KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tác phẩm văn học nghệ thuật
Đăng ngày: 09/10/2015 - Lượt xem: 164
Tuổi thơ xanh biếc

Theo bài ca tôi về tìm lại Khoảng thời gian xanh biếc dưới cỏ mềm

Sáng nay ngủ dậy sớm hơn mọi ngày, đủ để nhận ra một đốm nhỏ xanh biếc lập loè trên cánh màn đầu giường. Mình khẽ khàng lại gần trong nỗi mơ hồ. Ánh sáng xanh lại lập loè. Một con đom đóm. May mà trời đã sáng, nếu nhìn thấy sớm hơn thì có lẽ mình đã chả có một đêm ngon giấc. Mình mê tín đến mức thế ư? Một mình trước gương, không thể tự quanh co, giấu giếm lòng mình. Đúng, mình sợ một con đom đóm. Chả biết từ bao giờ, hễ nhìn thấy đom đóm thì hẳn nhiên đó phải là một con “đom đóm ma” rồi. Và như một phản ứng phòng vệ, miệng mình sẽ thì thầm cầu trời khấn Phật cho nhà cửa bình yên, tai qua nạn khỏi.

Nhưng hôm nay thì khác. Trời đã sáng rồi. Cái thứ ánh sáng xanh biếc ấy không thể lập loè hù doạ mình thêm được nữa. Con đom đóm yếu ớt không đủ sức bám vào cánh màn, nó rơi xuống đất. Lấy hết can đảm, mình nhặt con đom đóm lên, khẽ khàng đặt nó vào lòng bàn tay. Nhìn rất kỹ. Một con đom đóm rất thật chứ phải đâu là nỗi ám ảnh của bóng vía. Trong giây phút tự tin ngắm con đom đóm nhỏ bé, ký ức tuổi thơ xanh biếc bỗng hiện về…

Ngày ấy, lũ trẻ con chúng mình nhà nào cũng nghèo rớt, ăn còn chả đủ, lấy đâu ra những trò chơi hiện đại, đắt tiền như bây giờ. Thế mà ngày nào cũng là một cuộc phiêu lưu bất tận, tuyệt vời. Mỗi trưa hè râm ran tiếng ve, chỉ đợi cho người lớn ngủ say, bọn chúng mình lại sẽ sàng, rón rén vén tấm mành, rồi chạy tót tới bãi đất trống sau nhà. Lúc ấy, tha hồ mà đùa vui, chạy nhảy, hò hét. Bọn con trai sẽ lăn xả vào các trò chơi quen thuộc đánh bi, đánh đáo, rồi pháo nổ pháo nang, đua xe bọ xít...  Nhưng có lẽ trò đánh khăng là chúng mê hơn cả, đến nỗi quên cả giờ về, bị bố mẹ nhéo tai xách về mới chịu thôi. Chơi khăng chả mất tiền mua đồ chơi. Chỉ một đoạn thân cây đay hay cây muồng tước vỏ trắng phau, tỉ mẩn thì dùng dao chặt làm đôi, ẩu hơn thì bẻ nghéo một nhát cho được hai khúc dài ngắn khác nhau. Rồi một đứa đếm bước chân để vạch đường biên, một đứa hì hục khoét lỗ nhỏ làm lò. Thế là hoàn tất công đoạn chuẩn bị cho một cuộc chơi đầy kịch tính, thậm chí có cả tranh cãi nảy lửa, ẩu đả xây xước chân tay để “bảo vệ công lý” mỗi khi bên đối phương có biểu hiện “ăn gian”. Còn bọn con gái thì say sưa với trò chơi bán hàng, trò đóng giả vợ chồng, chơi chồng nụ chồng hoa, chơi chuyền, chơi nấu cỗ... Cũng lạ, có ai dạy bao giờ mà đứa vào vai bà bán hàng với một đống lá hoa cỏ dại, đứa vào vai người mua với cơ man vụn lá để làm tiền. Vai nào vai nấy ngọt xớt, trơn tru: “Bác ơi, bán cho tôi một mớ rau”, “bác mua rau gì ạ?” “tôi mua rau cải cúc”, “ơ, nhà tôi hết rau ấy rồi, bác mua rau khác đi”, “vâng, thế thì bán cho tôi hai mớ mồng tơi”... Trao qua đổi lại, cuối cùng người bán đưa hàng, người mua móc túi trả tiền và vui vẻ nhận tiền thừa - cũng chỉ bằng lá cây. Rồi chúng mình cũng hì hục bắc ba viên sỏi nhỏ giả làm bếp, lấy mảnh trai làm nồi, lấy que làm đũa, hí hoáy nấu nấu, luộc luộc như mẹ vẫn làm. Rồi cũng mời nhau ăn cơm, tiếng mời mới ngọt làm sao: “Bố cún ơi, cơm chín rồi, về ăn cơm thôi”, “Ừ, chờ một tí nhé, bố về ăn đây”, “ôi ngon quá, thơm quá”...

