KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tác phẩm văn học nghệ thuật
Đăng ngày: 22/10/2015 - Lượt xem: 157
Mẹ con người ăn mày

Nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trân trọng giới thiệu truyện ký về một cán bộ phụ nữ trung kiên trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp trên địa bàn huyện Văn Giang.

Ngày 23 tháng Chạp năm Kỷ Sửu (1949), mọi nhà đều cúng ông Công và chuẩn bị đón tết Nguyên đán Canh Dần .

Chị Tỳ nhà nghèo, đến chiều mới sắm mâm cơm cúng. Khi có 4 ông khách quần trắng, áo the khăn xếp đến ngồi quanh chiếc phản, chị mới bưng mâm đặt lên ban thờ, thắp hương cúng vái. Chị  đốt đèn hương nghi ngút, rồi nói nhỏ:

- Nếu có ai vào, các anh  lảng sang chuyện như người quen của gia đình. Còn nếu Tây dõng đến là tôi bưng mâm, các anh cứ bình tĩnh ngồi đánh  chén. Nó đi, lại họp  bàn  tiếp .

Chị Tỳ người thôn Tài, chồng bị giặc Tây bắn chết trong một trận càn, chỉ còn lại đứa con trai tên Tèo, 10 tuổi. Căn nhà 1 gian hai chái gần đồng của chị là cơ sở bí mật của khu I huyện Văn Giang. Giặc đóng đồn bốt khắp huyện, cán bộ nằm vùng bị địch càn quét ráo riết, cơ sở vỡ, một số dao động đầu hàng đầu thú, một số chủ chốt còn lại, ngày phân tán ngoài cánh đồng rộng, đêm vào nhà chị họp hành bàn bạc. Hôm nay, chị  Tỳ làm ám  hiệu cho họ chui rào vào nhà khi trời mới bước sang chiều.

Chị bảo cu Tèo:

- Hôm nay bọn Tây, dõng trên đồn chưa thấy nó qua  đây, con chịu khó ra điếm đầu làng chơi nghịch ngoài đó, thấy chúng nó thì chạy nhanh về báo ngay cho mẹ biết. Mẹ ở nhà có khách.

       Tuy còn nhỏ nhưng  cu Tèo cũng biết mẹ  theo Việt Minh, ghét thằng Tây và nuôi giấu cán bộ. Cu Tèo cũng ghét giặc Tây, ghét bọn tề dõng nên nghe mẹ, biết đi canh gác, biết giữ bí mật cho cán bộ. Thấy mẹ bảo có khách là Tèo biết có người đằng mình đến nhà nên nhanh nhẩu đi ngay

Nghe  chị dặn con, một người khôi hài:

-  Chị yên tâm, ai hỏi chị cứ nói có mấy người nhà đều là Lý phóTrưởng

ngoài Hoà Bình, Bạc Thượng vào chơi. Còn Tây, dõng đến thì chúng tôi mời nó cùng ngồi ăn cho vui. Nhờ chị chú ý cổng ngõ xem có kẻ nào dò xét nghe ngóng không?

Bốn người ngồi trong nhà, cửa nhà che chiếc mành thưa. Từ ngày giặc càn mất đất đã hơn một tháng rồi mà không sao liên lệ được với các làng. Cơ sở ngầm nơi nào còn mất, bọn tề ác và bọn phản động hoành hoành ngang ngược tại các làng thế nào tất cả đều biệt tin  Biết bao nhiêu đêm  họ mò về các làng gây lại cơ sở mà không sao vào lọt. Các làng đều được rào kín như bưng, điếm canh mọc ra khắp các xóm. Tình hình này dai dẳng đến bao giờ. Nhận định, phân tích, kiểm điểm, bàn bạc gần một tiếng rồi mà vẫn không có phương hướng rõ ràng.

Bỗng ngoài cổng tiếng chị Tỳ vọng lên gay gắt, như cố tình nói to để đánh động trong nhà: 

- Đã bảo nhà không có gì còn cố mà vào? Ra đi, ra đi !

