KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tác phẩm văn học nghệ thuật
Đăng ngày: 21/05/2018 - Lượt xem: 430
Lại Ốc- Làng hiếu học

Trong gần 850 năm của nền giáo dục khoa cử theo Nho giáo của Việt Nam, Hưng Yên có đến 228 người trên tổng số 2889 người đỗ đại khoa trong các cuộc thi do triều đình tổ chức. Theo một nghiên cứu, trong tổng số 25 làng của cả nước có từ 10 người trở lên đỗ đạt, Hưng Yên đã chiếm tới 5 làng. Ngoài ra, trải dài trên địa bàn tỉnh, còn có 8 làng có từ 4 người trở lên đỗ đại khoa. Làng Lại Ốc (xã Long Hưng, huyện Văn Giang) là một làng như thế…  

Một góc làng Lại Ốc hôm nay

1- Từ một tích trò dân gian

Trong một tài liệu điền dã về văn nghệ dân gian trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, có ghi chép về một tích trò rối nước đã thất truyền, nhưng vẫn được nhiều bô lão kể lại. Đó là câu chuyện về một người học trò nghèo, dù nhà không đủ ăn vẫn chịu đựng kham khổ để dùi mài kinh sử. Lòng hiếu học của anh học trò đã lay động trái tim của cô gái xinh đẹp con cụ Lý trưởng. Ngày ngày, cô gái giấu cha mẹ, mang gạo nước đến nấu nướng nuôi anh học trò. Đến khoa thi, nhờ tố chất thông minh và bao năm tháng lao công khổ tứ đèn sách, anh học trò đậu bảng vàng. Khi ấy, có vị quan lớn trong triều ép gả con gái cho, nhưng anh học trò vẫn không quên người đã tần tảo chăm sóc mình thuở hàn vi, thẳng thừng từ chối. Chàng đã chọn ngày được vua cho vinh quy bái tổ để chính thức tỏ lời cầu hôn với cô thôn nữ năm xưa…

Nghe đâu, tích trò ấy đã “chạm nọc” và bị một số viên quan lại, lý dịch đường thời cấm đoán. Nhưng sau đó, khi biết được người sáng tác và truyền dạy tích trò lại là Đô ngự sử Đỗ Nhân, Thượng thư bộ Lại đương triều, nên những ngăn cản đã được khơi thông. Từ đó, nó trở thành một tích trò không thể thiếu của phường rối nước Lại Ốc vang bóng một thời.

Vẫn theo tài liệu điền dã trên, tích trò ấy lấy nguyên mẫu là chính tác giả-cụ Đỗ Nhân. Và, phường rối nước Lại Ốc cũng chính là phường rối quê hương cụ.

2- …Đến “đầu làng Tể tướng, cuối làng Trạng nguyên”

Lại Ốc là một làng thuộc xã Long Hưng, huyện Văn Giang. Theo một câu chuyện dân gian lưu truyền trong vùng, Lại Ốc có từ thời Hai Bà Trưng, và tên làng cũng do Hai Bà đặt, với ý nghĩa cực xấu. Băn khoăn về tính xác thực của tên làng, người viết bài này đã tìm hiểu từ rất nhiều bậc túc nho, thì hóa ra Lại Ốc là một cái tên đẹp.Theo nghĩa Hán Việt, chữ “Lại” 13 nét có nghĩa là “Lành”; chữ “Ốc” là “nhà”. Như thế, Lại Ốc có nghĩa là Ngôi nhà hiền lành. Còn theo thạc sĩ Dương Thị Cẩm, nguyên Giám đốc Thư viện tỉnh, thì Lại Ốc còn có nghĩa là “Nhờ vào nhà”.Hơn thế nữa, nếu làng có một cái tên xấu thế, thì qua hàng trăm năm, các chức sắc, lý dịch, bô lão và đặc biệt là những vị danh sĩ người làng giữ chức vụ lớn trong triều đình phải tìm cách đổi mới đúng…

Nằm trong vùng Kinh Bắc xưa, Lại Ốc được biết đến như một cái nôi của nghệ thuật rối nước cổ truyền. Theo một vài tài liệu, phường rối Cơ Xá (Bắc Ninh) là do các nghệ nhân Lại Ốc đã truyền dạy. Sau này, khi Nhà hát mùa rối Trung ương thành lập, các nghệ sĩ của Nhà hát đã nhiều lần về Lại Ốc để học hỏi về kỹ thuật “hạ cọm” và các tiểu xảo rối như quạ cướp cờ chui qua lỗ, cờ giấy bật lên từ dưới nước mà không ướt…Bên cạnh đó, cùng với các làng của Văn Giang như Đan Nhiễm, Phú Thị…, Lại Ốc còn là một trong những làng hiếu học của tỉnh Hưng Yên, với truyền thống khoa bảng hiếm có làng nào có được. Thời phong kiến, trong 5 dòng họ của làng, thì có 2 dòng họ có người đỗ đại khoa, một người thuộc hàng Đệ nhất giáp, 3 người hàng Đệ nhị giáp, một người Tam giáp.

