KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 13/07/2015 - Lượt xem: 172
Làm đường ra mặt trận (Phần I)

Nhân Ngày Truyền thống lực lượng thanh niên xung phong (15/7/1950- 15/7/2015), Trang Thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xin trân trọng đăng một vài câu chuyện trong tập truyện ký của tác giả PMT (hiện đang sinh sống tại huyện Văn Giang), một trong 225 đội viên Đội Thanh niên xung phong (TNXP) công tác T.Ư  đầu tiên(1950). 

Ngày 15/7/1950, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn thanh niên Cứu quốc Việt Nam thành lập Đội Thanh niên xung phong (TNXP) công tác T.Ư đầu tiên với 225 đội viên do đồng chí Vương Bích Vượng, Ủy viên BCH Đoàn TN cứu quốc làm đội trưởng.

Chiến dịch Cao- Bắc- Lạng (1950) đã khai thông biên giới, khiến cho việc chi viện của các nước anh em như Liên Xô, Trung Quốc cho ta thuận tiện hơn. Tuy vậy, đường sá trong khu vực còn hẹp, cũ nên việc tiếp nhận  xe cộ, vũ khí hạn chế rất nhiều. Lực lượng TNXP được trên giao phụ trách những đoạn đường trọng điểm và những nơi địch đánh phá ác liệt,  phục vụ  kịp thời cho các chiến dịch phản công của ta.

Ngày 15/6/1953 Trung ương Đảng có chỉ thị về Giao thông vận tải: “Hiện nay nhu cầu kháng chiến ngày càng nhiều, khối lượng hàng vận chuyển phải tăng lên rất nhanh nhưng đường, cầu, phà hiện nay rất xấu... Nhiệm vụ hiện nay là phải làm những đường tốt cần thiết để bảo đảm vận chuyển quân sự, để sẻ bớt gánh nặng vận chuyển cho dân...”

Tháng 7/1953, ta lại tiếp nhận các loại xe vận tải 1, 2 cầu hiệu Motolova do Liên xô viện trợ qua Bằng Tường (Trung Quốc) chuyển về. Đến nửa năm sau, đoàn xe đã có 130 chiếc, biên chế thành nhiều đại đội. Đòi hỏi bức thiết lúc này là phải có đường sá, cầu cống phù hợp.

Ngày 6/12/1953, Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, việc vận chuyển quân lương, quân dụng càng trở nên gấp thiết, quan trọng .

Ngành Giao thông Vận tải còn được gọi là “Mặt trận dưới gầm trời” bỗng sôi động rầm rập suốt đêm ngày. Hàng triệu thanh niên xung phong, công binh và dân công các tỉnh thuộc Liên khu Việt Bắc được huy động cấp tập mở đường, bắc cầu để các lực lượng tiến quân ra mặt trận, để xe pháo đi lại thông suốt, nhanh chóng, an toàn. Các hệ thống đường cầu cũ đều phải gia cố, làm lại hoặc mở rộng nền từ 5 đến 8 mét, đảm bảo tải trọng của xe vận chuyển 12 tấn, các loại phà qua sông đều phải cải tiến để có thể chở từ 2- 3 xe pháo sang cùng một chuyến .

Phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ, hệ thống giao thông vận tải tập trung vào ba hướng chính :  

Hướng phía bắc từ các tỉnh biên giới Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn   về Thái Nguyên, Tuyên Quang để đi Yên Bái theo đường 13 đến Ba Khe- Cò Nòi nối với đường 41 phía nam tỉnh Sơn La rồi đi Tuần Giáo (Lai Châu) đổ hàng vào các  phía đông, bắc Điện Biên. Đây là hướng tiếp nhận hàng viện trợ vận chuyển xuyên qua nhiều tỉnh, từ nhiều hướng của Liên khu Việt Bắc, địa bàn rộng lớn, vượt qua nhiều đèo dốc như đèo Giàng, đèo Cà, đèo Khế, La Hiên, Lũng Lô, Pha Đin, đèo Chẹn... băng qua nhiều sông suối bằng các bến phà địch luôn khống chế ác liệt như bến Bình Ca qua sông Lô, bến Âu Lâu, Tạ Khoa qua sông Hồng, bến Vạn Yên qua sông Đà… Trên tuyến này ta phải mở thêm nhiều tuyến ngang dọc, xuyên rừng vượt núi như từ Thuỷ Khẩu về Bắc Cạn, đường Võ Nhai- Bắc Sơn, đường 31 Chợ Chu, Quán Vuông, Khuôn Ngàn nối với đường 3 để đi Tuyên Quang .

