Ngày 30/4/1975, dấu mốc chói lọi trong lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam - Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng ấy là kết quả của biết bao hy sinh, không chỉ của những người trực tiếp cầm súng nơi chiến trường ác liệt, mà còn của những lực lượng âm thầm đóng góp phía sau, từ chiến sĩ văn công, nhà báo chiến trường, dân công hỏa tuyến cho đến những người mẹ, người chị nơi hậu phương. 50 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về những ngày đầu đất nước thống nhất vẫn luôn vẹn nguyên trong trái tim của những người từng sống và chứng kiến thời khắc lịch sử ấy.

Trung đoàn phó Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 Phạm Xuân Thệ (bên phải) tham gia đưa Tổng thống Dương Văn Minh và Nội các ra Đài phát thanh Sài Gòn đọc tuyên bố đầu hàng. (Ảnh: NGỌC ĐẢN)
Năm 1972, nhà báo Đậu Ngọc Đản là một trong 53 người được tuyển chọn vào lớp phóng viên chiến trường của Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị. Vào thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, ông đã lăn lộn tại đây hơn 20 ngày đêm.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, ông cùng với các đồng nghiệp chứng kiến thời khắc giải phóng thành phố Huế ngày 26/3. Đi xe máy vượt đèo Hải Vân, ngày 29/3 ông có mặt ở Đà Nẵng. Ngày 29/4 có mặt ở Xuân Lộc, ngoại vi Sài Gòn, nhà báo Ngọc Đản gặp đồng chí Hồng Cư, Cục trưởng Cục Văn hóa của Tổng cục Chính trị và Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 2 lúc đó là đồng chí Lê Khả Phiêu, được các ông trực tiếp giao nhiệm vụ đi ngay vào Sài Gòn.
Nhà báo Ngọc Đản nhớ lại: Lúc đó tôi đi theo đội hình hành quân của Trung đoàn 66, Sư đoàn 304. Sau đó gặp và bám xe tăng thứ tư của Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203. Đơn vị đã chiến đấu trận cuối cùng ác liệt ở cầu Sài Gòn và chọc thủng được phòng tuyến của địch ở phía bắc cầu, đoàn xe tăng tiến thẳng vào Dinh Độc Lập.
11 giờ 24 phút ngày 30/4, tôi và đồng nghiệp Hoàng Thiểm có mặt trước Dinh Độc Lập. Chọn đúng thời cơ, trong những giây phút đầu tiên đó, tôi đã nhanh chóng ghi lại được những tấm hình lịch sử: Ông Dương Văn Minh đầu hàng đang bước xuống bậc tam cấp theo sự quản lý của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 304, Lữ đoàn 203; hình ảnh Trung đoàn phó Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 Phạm Xuân Thệ; chân dung Đại đội trưởng Bùi Quang Thận từ xe tăng 843 chạy lên tầng thượng của Dinh Độc Lập cắm lá cờ Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi cũng đã ghi được lại cả những nhân chứng sự kiện xe tăng 390 với sự có mặt của nữ nhà báo Pháp; nữ biệt động Nguyễn Trung Kiên (tức cô Nhíp) dẫn đầu chiếc xe tăng đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất…
Chụp được những bức ảnh lịch sử quý báu, nhưng chuyển ra Hà Nội ngay lúc đó mới là công việc cực kỳ khó khăn và đầy thử thách. Tình thế gấp gáp, nhà báo Ngọc Đản nghĩ ngay đến việc nhờ những người lính của chính quyền Sài Gòn có mặt trong Dinh Độc Lập. “Lúc đó là anh Võ Cự Long (sĩ quan lái xe dẫn đường của chính quyền Sài Gòn) xung phong đưa tôi và nhà báo Hoàng Thiểm về Đà Nẵng. Xe đi suốt không nghỉ, tới ngày 2/5/1975 về đến sân bay Đà Nẵng. Ngay buổi trưa hôm đó, nhà báo Hoàng Thiểm theo máy bay quân sự đưa tài liệu ra Hà Nội. Có được những thước phim vô cùng quý giá ấy, Báo Nhân Dân và Báo Quân đội nhân dân ngày 3/5/1975 đã đăng những hình ảnh về giờ phút lịch sử ngày 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập”, Nhà báo Ngọc Đản chia sẻ.
