KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tác phẩm văn học nghệ thuật
Đăng ngày: 09/02/2016 - Lượt xem: 156
Nhớ mãi tết quê xưa

Năm nào cũng vậy, khi những cơn gió đông oằn mình biến mất, mang cái rét cắt da cắt thịt đi theo để nhường chỗ cho những cơn mưa lất phất, những tia nắng ấm áp, dịu ngọt của mùa xuân…tôi lại nôn nao nhớ về những cái Tết quê thuở thiếu thời. Hương Tết quê nhà đã trở thành kỷ niệm không thể nào quên…Bao năm xa quê, nhưng mỗi khi Tết đến, Xuân về lòng tôi lại rạo rực một niềm vui khó tả. Đó là niềm vui được về quê nghỉ Tết. Cũng như bao làng quê Việt Nam khác, xưa quê tôi còn nghèo. Để có ba ngày Tết, dân làng nhà nào, nhà nấy đểu phải dành dụm, chắt chiu gần như cả năm trời.

Mới từ cuối tháng 11 âm lịch, hàng xóm đã í ới rủ nhau đi chợ sắm Tết. Việc đầu tiên là phải mua gạo nếp, đỗ xanh để chuẩn bị cho nồi bánh chưng, mua vài cân mật gói bọc cẩn thận cất đi để nấu chè kho, vài quả gấc treo gác bếp để đồ xôi. Sau đó là việc cả xóm bàn nhau “ăn đụng” một con lợn vài chục cân, hoặc luộc chung nồi bánh chưng, chia nhau nắm lá dong, bó lạt. Tuy nghèo nhưng quan hệ họ hàng, tình làng nghĩa xóm bền chặt, mọi người yêu thương đùm bọc nhau. Đó là truyền thống được truyền từ đời này qua đời khác và hun đúc nên cái gọi là nếp sống văn hóa, truyền thống văn hóa; là cội nguồn sức mạnh của nông thôn, giúp nông dân xưa vượt qua khó khăn, đói nghèo.
Từ 20 tháng Chạp trở đi, công việc đồng áng coi như hoàn tất, nhà nào chưa xong thì cũng tạm gác lại, bởi công việc chuẩn bị cho cái Tết khá tất bật. Nào là sửa sang, trang hoàng nhà cửa, giặt giũ chăn màn, gối chiếu, quét dọn vườn tược, tập trung vệ sinh đường làng, ngõ xóm, cắt lá chuối khô để gói bánh tẻ, cắt bẹ cây chuối để quét vôi… Nhìn thấy cây trong vườn “thay áo mới”, lá cờ tổ quốc bay phần phật cùng những cây nêu được dựng lên là thấy Tết đến gần lắm rồi!
Không khí Tết bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, cúng ông Công ông Táo lên chầu Trời. Từ 25 tháng chạp trở đi đã rộn rã, cả làng đã nghe tiếng mổ lợn lấy thịt cúng tất niên kêu eng éc. Lắm đêm đang ngủ cũng giật mình tỉnh giấc bởi tiếng lợn kêu, tiếng giã giò kỳ cạch. Những nhà có ao, đầm còn tất bật với việc tát vét cá bán cho dân làng. Dù giàu hay nghèo thì nhà nào cũng phải có nồi cá kho, vại dưa hành, vài đĩa chè kho, mẻ kẹo lạc hay mứt táo, mứt dừa…Không phải món chính, nhưng trên mâm cỗ ngày Tết không thể thiếu món này, nên ngày xưa nó được xếp vào sáu loại phẩm vật đặc trưng của Tết: "Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh/Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”.
Nhớ nhất là lúc còn bé, năm nào tôi cũng lũn cũn theo mẹ cầm rổ rá, nồi xoong đi chia thịt lợn đụng. Đặc biệt là mấy ngày cuối cùng của năm cũ, ngày nào cũng đi chợ. Có hôm đi chợ đến vài lần, đi chẳng để mua gì, chỉ để chơi chợ, ngắm kẻ mua người bán, hoặc mua vài quả pháo lẻ về đốt chơi đì đùng ở sân đình cùng với lũ bạn trong xóm. Chợ quê nhộn nhịp những ngày áp Tết. Cái khoảnh khắc đó đã in sâu trong tiềm thức tôi đến tận bây giờ.
Xưa, quanh năm đói kém, cả năm mới được may bộ quần áo mới vào dịp Tết. Gần Tết nhà nào cũng đầy ắp cá, thịt. Trẻ con chúng tôi đứa nào cũng mong Tết lắm, nhất là những ngày giáp Tết ngồi đếm từng đốt ngón tay để mong thời khắc năm cũ qua nhanh. Bởi khi ấy, Tết với chúng tôi là những bữa được được ăn ngon, ăn no, được mặc quần áo mới, được thoải mái vui chơi thật thỏa thích, không phải lo học bài, không phải băm bèo, hái rau lợn (vì thức ăn được chuẩn bị trước cho ba ngày Tết)… Thật là sung sướng! Nhưng với người lớn thì ai ai cũng lo Tết lắm. Nhất là những nhà có nợ, phải lo trả nợ trước năm mới tránh “rông” cả năm.
