KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tác phẩm văn học nghệ thuật
Đăng ngày: 04/03/2019 - Lượt xem: 195
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Hải: “Duyên nghề” từ tình yêu quê hương

Bùi Minh Hải sinh năm 1983 tại Phố Hiến, Hưng Yên - vùng đất giàu truyền thống văn hiến và cách mạng, từng nổi danh “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Từ thuở ấu thơ, anh đã được đắm mình trong bề dày văn hóa, lịch sử của quê hương với hệ thống những đình, đền, chùa rất nổi tiếng như chùa Chuông, Đền Mẫu, đền Trần, đình – chùa Hiến, Đông Đô – Quảng Hội; với biết bao lễ hội truyền thống đặc sắc như lễ hội văn hóa dân gian vùng Phố Hiến và nhiều đặc sản đất trời ưu ái dành riêng cho mảnh đất Hưng Yên như nhãn lồng Phố Hiến, sen Hồng Nam, trầu cau Phương Độ…

Khi trưởng thành, anh may mắn được công tác tại Hội Văn học - nghệ thuật Hưng Yên - ngôi nhà chung của các văn nghệ sĩ đất nhãn. Tình yêu và đam mê cái đẹp của chàng trai lớn lên từ đậm đà phù sa châu thổ sông Hồng mỗi ngày càng trỗi dậy. Từng tháp tùng lãnh đạo Hội, theo chân các nghệ sĩ rong ruổi khắp thôn cùng ngõ hẻm, từ Bắc tới Nam tỉnh, đâu đâu cũng lấp lánh sắc màu, hấp dẫn và lôi cuốn đến khó cưỡng. Không biết khi nào, chiếc máy ảnh đã trở thành người bạn bất ly thân của Hải trong mỗi chuyến công tác, mỗi cuộc hành trình.

NSNA Vũ Quốc Khánh - Chủ tịch Hội NSNAVN và đồng chí Trần Đăng Tuấn - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh trao giải Nhất cho tác giả Bùi Minh Hải

Như biết bao người trẻ tuổi khác, để sống trọn vẹn cho đam mê là điều không đơn giản. Quỹ thời gian của Hải dường như thật khó tìm được khoảng thời gian rảnh rỗi khi anh vừa là tổ trưởng tổ Hành chính của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, kiêm nhiệm công tác chế bản tạp chí Phố Hiến, vừa là ông chủ trang trại với vườn cây ăn quả và cây cảnh rộng gần 4.000 m2, cùng đàn gà gần 100 con và quản lý 3 cơ sở mầm non do vợ trực tiếp giảng dạy và phụ trách. Bận rộn là vậy nhưng niềm đam mê nhiếp ảnh luôn cháy bỏng trong anh, thôi thúc anh tìm mọi cơ hội chớp lại những khoảnh khắc tuyệt diệu của quê hương yêu dấu. Sau một thời gian gắn bó với chiếc máy ảnh, trực giác mách bảo cho anh những thời điểm “vàng” về ánh sáng cho một bức ảnh, đó là vào lúc bình minh, mặt trời bắt đầu ló rạng hay buổi chiều tà, hoàng hôn buông xuống. Vậy là, cứ 4 – 5 giờ sáng và 5 – 7 giờ chiều, anh lại lặng lẽ lên đường, kiên nhẫn, miệt mài thu vào khung hình muôn vàn vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên, người lao động.