Một người đàn bà trung niên, mặt mày nhọ nhem bẩn thỉu, quần cũ áo rách, đội chiếc nón mê cũ sùm sụp che mặt, vai đeo bị cói, tay cầm gậy tre, theo sau là 2 đứa bé, xồng xộc tiến vào trong chiếc cổng tre, vừa bước  vừa  kêu van thảm  thiết:

- Lạy các ông các bà, mẹ con tôi đói khát, xin bà nhón tay làm phúc, cho bát cơm bát cháo! Hôm nay Tết ông Công ông Táo mà bà lại bảo không có gì ? Thương người nghèo khó, bà ơi .

Đã ăn mày mà còn lý sự, khiến chị  Tỳ  tức tối càng nói to hơn:

          - Tôi có tôi cũng không cho nhà chị, ra đi! ra đi!

Nhưng sợ to tiếng, nhiều người kéo đến thì  khó khăn hơn nên chị Tỳ lại dịu giọng:

        -  Thôi mẹ con ngồi vào góc cổng kia, tôi đi lấy cho bát cơm. Khổ thân mấy đứa trẻ, mặt mũi  sáng suả mà sao  nhếch nhác thế !

            Chị Tỳ rảo nhanh vào nhà hấp tấp báo tin:

       - Có mụ ăn mày vào xin mà tôi nghi quá, mồm thì xin mà mắt thì đảo ngang lia dọc soi mói khắp nơi.`Đặc biệt  hai đứa con trai đi theo, ăn mặc thì rách rưới nhưng nhìn kỹ không phảỉ con nhà đi ăn xin vì chúng kháu khỉnh  trắng trẻo khác thường. Hay là bọn do thám cho giặc đi dò xét 

       Bùi Thiện Dương, Chủ tịch xã Tân Tiến giật mình. Còn anh Phạm Văn Khíp là Chủ tịch  xã Long Hưng ngơ ngác. Anh chạy ra hiên ghé mắt nhìn qua mành và khẽ kêu thảng thốt: “Nhìn hao hao như chị Lý ở Hoà Bình Hạ và thằng Hai thằng Ba. Chị Tỳ ơi, cho mẹ con mụ ăn mày vào sân để chúng tôi quan sát”.

        Chị Tỳ mang bát cơm đầy cùng một dĩa thức ăn để phía trong sân và gọi mẹ con mụ ăn mày vào đó. Mụ ăn mày chia cơm cho các con, còn mình không ăn mà cứ lấm lét ngó nghiêng. Chị Tỳ vừa quay vào nhà lại ra ngay, nói nhỏ vào tai mụ ăn mày:  “Có phải chị Lý thì vào trong nhà ?”.

        Mắt mụ ăn mày sáng lên, dặn hai con ngồi ăn còn nhanh nhẹn bước vào sau chiếc mành che. Vừa nhìn thấy mấy người trên phản, mụ ăn mày đã  nhao đến ôm chầm lấy Bùi Thiện Dương khóc nức nở: “Các anh ơi, bỏ chết hết dân à mà hơn tháng nay tôi đi tìm đâu cũng không thấy ?” Mọi người ngồi đó đều bật dậy cùng tiếng reo tắc nghẹn: "Chị Lý! Ôi chị Lý, làm sao mà khổ sở đến nông nỗi này!"