Ngày 30/4/1975, dấu mốc chói lọi trong lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam - Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng ấy là kết quả của biết bao hy sinh, không chỉ của những người trực tiếp cầm súng nơi chiến trường ác liệt, mà còn của những lực lượng âm thầm đóng góp phía sau, từ chiến sĩ văn công, nhà báo chiến trường, dân công hỏa tuyến cho đến những người mẹ, người chị nơi hậu phương. 50 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về những ngày đầu đất nước thống nhất vẫn luôn vẹn nguyên trong trái tim của những người từng sống và chứng kiến thời khắc lịch sử ấy.
50 năm đã trôi qua, mỗi khi nhớ lại, nhà báo Ngọc Đản cho rằng số phận quá ưu ái ông khi được là một trong hai nhà báo miền bắc đầu tiên có mặt trong giây phút lịch sử năm ấy. Để giờ đây, những bức ảnh đó của ông đã trở thành tư liệu lịch sử vô giá của cách mạng Việt Nam.
Ngoài các phóng viên chiến trường, những người chiến sĩ văn công cũng là lực lượng đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng vang dội ngày 30/4/1975. Không trực tiếp chiến đấu, nhưng bằng lời ca, tiếng hát, họ đã tiếp thêm tinh thần, cổ vũ ý chí và lan tỏa niềm tin chiến thắng tới hàng triệu người dân và chiến sĩ khắp mọi miền Tổ quốc.
Ông Nguyễn Văn Vạn, nguyên là chiến sĩ văn công của Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị, đi biểu diễn phục vụ bộ đội trên hầu khắp các chiến trường. Trong ký ức không thể phai mờ của ông, được biểu diễn trong những ngày đầu đất nước thống nhất là một dấu mốc thiêng liêng, đầy xúc động.
Ông Vạn cho biết : Trưa 30/4/1975, đoàn chúng tôi đang ở tại Mai Dịch. Đồng chí trưởng đoàn họp trên Tổng cục về báo tin Sài Gòn giải phóng rồi. Lúc đó mọi người đổ xô xuống dưới sân reo hò. Có người vác nồi chảo ra gõ. Tất cả đều hân hoan vỡ òa sau bao năm tháng chờ đợi. Sau đó, tất cả mọi người quên cả ăn, cùng chạy ra đường phố hòa vào không khí tưng bừng cờ hoa. Hầu như người Hà Nội chẳng ai ở trong nhà, mọi người kéo nhau đổ dồn về Bờ Hồ, Quảng trường Ba Đình. Ai nấy đều vui mừng vì bắc nam đã thống nhất.
Ngay sau đó, Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị nhận được lệnh vào Nam để biểu diễn chào mừng giải phóng và phục vụ nhân dân. “Có mặt ở Sài Gòn những ngày đầu thống nhất, chúng tôi chọn những bộ trang phục đẹp nhất để mặc. Nhân dân đổ ra đường xem rất đông, ai cũng khen văn công cách mạng đẹp. Chúng tôi biểu diễn ở Quân khu 7, diễn nhiều đêm ở rạp Quốc Thanh, rạp Trần Hưng Ðạo và nhiều địa điểm khác trong thành phố phục vụ nhân dân. Những bài hát ca ngợi quê hương, đất nước, Bác Hồ như: Giải phóng miền Nam, Chào anh giải phóng quân, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người… được cất lên vang dội giữa khung cảnh hòa bình vừa mới được tái lập. Đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể quên được sự chào đón nồng nhiệt, ấm áp mà người dân Sài Gòn dành cho các nghệ sĩ miền bắc, như gặp lại những người thân ruột thịt sau bao năm xa cách”, ông Nguyễn Văn Vạn nhớ lại.
Một trong những kỷ niệm xúc động nhất với ông là buổi biểu diễn tại rạp Quốc Thanh, phục vụ các cựu tù Côn Đảo mới trở về. “Tôi nhớ lúc đó trong đoàn có anh Lê Quang Vịnh, người được mệnh danh là 'huyền thoại Côn Đảo'. Chúng tôi biểu diễn tiết mục cuối là bài hát Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Khi những câu hát vang lên, cả khán phòng cùng vỗ tay theo rất khí thế. Nhưng khi kết thúc, các anh đã không kìm được sự xúc động, tràn lên sân khấu ôm chúng tôi, những giọt nước mắt hạnh phúc, cùng những tiếng hát hòa quyện vào nhau như lời khẳng định về một dân tộc bất khuất, về một chiến thắng không gì sánh bằng”.
Sau khi biểu diễn ở Sài Gòn, ông Nguyễn Văn Vạn cùng đoàn đi biểu diễn phục vụ nhân dân ở các tỉnh phía nam.
Nguồn: https://nhandan.vn/