Điều dễ cảm nhận là hầu hết các sáng tác của Bùi Minh Hải thường tập trung ở đề tài người lao động xứ nhãn. Nếu như thi nhân đãi cả tấn quặng ngôn từ để tìm ra những ngôn từ mĩ miều tụng ca về nhãn ngọt, sen bùi, câu hát chèo ngọt ngào say đắm, tiếng trống quân mời gọi thiết tha của người em gái “mắt đen hạt nhãn”, thì nghệ sĩ trẻ Bùi Hải cũng không kém những gian nan, lao tâm khổ tứ chọn từng góc độ ánh sáng, bố cục để có được khung hình ưng ý. Ví như để có được những tác phẩm về sen, Hải đã phải kỳ công ngồi “rình” cho được khoảnh khắc cụ bà xõa tóc giữa lãng đãng khói sương buổi sáng sớm (tầm 4 giờ rưỡi sáng). Hay một buổi dụng công tìm cho được chiếc cầu ao bắc gỗ độc mộc hiếm hoi còn sót lại ở chợ Hàng Dầu, đợi chính giữa mùa sen, thu trọn vẹn khuôn hình một bà cụ đang cắm hoa sen vào bình để thắp hương. Giữa xanh mát những lá sen tròn là hồng thắm hoa sen, e ấp nụ sen, thấp thoáng bóng bà cụ và những nụ sen phản chiếu dưới làn nước trong văn vắt, cách biệt chỉ bởi một chiếc cầu gỗ mỏng manh mà bức ảnh lại gợi thật nhiều điều, có giá trị kết nối hai thế giới hiện thực với tâm linh qua hành động của đẹp đẽ, thơm thảo của bà cụ. Rồi bức ảnh Vào vụ sen cũng vậy. Không phải tự nhiên các chị, các cô công nhân thu hoạch sen ngồi sẵn ở đó với từng thau sen trắng muốt, ngọc ngà để người nghệ sĩ chỉ việc chụp “tách, tách”. Phát hiện ra vẻ đẹp, nhưng phải qua trau chuốt, bố cục lại để đạt được ý đồ, anh sẵn sàng “nhờ vả”, lăn xả vận chuyển, sắp xếp lại sao cho thật bắt mắt, rồi mới mải miết bấm máy, lưu giữ, trân trọng từng phút giây thật đẹp của người lao động. Đối với tác phẩm Tương bần, Bùi Hải lại chọn một cách thật khác để nắm bắt được trọn vẹn vẻ đẹp của một làng nghề truyền thống. Đó là vội vã leo lên tận trên nóc nhà xưởng, đu mình trên téc nước chênh vênh để có được vị trí tốt nhất. Sản phẩm thu được từ ý tưởng, sáng tạo và không ngại hiểm nguy của người nghệ sĩ là bức hình vừa chân thực, vừa tràn đầy ánh sáng, màu sắc và sức sống, sự no ấm khi những người công nhân đang khuấy tương, một công đoạn quan trọng để tương Bần có độ sánh vàng như mật, ngọt thơm như lúa.

Sống trọn với đam mê nhiếp ảnh, miệt mài tìm kiếm, sáng tạo từ chất liệu cuộc sống quê hương đã cho Bùi Minh Hải thật nhiều “lộc nghề”. Đó chính là những sáng tác được đánh giá cao nhưng Bùi Minh Hải lại không mất quá nhiều công sức. Ý tưởng đến thật nhanh, chỉ cần anh vội vã chớp lấy là dường như đã quá đủ. Đó là buổi anh cùng nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Hào xuống vườn mua nhãn làm quà biếu, trong tay thiếu chiếc máy ảnh quen thuộc. Nhưng hình ảnh đại gia đình nông dân quây quần bên cây nhãn sai quả, xung quanh la liệt nhãn đã thu  hoạch khiến anh chỉ kịp chạy đi mượn máy ảnh của một đồng nghiệp để kịp lưu giữ hình ảnh một vụ mùa bội thu, trong tình cảm ấm áp, yêu thương và những nụ cười hạnh phúc giữa các thế hệ. Chắc chắn một điều, khi chụp những tấm hình cho thỏa lòng đam mê, yêu mến cái đẹp ấy, nghệ sĩ nhiếp ảnh Minh Hải không ngờ rằng, đó lại là cơ duyên để anh được vinh danh cao nhất trong cuộc thi ảnh du lịch Hưng Yên.