Các cụ ta có câu: “Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết”. Vậy nên, dù có đói quanh năm thì cũng phải lo cho cái tết được tươm tất. Điều đó được thể hiện ở nồi bánh chưng to để ăn cả ra Giêng khi cày cấy. Công việc đầu tiên của mẹ tôi là chăm chút cho nồi bánh chưng. Mẹ chọn những chiếc lá dong xanh mướt to bản rửa cẩn thận rồi lau sạch và xếp ngay ngắn để bà chuẩn bị gói bánh. Gạo nếp được đãi sạch để trên giàn cho ráo nước. Ngày ấy, cả làng chỉ có vài cái nồi to nên phải luân phiên nhau, nhà luộc ngày, nhà luộc đêm. Nhà tôi thường luộc bánh đêm nên tôi hay phải thức trông bánh cùng mẹ. Đêm đêm, bên bếp lửa hồng, làn khói hòa quyện với gió xuân phấp phới, xạo sục như một đứa trẻ chạy tung tăng rồi tỏa đi khắp hướng làm cay xè cả mắt. Hương vị từ các bếp lửa, từ các loại bánh trái hòa quyện cùng trầm hương lan tỏa khắp thôn xóm.
Thời khắc chờ đón giao thừa đối với mỗi đứa trẻ chúng tôi là một cái gì đó rất đặc biệt. Nằm trên giường, tôi hồi hộp không thể chợp mắt. Chỉ còn vài giờ nữa thôi thì năm mới đã về. Tôi sẽ được mẹ cho mặc bộ áo quần mới đi chúc Tết họ hàng, làng xóm và được người lớn tặng tiền mừng tuổi! Những tờ tiền giấy mới tinh hay những đồng xu nhỏ được bỏ vào phong bao màu đỏ xinh xinh. Sớm mai, còn được theo mẹ đi hái lộc nữa. Người lớn thường nói, năm mới mỗi người hái cho mình một chồi lộc non để cầu mong điều may mắn. Mẹ thường dặn chúng tôi, năm mới “xuất hành” phải đi về hướng Đông-hướng mặt trời mọc. Mẹ cũng dặn, sáng Mùng Một không nên “xông đất” nhà người khác. Nếu lỡ năm ấy, nhà người ta xảy ra chuyện gì thì họ sẽ cho là mình đem điều không tốt đến gia đình họ. Tôi lắng nghe lời mẹ, nhưng rồi đua vui cùng bạn bè, nhiều khi lại quên mất.
Nhớ khi làng xóm chưa có điện thắp sáng, đường làng chưa lát gạch, đổ bê tông. Đêm giao thừa lại càng cơ cực. Ngoài trời tối đen như mực, mưa xuống là làng xóm lầy lội, bùn ngập đến mắt cá chân.
Giờ đây, làng quê tôi đã thay da đổi thịt. Đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa 100%. Nhà cao tầng mọc lên san sát. Điện thắp sáng trưng khắp đường ngang, ngõ dọc chẳng khác gì phố xá. Gần tết là nhà nào nhà nấy trang hoàng lộng lẫy bằng hệ thống đèn lồng, đèn nháy lấp lánh. Từ lương thực, thực phẩm, quần áo, giày dép, hóa mỹ phẩm đến các cửa hàng bán ti vi, đầu màn, điện thoại…từ cao cấp đến bình dân đều có ngay tại làng. Vì thế, tết quê giờ không phải lo đi chợ xa hay dự trữ đồ ăn thức uống như xưa nữa.
Mải mưu sinh nên năm nào tôi cũng bận rộn đến tận 29, 30 Tết. Xong việc là tranh thủ mua sắm, hương khói, thu dọn nhà cửa, cúng thổ công thổ địa rồi vội vã về quê. Có khi về chẳng kịp mua gì, trên tay chỉ có cành đào đang chúm chím cười khoe hương sắc. Ở nhà đã chuẩn bị đầy đủ hết rồi. Không khí ngày cuối năm thật ấm cúng. Bên mâm cơm tất niên, khói trầm hương phảng phất quyện cùng hương thơm hoa trái, ông bà, bố mẹ, con cái tề tụ đầy đủ cùng nâng ly để chia tay năm cũ, chào đón một năm mới với hy vọng mọi điều may mắn, tốt lành. Lại một mùa xuân nữa đang đến với đất trời!

  Mai Diên

 

Tin liên quan