Người đỗ khai khoa của Lại Ốc là nhân vật chính của câu chuyện dân gian trên đây, cụ Đỗ Nhân (1474- 1518). Ông có tên tự là Đôn Chính, hiệu là Nghĩa Sơn, sau này đổi tên thành Đỗ Nhạc. Nhà nghèo nhưng hiếu học, 20 tuổi ông đã đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) đời Lê Thánh Tông. Ông làm quan giữ chức Hàn lâm hiệu lý, Hàn lâm thị thư, tính tình cương trực, không sợ cường quyền, dám nói thẳng ý mình. Vào niên hiệu Cảnh Thống (1498-1504), ông phụng mệnh vua Lê Thánh Tông đi sứ nhà Minh. Sau đó được phong làm Thượng thư Bộ Hộ, kiêm Đô ngự sử, Đông cácđại học sĩ, vào giảng bài trong điện Kinh Diên.Năm 1512 thời Lê Tương Dực, ông làm Tán lý quân vụ, tiến đánh tàn quân nổi dậy của Trần Tuân, Nguyễn Nghiêm ở Sơn Tây, Hưng Hóa.Giữa năm đó, có Lê Hy, Trịnh Hưng, Lê Minh Triệt nổi dậy ở Nghệ An chống triều đình tiến ra Thanh Hóa. Ông lại được lệnh làm Tán lý đi đánh và thắng được.

Ít lâu sau quân nổi dậy Trần Cảo đánh chiếm kinh thành, vua Lê Chiêu Tông phải bỏ chạy. Sau đó các trấn mang quân về chiếm lại kinh thành. Đỗ Nhân trong số các tướng rước vua Chiêu Tông trở lại Thăng Long.Năm 1517, ông được thăng làm Thượng thư Bộ Lại, kiêm chức cũ.Mùa thu năm 1518, Đỗ Nhân được thăng làm Đô ngự sử. Vua Chiêu Tông giết tướng Trần Chân nên các thủ hạ của Trần Chân là Nguyễn Kính, Nguyễn Áng mang quân nổi dậy đánh vào kinh thành báo thù. Quyền thần Mạc Đăng Dung cho rằng vua Chiêu Tông ở điện Thuần Mỹ, thuỷ quân hơi gần với chỗ Nguyễn Kính, Nguyễn Áng, nên đề nghị Chiêu Tông rời về Bảo Châu bức vua Chiêu Tông dời sang Bảo châu (Hà Đông).Ông cùng Phó đô ngự sử Nguyễn Dự đều can. Mạc Đăng Dung liền sai đồ đảng là Đinh Mộng bắt ông và Nguyễn Dự đến ruộng dâu ngoài cửa bắc hành dinh Xuân Đỗ rồi giết. Năm đó Đỗ Nhân 45 tuổi.Đến tháng 10 cùng năm, chính Mạc Đăng Dung lại tâu vua làm lễ tế hai ông, cấp cho gia quyến 100 quan tiền. Hiện nay, làng Lại Ốc tôn Đỗ Nhân là Thành hoàng làng, mở hội vào 15 tháng 2 âm lịch.

Con trai cả của Đỗ Nhân là Đỗ Tông năm 26 tuổi đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ nhất danh (Trạng nguyên) đời Mạc Đăng Dung. Đỗ Tông làm quan đến chức Hình bộ Tả thị lang, Đông các đại học sĩ. Khi Đỗ Tông chết, làng Lại Ốc cũng lập đền thờ, được gọi là đền thờ Quan Trạng. Em của Đỗ Tông là Đỗ Tấn, năm 22 tuổi cũng đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, làm quan tới chức Thượng thư, Đông các đại học sĩ, tước Quận công. Sau Đỗ Tấn đi đánh giặc, bị tử trận, được phong chức Quốc công.

Cháu nội của Đỗ Nhân là Đỗ Trực cũng đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) năm 43 tuổi, làm quan tới chức Đông các đại học sĩ, tước An Giang hầu.

Bên cạnh họ Đỗ, làng Lại Ốc còn có họ Phạm cũng có người đỗ đạt cao trong khoa cử thời phong kiến. Đó là cụ Phạm Tiến, vào năm 43 tuổi đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) đời Lê Thánh Tông. Ông làm quan tới chức Hàn lâm thừa chỉ thời Lê.

3- Và sự học nối mạch dài mãi…

Trải dài trong lịch sử, việc học ở Lại Ốc chưa bao giờ dứt mạch. Hương ước xưa và hương ước mới ngày nay của làng đều có những điều khoản về khuyến học để khích lệ con em trong làng chăm chỉ học hành. Hàng năm, vào đầu năm học mới, làng đều có buổi họp để phát quà động viên các em học sinh trong làng đỗ đại học, cao đẳng. Không những thế, các dòng họ trong làng Lại Ốc cũng có những quy định cụ thể và thành lập quỹ khuyến học để động viên khen thưởng con em học giỏi, đỗ đạt… Theo các thầy cô giáo ở trường tiểu học và trung học cơ sở Long Hưng, học sinh thôn Lại Ốc cơ bản chăm ngoan, cần cù và học giỏi. Nhiều năm, thôn có học sinh đậu thủ khoa vào trường Trung học phổ thông Văn Giang. Số học sinh và điểm vào đại học của học sinh người Lại Ốc cũng rất cao. Đến bây giờ, cả 17 dòng họ trong làng đều có con em là cử nhân, kỹ sư. Làng hiện có gần chục người có học vị tiến sĩ, hàng chục thạc sĩ nghiên cứu trong nhiều chuyên ngành khác nhau.

Với những nỗ lực như thế, cùng với việc lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng quê hương, nhân dân làng văn hóa Lại Ốc đang tiếp tục giữ vững truyền thống hiếu học của làng, góp phần chung vào thành tích học tập và sự hưng thịnh của xã Long Hưng nói riêng, của tỉnh nhà nói chung.

Lan Hương

 

 

 

 

Tin liên quan