Cứ thế, với tình yêu, niềm tự hào về quê hương, trái tim, trực giác của người nghệ sĩ trẻ thường xuyên rung lên những xúc cảm nghệ thuật. Trong vô số xúc cảm ấy, đã đọng lại thật nhiều trên mỗi bức hình rực rỡ sắc màu, rộn rã âm thanh về nhịp điệu cuộc sống. Đây con đường ngập đầy hoa xoan, người nông dân rảo chân đạp chiếc xe chở đầy đó về; kia bãi sông tràn đầy hoa cát, ở phía xa con đợi cha tung lưới đón mặt trời, đón cả mẻ cá tôm no ấm tương lai; và đây cây đa cổ thụ, rễ khổng lồ rẽ nhánh dẫn vào ngôi miếu thờ khắc khoải nhớ ông cha... Còn rất nhiều những sáng tác đẹp, lạ và ấm áp tình đời, tình người đã được nghệ sĩ trẻ Minh Hải giới thiệu với công chúng trong khoảng thời gian rất ngắn, năm 2017 – 2018. Và cũng trong khoảng ấy thời gian, anh em bạn hữu mừng cho anh khi liên tiếp gặt hái thành công, tới mức ngay cả những nghệ sĩ kỳ cựu cũng không dễ gì đạt được.

Chỉ tính riêng trong năm 2017, Minh Hải đã đạt 1 giải khuyến khích giải thưởng văn học - nghệ thuật của Ủy ban toàn quốc liên hiệp các hội văn học - nghệ thuật Việt Nam; có 2 tác phẩm treo tại cuộc thi ảnh quốc tế lần thứ 9 tại Việt Nam; 1 tác phẩm treo tại triển lãm Nhiếp ảnh trẻ do Bộ Văn hóa – Thể thao và du lịch phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức; 1 tác phẩm treo tại triển lãm Môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức với sự bảo trợ của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam; 1 giải nhất (Nhãn lồng Phố Hiến),1 giải nhì (Tương Bần) cùng với 10/94 bức ảnh được chọn treo trong cuộc thi Ảnh du lịch Hưng Yên do Sở Văn hóa - Thể thao và du lịch Hưng Yên tổ chức.

Bước sang năm 2018, Bùi Minh Hải tự tin thử sức mình ở sân chơi rộng hơn. Anh đã gửi một số tác phẩm sáng tác về quê hương Hưng Yên ra khu vực và quốc tế. Tin vui liên tiếp đánh dấu sự trưởng thành của tài năng nhiếp ảnh trẻ Hưng Yên, từ năm 2017 đến năm 2018, Bùi Minh Hải đã có hơn 40 tác phẩm được chọn treo và nhận được giải thưởng của 20 cuộc thi ảnh tại nhiều quốc gia trên thế giới do Liên đoàn nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế (FIAP) tổ chức như Ấn Độ, Phần Lan, Ba Lan, Bungari, Bỉ… với các tác phẩm tiêu biểu như: Nhịp điệu ngày mùa, Ao sen, Ngư cụ đánh cá, Mùa lũ lụt, Phố Hiến vào xuân, Hương sen, Tương Bần. Đáng chú ý, tác phẩm Nhịp điệu ngày mùa của anh đã đạt Huy chương bạc quốc tế tại Serbia và Mông Techno, tác phẩm Ngư cụ đánh cá đã được triển lãm và trao huy chương đồng tại quốc gia Ấn Độ do Liên đoàn Nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế (FIAP) tổ chức.

Đam mê với nghề, cháy hết mình cho những bức ảnh đẹp và sáng tạo, bứt phá, dám thử thách mình ở môi trường mới, rộng lớn và chuyên nghiệp, chàng trai trẻ với vẻ bề ngoài giản dị, mộc mạc như màu đất Hưng Yên Bùi Hải vừa vinh dự được trao tặng tước hiệu nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam do Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam trao tặng (nghệ sĩ trẻ đầu tiên của Việt Nam được phong tước hiệu nghệ sĩ nhiếp ảnh trong vòng một năm). Trong niềm vui sướng, tự hào và cả áp lực không nhỏ của một người trẻ có “duyên” với nhiều giải thưởng ở Việt Nam và quốc tế, Bùi Hải càng tự nhủ với bản thân rằng cứ đi, cứ cảm nhận và cứ chụp, không cần mong cầu điều gì, thành quả rồi sẽ tự đến, như giọt nước nhỏ bé, sẽ lấp lánh sắc cầu vồng khi phản chiếu ánh mặt trời rạng rỡ.

Thanh Mai

 

Tin liên quan