KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Lý luận Chính trị - Lịch sử Đảng
Đăng ngày: 01/04/2025 - Lượt xem: 14
Ngày 1/4/1975: Giải phóng Phú Yên, Bộ Chính trị chỉ thị "trận quyết chiến chiến lược cuối cùng đã bắt đầu"

Trưa 1/4/1975, thị xã Tuy Hòa và toàn tỉnh Phú Yên đã được giải phóng. Bộ Chính trị chỉ thị: “Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu”. Quân đoàn 1 xuất phát hành quân thần tốc vào nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương duyệt phương án tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh (Hà Nội, 4/1975). (Ảnh: TTXVN)

Tại Phú Yên, 5 giờ sáng 1/4/1975, trận tiến công giải phóng thị xã Tuy Hòa của các đơn vị ta bắt đầu. Pháo 105 ly, súng cối 120 ly của ta đặt ở Hòa Thắng bắn mạnh làm tê liệt các trận địa pháo của địch. Cùng lúc xe tăng ta theo đường số 7 chi viện cho Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 2 đánh chiếm các mục tiêu cầu Ông Chừ, cầu Đà Rằng và Nhạn Tháp.

Tới 5 giờ 45 phút, đơn vị đánh chiếm xóm Đạo, sân bay, phát triển theo đường 6, đường Lê Lợi chiếm Ty Ngân khố, khu công chức. Hướng bắc thị xã Tuy Hòa, Trung đoàn 64 Sư đoàn 320 đánh chiếm tỉnh đường (cơ quan hành chính của chính quyền Sài Gòn cũ), Ty Cảnh sát, trung đoàn bộ 47, Gò Đá, núi Chóp, Núi Chài. Tiểu đoàn 96, Đại đội 25 và một bộ phận của tiểu đoàn pháo hỗn hợp 189 tiến công địch ở Núi Sầm, Long Tường, xóm Lẫm, Quy Hậu, Phước Khánh, Phước Hậu…

Đến 8 giờ sáng 1/4/1975, bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương ta đã hoàn toàn làm chủ thị xã Tuy Hòa. Phát huy khí thế tiến công thần tốc, bộ đội chủ lực cùng quân và dân địa phương lần lượt giải phóng hầu hết các huyện trong tỉnh như: Tuy An, Sông Cầu, Đồng Xuân. Trưa 1/4/1975, thị xã Tuy Hòa và toàn tỉnh Phú Yên đã được giải phóng.

Tại Khánh Hòa, rạng sáng 1/4/1975, Sư đoàn 10 chia thành nhiều mũi tiến công vào toàn bộ các cụm quân còn lại và Sở chỉ huy Lữ dù 3. Hàng trăm quân địch chạy về phía Tân Lâm, Tân Tử, Đồng Thân (Tây Ninh Hòa) bị du kích và đồng bào địa phương uy hiếp. Một số ra hàng, một số chạy qua Quốc lộ 1 về phía Hòn Khói. Ta tiêu diệt và bắt sống lực lượng còn lại của Lữ đoàn dù 3, thu toàn bộ vũ khí, xe pháo, đạn dược, phá tan “chốt chặn” đèo Phượng Hoàng, mở thông cánh cửa xuống vùng đồng bằng ven biển.

Quân địch ở Trung tâm huấn luyện Lam Sơn, biệt động quân và pháo binh ở Dục Mỹ hốt hoảng rút chạy qua thị trấn Vạn Giã. Các đơn vị vũ trang của ta tiếp tục tiến công tuyến phòng thủ phía tây Ninh Hòa của địch, giải phóng đại bộ phận vùng nông thôn và thị trấn Vạn Giã của Ninh Hòa.

Đêm 1/4/1975, quân địch ở Đà Lạt và toàn tỉnh Tuyên Đức hốt hoảng rút chạy về Phan Rang.

Trên hướng Chơn Thành-Đường 13 (Bình Long, nay thuộc Bình Phước), đối phó với cuộc tiến công chi khu Chơn Thành của ta, chiều 1/4/1975, quân địch điều chiến đoàn 315 lên chi viện song cũng không giữ nổi căn cứ, buộc phải rút chạy. Sư đoàn 9 Binh đoàn Cửu Long của ta được lệnh truy kích địch rút chạy.

14 giờ, ngày 1/4/1975, Bộ Chính trị điện cho các đồng chí Phạm Hùng, Lê Đức Thọ và Văn Tiến Dũng, nhấn mạnh: Thời cơ để mở tổng tiến công và nổi dậy tại Sài Gòn-Gia Định đã chín muồi. Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu... Phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm... Phải hành động “thần tốc, táo bạo, bất ngờ”...

Cùng ngày, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tư lệnh điện cho các đồng chí Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng, Trần Văn Trà nói rõ ý kiến của Bộ Chính trị về nhận định, thời cơ và phương án giải phóng Sài Gòn-Gia Định theo phương châm “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” để chiến trường kịp nghiên cứu và hành động.

Đầu tháng 4/1975, theo lệnh của Bộ Tư lệnh Trường Sơn, Sư đoàn ô-tô 471 tổ chức trinh sát, xác định bàn đạp, cung độ để chạy Đường 14, trả hàng tại Bù Na, Đồng Xoài; nhận nhiệm vụ tập trung cơ động lực lượng Quân đoàn 3 vào Nam Bộ và vận chuyển 6.100 tấn đạn hỏa lực cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định.

Ngày 1/4/1975, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 cùng thủ trưởng các đơn vị, cơ quan họp bàn biện pháp hành quân thần tốc vào tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn theo lệnh của Bộ. Trong ngày, Sư đoàn 312, các đơn vị binh chủng và sở chỉ huy cơ bản của binh đoàn xuất phát hành quân với phương tiện cơ giới của Quân đoàn cùng hơn 1.000 xe vận tải của Tổng cục Hậu cần và Sư đoàn 571 Bộ Tư lệnh Trường Sơn.

Tại thành phố Đà Nẵng vừa giải phóng, Quân đoàn 2 nhận lệnh của Bộ để lại một bộ phận giữ vùng mới giải phóng, số còn lại cơ động vào nam tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Tuy nhiên, theo nguyện vọng của đa số anh em muốn được vào nam tham gia chiến đấu, chỉ huy đơn vị đã đề đạt yêu cầu trên lên Bộ Quốc phòng.

Nguồn: https://nhandan.vn/

Tin liên quan