Ngày ấy, mình cũng quần áo xộc xệch, tóc đỏ hoe, mồ hôi nhễ nhại chạy theo các anh chị lớn đi khắp bãi tha ma, vòng quanh ruộng lúa để bắt cào cào, châu chấu về cải thiện bữa ăn gia đình. Mỗi đứa toòng teng bên hông một cái chai nhỏ có nút. Thấy con nào thì chộp con đấy. Thích nhất là gặp cả một đôi, con đực, con cái cùng bám chặt trên một lá lúa xơ gầy bên bông lúa trĩu hạt. Lúc ấy, ăn chắc bắt được con cái béo mầm, béo ngậy. Cũng nín thở, rón rén lại gần, chộp. Được rồi! Thường là mình nhảy cẫng lên và hò reo ầm ĩ, mặc cho các anh chị mắng mãi cũng không chừa “kêu to quá, cào cào nó sợ, nó bay đi mất” (nhưng nhiều thế, nó có bay đi cũng chả sợ cơ mà?). Nhớ lần đầu tiên anh Hưng “thò lò mũi xanh” có cái vỉ, chỉ cần nhìn thấy lũ cào cào ở xa, đập “chát” một cái, thế là có ngay con cào. Chả cần phải cúi xuống chộp lấy chộp để, rồi nhảy như cào cào khi chộp không trúng. Với phương tiện mới toanh ấy, chiến tích của anh Hưng bỗng “oách” hẳn lên. Rồi sau thì không ai bảo ai mà đứa nào cũng đồng loạt chai vỉ sẵn sàng cho mỗi buổi đi bắt cào cào.

Mùa cào cào hết, đồng ruộng bắt đầu trơ gốc rạ. Lúc ấy, mình lại theo chị nhập cùng đám trẻ xuýt xoa chạy đi mót thóc rụng và cắt rạ về phơi làm chất đốt. Các anh chị lớn quen tay cứ xoèn xoẹt lưỡi liềm, loáng cái đã được một đống to. Còn mình, nhớ sao cái buổi đầu tiên: Cái lưỡi liềm thì cùn lủn còn gốc rạ thì to và cứng ngắc, cứa mãi mà rạ không chịu đứt. Cố gắng lắm mới được một vài gốc. Một lúc thì chán, mình bỏ liềm, cứ lủn củn, lúp cúp quanh chân chị. Muốn rảnh tay, chị năn nỉ anh Đoàn cho mình mượn cái “bếp lò” chơi tạm. Chỉ đợi có thế, mình vồ vội cái bếp quý giá ấy, chu mồm thổi để than hồng rực lên, rồi xoa xoa hai bàn tay vào đó, cho hơi ấm sưởi hai bàn tay lạnh buốt và phồng rộp, rồi hí hửng ngồi chờ một vài hạt thóc nướng đang nở hoa tanh tách, thơm nức. Anh Đoàn kể, để có được cái bếp ấy, anh phải xin mãi mẹ mới cho anh, thôi không lấy vỏ hộp sữa bò để đong gạo nữa. Có nó rồi, anh hì hục đục được một cái lỗ hình vuông nhỏ ở dưới làm cửa lò, rồi kiếm ít dây thép nhỏ buộc làm quai xách và mất mấy buổi đi cậy vỏ nhãn khô để làm than đốt. Mà phải dùng “hà tiện” thôi, không hết đấy. Anh dặn thế, nhưng mình cứ hít hà lấy hơi thổi liên tục, miễn là lửa cháy bùng lên. Giữa tiết đông giá, ngọn lửa nhỏ bùng lên cũng quá đủ để niềm vui ngập đồng, thắp lên ước mơ nhỏ nhoi của tuổi thơ một thời gian khó…

