Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức được Quốc hội thông qua ngày 25-11-2019 tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, gồm ba điều với nhiều nội dung mới. Trong đó, Điều 1 của Luật quy định 22 nội dung được sửa đổi, bổ sung đối với Luật Cán bộ, công chức; Điều 2 quy định 13 nội dung được sửa đổi, bổ sung đối với Luật Viên chức; Điều 3 quy định hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2020.
Đáng chú ý, trong các nội dung điều chỉnh của Luật Viên chức, Luật quy định kể từ ngày 1-7-2020 thực hiện Hợp đồng làm việc xác định thời hạn đối với người được tuyển dụng làm viên chức, trừ một số trường hợp được quy định khác.
Các trường hợp viên chức vẫn thực hiện hợp đồng làm việc không xác định thời hạn gồm: Viên chức được tuyển dụng trước ngày 1-7-2020; Cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức theo quy định; Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; và các trường hợp được Chính phủ quy định chi tiết.
Bên cạnh đó, trong các nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật cán bộ, công chức, Luật quy định công chức nghỉ hưu có thể bị kỷ luật “xóa tư cách chức vụ”. Theo đó, cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy vào tính chất, mức độ sẽ phải chịu một trong các hình thức xử lý kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm.
Việc xử lý kỷ luật này gắn với hệ quả pháp lý tương ứng của hành vi vi phạm.
2. Nâng chuẩn giáo viên
Luật Giáo dục năm 2019 được Quốc hội thông qua vào ngày 14-6-2019 tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, có nhiều điểm mới so với Luật Giáo dục năm 2009, trong đó có quy định nâng chuẩn trình độ của giáo viên các cấp.
Theo đó, kể từ 1-7-2020 khi Luật Giáo dục năm 2019 chính thức có hiệu lực, trình độ “chuẩn” của giáo viên được yêu cầu cao hơn, bằng trung cấp sư phạm không còn được chấp nhận. Tuy nhiên, những người đang giảng dạy có bằng trung cấp sẽ được nâng chuẩn theo lộ trình do Chính phủ quy định (Khoản 2 Điều 72 Luật 2019).
Ngoài ra, về việc biên soạn sách giáo khoa, Luật 2019 cũng khẳng định mỗi môn học có thể có một hoặc một số sách giáo khoa. Đồng thời, Luật cũng khuyến khích xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa.
Bên cạnh đó, Luật Giáo dục năm 2019 đã làm rõ tính liên thông, phân luồng, hướng nghiệp trong giáo dục, luật hóa chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đồng thời quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm.
3. Thêm nhiều nội dung về quản lý thuế
Luật Quản lý thuế được Quốc hội thông qua ngày 13-6-2019 tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV với nhiều nội dung mới đáng chú ý. Đặc biệt, Luật này lần đầu tiên quy định về quản lý thuế với hoạt động thương mại điện tử.
Cụ thể, tại khoản 2 Điều 151 Luật này nêu rõ: Quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2022 nhưng khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử trước ngày này.
Đồng thời, Luật cũng mở rộng quyền của người nộp thuế cũng như bổ sung thêm trường hợp được xóa nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.
Luật cũng sửa đổi phạm vi điều chỉnh, bảo đảm bao quát việc quản lý các loại thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước, sửa đổi các quy định để tạo cơ sở pháp lý cho quản lý thuế hiện đại, tiếp cận tới những chuẩn mực, thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người nộp thuế, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý thuế cũng như các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế.
4. Nhiều quy định mới về thủ tục làm hộ chiếu được áp dụng
Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam là một trong những Luật được xây dựng hoàn toàn mới, quy định về hoạt động xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam, được Quốc hội thông qua ngày 22-11-2019 tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Luật có nhiều nội dung đáng chú ý về thủ tục làm hộ chiếu, như: Hộ chiếu được gắn chíp điện tử; Hộ chiếu phổ thông được cấp cho mọi công dân Việt Nam mà không có sự phân biệt về độ tuổi; Có Căn cước công dân sẽ được cấp hộ chiếu ở bất cứ nơi nào…
Về Hộ chiếu có gắn chíp điện tử, Luật quy định chỉ cấp Hộ chiếu có gắn chíp điện tử cho công dân Việt Nam đủ từ 14 tuổi trở lên. Đồng thời, Luật cũng quy định rõ chín nhóm đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh và thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh.
5. Người nước ngoài có thể chuyển đổi mục đích thị thực
Bên cạnh việc ban hành một Luật mới hoàn toàn về việc xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam, quy định về việc nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam cũng được sửa đổi, bổ sung và chính thức được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Cụ thể, kể từ ngày 1-7-2020, khi Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (sửa đổi 2019) chính thức có hiệu lực, người nước ngoài có thể chuyển đổi mục đích thị thực trong một số trường hợp cụ thể (so với trước đây không cho phép người nước ngoài chuyển đổi mục đích thị thực). Khi đó, thị thực mới sẽ có ký hiệu, thời hạn phù hợp với mục đích được chuyển đổi.
