Ngày 25/4/1975, ta giải phóng đảo Sơn Ca trong quần đảo Trường Sa. Các cánh quân chủ lực áp sát Sài Gòn-Gia Định trên năm hướng, sẵn sàng nổ súng mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Lực lượng Đặc công hải quân Đoàn 126 tiến công giải phóng đảo Sơn Ca, quần đảo Trường Sa, ngày 25/4/1975. (Ảnh: Lê Nhật/TTXVN)
0 giờ 30 phút ngày 25/4/1975, thực hiện nhiệm vụ giải phóng các đảo trong quần đảo Trường Sa, lực lượng đổ bộ (Phân đội 2 Đoàn C75) do Thiếu úy Đỗ Viết Cường chỉ huy đã lên được đảo Sơn Ca.
Sau khi trinh sát nắm chắc mục tiêu, đúng 2 giờ 30 phút ngày 25/4/1975, trận tiến công giải phóng đảo Sơn Ca bắt đầu. Các mũi tiến công của ta đồng loạt nổ súng. Địch hoàn toàn bất ngờ, chống trả yếu ớt rồi bỏ chạy; đến 3 giờ, ta làm chủ hoàn toàn đảo Sơn Ca.
Ngày 25/4/1975, tại Sở Chỉ huy Quân đoàn 1 đóng ở Rạch Bé, Bộ Tư lệnh Quân đoàn tổ chức phổ biến quyết tâm chiến đấu đã được Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh phê chuẩn và giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị.
Thiếu tướng Nguyễn Hòa - Tư lệnh Quân đoàn ra chỉ thị hiệp đồng trên sa bàn cho chỉ huy các đơn vị bộ binh và quân chủng. Bắt đầu từ ngày 25/4/1975, Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 27 Sư đoàn 320 bắt đầu cơ động lực lượng về Lái Thiêu.
Cùng ngày, trên hướng hoạt động của Quân đoàn 3, phát hiện thấy Sư đoàn 25 Việt Nam Cộng hòa có dấu hiệu rút về Đồng Dù, Hoóc Môn, Bộ Tư lệnh Quân đoàn ra lệnh cho Sư đoàn 316 đưa toàn bộ lực lượng ra ngăn chặn giam chân địch. Trung đoàn 149 cắt đứt Đường số 1 ở đông Trảng Bàng, vây chặt và sẵn sàng tiến công địch ở căn cứ này. Trung đoàn 174 cắt Đường số 1 ở khu vực Phước Mỹ sẵn sàng đánh chiếm căn cứ Phước Mỹ.
Cũng từ ngày 25 (cho đến 27/4/1975), pháo binh Quân đoàn 3 đã bắn phá mạnh vào các trận địa pháo địch ở Đồng Dù, Phước Mỹ, Đồng Chùa, Trảng Bàng, Gò Dầu Hạ, Bến Kho, Khiêm Hạnh.
Khu ủy Tây Nam Bộ đang họp thì nhận được điện của Trung ương Cục: Lệnh mở đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh, tiến công vào Sài Gòn, bắt đầu từ ngày 26/4/1975. Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu Tây Nam Bộ lệnh cho các đơn vị, địa phương tổng tiến công và nổi dậy giải phóng quê hương. Giờ hành động: 0 giờ ngày 30/4/1975.
Trong 11 ngày chuẩn bị nước rút cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, hậu cần chiến lược Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã khai thác, vận chuyển được 24.000 tấn vũ khí, 25.000 tấn lương thực, thực phẩm, 1.000 tấn thuốc, 1.000 tấn xăng dầu; tổ chức 5 trạm trung tu, 10 trạm sửa chữa pháo và xe tăng phục vụ cơ động cho chiến dịch.
Đặc biệt, trong những ngày chuẩn bị sát nút chiến dịch, hậu cần Miền đã đưa 10.000 người từ tuyến sau lên tổ chức thành 8 tiểu đoàn cơ động và huy động gần 4.000 xe vận tải các loại, 656 thuyền máy, ca nô, 1.736 xe đạp thồ, 63.342 dân công hỏa tuyến, thành lập 15 bệnh viện dã chiến, 17 đội điều trị, với trên 10.000 giường để phục vụ bộ đội.
Chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, các cơ quan phân xưởng của Quân giới B.2 đã dồn hết khả năng nhân lực và trang thiết bị tập trung sản xuất hai loại vũ khí có nhu cầu lớn cho tác chiến lúc này là mìn định hướng và bộc phá phá rào.
Thực hiện mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Miền, phòng quân giới Miền đã chỉ đạo các xưởng trực thuộc tổ chức một đợt sản xuất cao điểm 20 ngày từ ngày 5 đến 25/4/1975 sản xuất được 6.809 quả bộc phá phá rào và 3.621 quả mìn định hướng MĐH10.
Từ ngày 20 đến ngày 25/4/1975, dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh chiến dịch các Quân đoàn chủ lực 1, 2, 3, 4 và Đoàn 232 đã áp sát Sài Gòn-Gia Định trên năm hướng, sẵn sàng nổ súng mở màn cho trận quyết chiến chiến lược lịch sử - Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Nguồn: https://nhandan.vn/