Nhớ sao những buổi trốn bố mẹ đi làm đèn đom đóm. Một đứa canh chừng người lớn, còn thì hì hụi rủ nhau lội xuống ao xắn bùn và đi ghè mảnh chai. Bùn phải dẻo, mịn. Mảnh chai phải vuông vắn thì đèn mới đẹp. Sau một hồi nhào nặn, rồi thì mỗi đứa cũng có một chiếc đèn. Trông này, có khác gì một chiếc vô tuyến truyền hình đâu, hình vuông nhé, có mặt kính trong suốt nhé. Bên trong rỗng, trên đầu có một lỗ nhỏ vừa đủ để đút lọt một con đom đóm. Kết quả thế nào, cứ đợi đến tối sẽ biết thôi mà. Sau bữa ăn tối đầy chộn rộn, bọn trẻ háo hức ra vườn. Trong bóng tối như bưng, những chiếc đèn nhỏ xíu, xanh biếc cứ lập loè, liệng qua liệng lại đầy mời mọc. Mỗi khi bắt được một chú đóm, mình bỏ ngay vào đèn (tất nhiên phải lấy giấy nút lỗ lại kẻo đom đóm bay ra mất). Giờ thì “úm ba la”, hô “biến!”. Kỳ lạ chưa, chiếc đèn với muôn nghìn vì tinh tú, rực rỡ lung linh hiện lên, bí ẩn và huyền hoặc. Những chú đom đóm bị nhốt chung vào một không gian chật chội, càng ra sức toả sáng để niềm vui chúng mình thêm trọn vẹn. Bên chiếc đèn tuyệt đẹp, những buổi tối trôi qua sao mà nhanh đến lạ.

Sau những đêm tối trời, ánh trăng sẽ toả sáng khắp khu tập thể nhỏ của chúng mình. Trong mơn man ánh sáng ấy, dưới sự hướng dẫn của chị Huyền và anh Điệp, bọn chúng mình sẽ được cùng nhau múa hát, đóng kịch. Đứa nào cũng tranh nhau chọn vai hoàng tử, công chúa, Sơn Tinh, cô Tấm, rồi vai chị Sáu. Đùn đẩy mãi không ai chịu nhận vai xấu xí, độc ác. Cuối cùng, phải chọn cách oản tù tì phân vai. Sau đó, mỗi đứa được đội một chiếc mũ để phân biệt nhân vật. Mũ của vua phải có vương miện thật to. Mũ của công chúa thì phải có tua rua thật điệu. Bà tiên thì sẽ có mũ lấp lánh ánh sao... Tất cả những thứ ấy, chỉ cần một ít giấy màu, một ít cơm nguội, vài sợi len màu và cái kéo nhỏ. Rồi anh Điệp đo đo, cắt cắt, chị Huyền hí hoáy buộc buộc, dán dán. Loáng một cái, bọn mình đã có những cái mũ thật phù hợp. Mình nhớ như in lần đầu tiên được đóng vai bà tiên với chiếc mũ màu xanh da trời và biết bao ông sao bằng giấy bạc lấy từ vỏ bao thuốc lá bỏ đi cứ óng a óng ánh. Là bà tiên thì phải có cây đũa thần kỳ chứ. Nhưng chả lẽ lại lấy cái đũa ăn cơm ở nhà thì chán chết. Thế là quyết định lấy trộm cây xe điếu bố dùng hút thuốc lào để làm dụng cụ biểu diễn. Mình cắt thật nhiều ngôi sao đủ màu rồi xiên thành từng dây qua ống xe điếu. Tối hôm ấy, ai cũng khen sao cây đũa của bà tiên đẹp thế khiến mình sung sướng tưởng đang bay lượn như các bà tiên trong giấc mơ.

Rồi thời gian dần trôi trong những trò chơi thuở nhỏ, đàn chim non đã đủ lông, đủ cánh sải bay tới những miền đất mới đầy hứa hẹn. Khu tập thể với bãi đất trống - cái khoảng trời thân thương của chúng mình ngày xưa giờ không còn nữa, thay vào đó là một cơ sở sản xuất hàng nông sản xuất khẩu với giăng giăng là cột điện, những khung nhà thép và tiếng máy chạy ầm ào. Mỗi khi có dịp hàn huyên, trong nỗi niềm rưng rưng về một thời khốn khó, thiếu thốn đủ bề, lại rộn rã bao chuyện về những trò chơi thời thơ ấu. Lúc ấy, bao lo toan của bộn bề cuộc sống thường nhật lại bị chìm đi. Và bao giờ cũng thế, khúc vĩ thanh về tuổi xanh thơ ngây ấy luôn là nỗi tâm tư không gọi được thành tên…

Thanh Mai

 

Tin liên quan