Ngoài ra, Luật này còn bổ sung quy định cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài, sửa đổi điều kiện xuất cảnh, nhập cảnh của người nước ngoài tại Việt Nam.
6. Giảm số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, gồm 33 sửa đổi, bổ sung tại hai Luật Tổ chức và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2020.
Đặc biệt, ngoài điều khoản thi hành có hiệu lực từ ngày 1-7-2020 để kịp thời gian chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, Luật sửa đổi, bổ sung hai Luật Tổ chức còn có điều khoản chuyển tiếp đối với một số quy định liên quan đến số lượng đại biểu HĐND các cấp, cơ cấu Thường trực HĐND cấp tỉnh, số lượng cấp phó tại HĐND và UBND để áp dụng từ nhiệm kỳ 2021-2026.
Cụ thể, việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ gồm năm điểm: nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, chế độ công vụ, cán bộ, công chức, viên chức và công tác thi đua, khen thưởng; nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ; nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ; cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ; hình thức hoạt động của Chính phủ. Đáng chú ý, Luật mới bổ sung thêm một số quyền của Chính phủ như quyết định số lượng biên chế tối thiểu để tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp, số lượng cấp phó tối đa của các đơn vị trực thuộc cơ quan Chính phủ…
Đồng thời, việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương gồm 28 điểm, trong đó có ba nhóm nội dung đáng chú ý: về phân quyền, phân cấp, ủy quyền; về số lượng cấp phó của HĐND, UBND; về bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương. Theo đó, Luật mới bổ sung quy định về quốc tịch của đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) đồng thời cũng giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp.
7. Ngày 21-4 hằng năm là ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam
Ngày 21-11-2019, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Thư viện thay thế cho Pháp lệnh Thư viện năm 2000. Theo đó, lần đầu tiên chính thức lấy ngày 21-4 hằng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, nhằm phát triển văn hóa đọc và từng bước hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức trên phạm vi cả nước.
Đồng thời, Luật quy định Nhà nước đầu tư cho thư viện công lập các nội dung: Ưu tiên đầu tư cho Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện cấp tỉnh và thư viện có vai trò quan trọng; Hiện đại hóa thư viện; xây dựng thư viện số, tài nguyên thông tin dùng chung, tài nguyên thông tin mở; liên thông thư viện trong nước và nước ngoài; Sưu tầm, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu cổ, quý hiếm, các bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học…
Ngoài ra, Nhà nước cũng hỗ trợ đầu tư các nội dung: Cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực thư viện, phát triển văn hóa đọc; Duy trì và phát triển thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng không vì mục tiêu lợi nhuận; Cước vận chuyển tài liệu thư viện phục vụ nhiệm vụ chính trị, khu vực biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn…
8. Bảo đảm chế độ chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ
Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) gồm tám chương và 50 điều, được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020, thay thế cho Luật Dân quân tự vệ năm 2009. Luật mới đã bổ sung thêm nhiều trường hợp được tạm hoãn nghĩa vụ dân quân tự vệ như nam giới một mình nuôi con nhỏ dưới 3 tháng tuổi, là lao động chính duy nhất trong hộ cận nghèo…
Đáng chú ý, Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) quy định rõ bảy nhiệm vụ của lực lượng dân quân tự vệ. Đồng thời, Luật cũng quy định rõ về tổ chức, vũ khí, biên chế, trang bị của dân quân tự vệ.
Luật cũng quy định rõ chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ bị ốm, bị tai nạn, chết, bị thương, hy sinh. Cụ thể, đối với trường hợp không tham gia bảo hiểm y tế, nếu bị ốm, bị tai nạn, bị thương thì được thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Đối với trường hợp không tham gia bảo hiểm xã hội, nếu bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa thì được xét trợ cấp tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động; nếu chết thì được hưởng trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí.
Đối với trường hợp bị thương thì được xét hưởng chính sách như thương binh, nếu hy sinh được xét công nhận là liệt sĩ theo quy định của pháp luật.
9. Độ tuổi quân nhân dự bị trong thời bình cao nhất đến 45
Luật Lực lượng dự bị động viên được thông qua ngày 26-11-2019 tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2020, thay thế Pháp lệnh Lực lượng Dự bị động viên năm 1996.
Theo đó, Luật quy định về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; chế độ, chính sách và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên.
Luật cũng quy định rõ về độ tuổi của quân nhân dự bị trong thời bình. Cụ thể, độ tuổi quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên được quy định như sau: Nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị không quá 40 tuổi; hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 35 tuổi được sắp xếp vào đơn vị chiến đấu; Nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 45 tuổi; nữ quân nhân dự bị không quá 40 tuổi được sắp xếp vào đơn vị bảo đảm chiến đấu...
Đáng chú ý, về bồi thường thiệt hại do việc điều động, huy động phương tiện kