (xã Tống Trân); gây ngập lụt tuyến đường thôn Ba Đông (xã Phan Sào Nam). Huyện Phù Cừ đã huy động trên 150 người gồm lực lượng công an, quân đội, dân quân, tự vệ, Nhân dân các xã: Tiên Tiến, Tam Đa, Đình Cao, Tống Trân, Minh Tiến và công nhân Công ty Lizen đang thi công dự án đường Tân Phúc - Võng Phan đắp đất chống tràn, chèn cánh phai xử lý sự cố cống Võng Phan. Xã Phan Sào Nam huy động 30 người dân đắp các bao tải đất, cát chống nước tràn từ sông Cửu An vào khu dân cư thôn Ba Đông. Huyện yêu cầu các địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát hệ thống đê điều, nhất là các vị trí trọng điểm, xung yếu; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện và các điều kiện bảo đảm thực hiện phương án theo phương châm “4 tại chỗ” để hộ đê, kịp thời xử lý các sự cố đê điều xảy ra ngay từ giờ đầu, bảo đảm an toàn cho tuyến đê. Các lực lượng sẵn sàng tham gia ứng trực, cứu nạn, cứu hộ khi cần thiết...

Ở các địa phương khác trong tỉnh cũng đang khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó với mưa lũ nhằm bảo đảm an toàn cho người và tài sản của Nhân dân.

Hiện nay Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh đang tăng cường kiểm tra hệ thống cống qua đê tả sông Hồng, đê tả sông Luộc, đặc biệt là những điểm giao thông yếu. Việc đóng các cửa cống kịp thời sẽ giúp ngăn nước tràn qua gây ngập úng và làm giảm áp lực lên hệ thống đê điều. Các sự cố liên quan đến hệ thống cống hoặc công trình thủy lợi, nếu phát hiện được báo cáo ngay với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh để có phương án xử lý.

Trước tình hình nước sông Hồng lên nhanh, từ 7 giờ đến 15 giờ ngày 10/9, Ban Chỉ huy Phòng PCTT&TKCN tỉnh đã ban hành 1 công văn và 3 công điện yêu cầu các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương nhanh chóng triển khai các biện pháp cấp bách nhằm bảo vệ an toàn đê điều, hoa màu và tài sản, tính mạng người dân. Trong đó, tập trung khẩn trương kiểm tra, rà soát các phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu và xử lý kịp thời các sự cố đê điều ngay từ giờ đầu; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương án hộ đê, phòng, chống thiên tai của địa phương và của ngành để kịp thời ứng phó với mọi sự cố xảy ra; nghiêm túc thực hiện tuần tra, canh gác đê; triển khai các biện pháp phòng, tránh lũ. Kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt. Tỉnh thành lập các đoàn công tác gồm các đồng chí lãnh đạo tỉnh làm trưởng đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc các ngành, địa phương triển khai các biện pháp di dời tài sản, đưa người dân ở một số vùng nước ngập đến nơi an toàn cũng như phương án ứng phó khi có sự cố đê, bối… xảy ra.

Nguồn: https://baohungyen.vn/

Tin liên quan