Đúng là chị Lý, vợ đồng chí Bùi Thiện Dương, Chủ tịch xã Tân Tiến rồi. Hai tháng trước giặc vây càn toàn khu, cơ sở tan vỡ. Giặc truy lùng gia đình những người theo cách mạng, Bùi Thiện Dương cùng các cán bộ trung kiên bạt vào khu I nhờ đất trú chân. Tình hình trên dưới liên lạc đứt hết, chị Lý dắt con vờ đi ăn mày lê la đầu đường xó chợ vào các làng tìm những nhà trước đây đã tham gia công tác, hy vọng mỏng manh sẽ  gặp được  người quen biết để tìm chồng. Chị đã móc nối được với một số người đang mong ngóng liên lạc với Việt Minh. Khi đến các làng, chị trà trộn vào mấy đám người ăn xin chuyên nghiệp, vào những nhà có giỗ chạp ma chay, mời mọc đông khách khứa, người ra vào tấp nập. Ở đó, bọn tề phản động rượu vào lời ra thường huyênh hoang khoe mẽ, khuyếch khoác nên chị thu thập được nhiều tin tức quan trọng. Đồng thời cũng ở nơi này hay có tiếng xầm xì bình luận về Việt Minh, kháng chiến. Ai tốt ai xấu, ai lừng  chừng hai mang nghe qua là đủ biết. Có lần, một thằng tề ác nhìn chị chằm chằm và quát hỏi: "Tao trông con này quen quen, hình như thấy ở đâu rồi thì phải ! Đi do thám cho Việt Minh  hả?". Chị  giật thót người, nó là  thằng T. hồi đầu kháng chiến vẫn hay đến nhà chị bàn bạc công tác với anh Dương, chị thường cơm nước phục dịch  ăn uống, vậy mà bây giờ nó theo giặc quay lại chống phá Cách mạng, để nó nhận ra báo giặc thì nguy. May mà lúc ấy nó cũng say, nên chẳng ai để ý.

… Chị Lý nói lại tình hình của những thôn chị đã vào ăn mày, chỉ ra những tên tề ác ôn và bọn bảo an phản động, nói rõ hành động do thám của bọn chỉ điểm ngầm và những địa điểm đồn bốt mà địch cài cắm tại các làng. Bao nhiêu tin tức quan trọng và sốt dẻo mà lâu nay cán bộ nằm vùng chưa thấy hết. Nghe chị các cán bộ vội trao đổi và bàn kế hoạch báo cáo với cấp trên, kế hoạch gây lại cơ sở, diệt tề gian ác, gây dựng lại phong trào. Và, sau bữa ăn  cỗ tết ông Công, chị Lý lại tất tưởi mang 2 con nhỏ quay trở lại  làng. Lần này, với nhiệm vụ được tổ chức giao phó.

*

         Ngay Tết Canh Dần năm ấy, truyền đơn khẩu hiệu, thư chúc Tết của Bác Hồ lai tung bay trong các làng Tề. Và chỉ hai tháng sau, một loạt  các tên tề gian ác, hàng chục tên chỉ điểm ngầm ở các thôn xóm thuộc các xã Tân Tiến, Long Hưng bị tiêu diệt hoặc bị bắt đi. Cuộc tổng phá tề đã quét cơ bản cơ sở của giặc  trong toàn huyện, khiến lũ giặc hoang mang lúng túng.

Trong công tích kháng chiến chung ấy, ít người biết được  công lao của mẹ con người ăn mày âm thầm đi tìm cán bộ, móc nối cơ sở cách mạng trong vùng địch chiếm.

*

         Chị Lý tên đầy đủ là Đàm Thị Lý, người thôn Hòa Bình Thượng, vợ đồng chí Bùi Thiện Dương, Chủ tịch xã Tân Tiến. Khi kháng chiến chống thực dân Pháp hành công, chị trở thành Huyện Hội phó Phụ nữ Văn Giang (thời  kỳ 1954- 1956). Mỗi khi nhắc lại chuyện xưa, chị chỉ cười và nói: “Sống cùng với kẻ địch lúc nào chúng cũng rình rập để bắt giết cán bộ đằng mình, không biến báo linh hoạt thì làm sao mà dò xét được những âm mưu thâm hiểm của chúng. Việc đi ăn mày để tìm cán bộ của tôi chính là thấy cách của lũ Phòng Nhì tung một loạt  nữ chỉ điểm đi ăn xin để do thám cơ sở kháng chiến, ta lấy mưu địch đánh lại địch cũng là thích hợp chứ  sao?”

Đông Trang

Tin liên quan