          Hướng từ khu IV xuất phát từ Nghệ An, Thanh hoá cùng các khu vực tự do của Liên khu III đổ ra Hoà Bình để qua Suối Rút, Mộc Châu, Cò Nòi nhập vào hướng Sơn La- Tuần Giáo (Lai Châu). Nhanh chóng khôi phục, nâng cấp đường 15A đoạn Hồi Xuân- Mục Sơn- Đồng Trầu tạo thành một tuyến dài 114km. Khẩn trương xây dựng và mở rộng các bến phà Hồi Xuân- La Hán, phá 103 thác ghềnh trên sông Đà, sông Mã, sông Nậm Na... để hàng trăm thuyền, hàng nghìn xe đạp thồ, hàng vạn dân công gồng gánh lương thực thực phẩm ngày đêm kìn kìn tiếp tế cho mặt trận.

          Để tránh ùn tắc và chống địch oanh tạc trên đường độc đạo, ta mở thêm đường từ sông Mã đi Mường Luân- Nà Sang rồi tuyến từ Ba Mận Cúm qua Lai Châu đi Bản Tấu để dân công Thanh Hoá vận chuyển gạo phục vụ các  đơn vị tác chiến phía Nam Điện Biên. Mở đường cho vận tải thô sơ như xe thồ, xe ngựa, xe trâu bò, xe người đẩy theo đường mòn vượt núi Khẩu Hu, Cò Chảy, vượt các cánh rừng đại ngàn vào phía bắc Điện Biên.

Hướng Đông- Tây từ Hoà Bình theo đường 41 (đường số 6 hiện nay), đường 42 đi Tuần Giáo- Điện Biên là trục chính qui tụ các hướng vận tải  từ Bắc xuống, nam lên, đông sang, tây đến... để từ đây toả đi 4 mặt chiến trường. Các đường phà Chợ Bờ, Suối Rút đều phải tăng cường sửa chữa. Đoạn đường 42 do bỏ lâu ngày trên 100 cầu cống hư hỏng nặng, nhiều đoạn lún, sụt hàng cây số, trời mưa là lầy trơn, cây đổ, đá xô, đất trụt. Trong 10 ngày đêm liên tục 8.000 TNXP và Trung đoàn công binh 151 cùng dân công đã khai thông cho Đại đoàn 351 đưa xe kéo pháo, tiến vào trận địa.

         Đảm bảo cho chiến dịch Điện Biên quyết thắng, Đoàn Thanh niên xung phong huy động toàn lực toả đi khắp các hướng, đảm nhiệm các tuyến đường cửa khẩu chiến trường. Đầu 1954, ngành giao thông tập trung đại quân xuyên rừng, xẻ núi, san đồi, vượt đèo mở đường 1B từ Đồng Đăng về Thái Nguyên. Đây là con đường mới lớn nhất trong kháng chiến chống Pháp. Mặt đường rộng 8m, rải cấp phối nhưng đủ chịu lực của xe chở các loại vũ khí hạng nặng từ bên kia biên giới chuyển về. Thanh niên xung phong Đội 38 là chủ lực quân trên khắp tuyến đường .

 *

        Trên các ngả đường ra mặt trận, máy bay giặc Pháp luôn thám thính, rà soát, ném bom và bắn phá vào những nơi xung yếu. Tung hoành ngang dọc trên bầu trời là ưu thế tuyệt đối của giặc Pháp lúc bấy giờ. Bởi vậy chúng nhè vào những khúc đường vượt đèo cao, bên núi bên sông hoặc vực thẳm để trút bom phá, bom chùm, bom nổ chậm. Bom chồng lên bom, đạn cày lên đạn, nhiều đoạn đường đất đá nát nhừ, cây cối ngổn ngang cháy xém. Những đoạn đường Tuần Giáo- Điện Biên, Yên Bái- Cò Nòi… máy bay giặc đánh phá liên tục trong ngày. Đường 41, đèo Pha Đin, ngã ba Cò Nòi  hứng chịu trên 60 tấn bom ngày, có trận chúng huy động liền một lúc 39 máy bay các loại  trút mưa bom bão đạn xuống khu vực và rừng núi xung quanh. Chúng còn thả bom na-pan đốt cháy hàng vạt rừng cây mà chúng nghi ngờ lực lượng đảm bảo giao thông trú ngụ. Các bến phà qua sông cũng là những trọng điểm chúng tập trung đánh phá, không ngày nào đêm nào chúng không oanh tạc bến này hoặc bãi kia. Tiếng nổ  của đạn bom  rền rền khắp nơi.

Bom đạn giặc không ngăn nổi ý chí quyết thắng của TNXP được giao chốt giữ trên những tuyến này. Những con đường như có phép tiên, ngày tan hoang lỗ chỗ đêm lại nối liền cho những đoàn xe qua lại  đưa hàng kịp thời ra tiền tuyến, phục vụ cho quân đội tiêu diệt kẻ thù.

             Tổng kết chiến dịch, 260.000 người có 14 triệu ngày công trong các lực lượng đã tham gia làm nên những con đường ra trận, giăng mạng giao thông vận tải thành một trận đồ trùng điệp dọc ngang, xuyên rừng vượt núi, góp phần không nhỏ vào chiến thắng “chấn động địa cầu”.

(còn nữa)

P.M.T

 

 

Tin liên quan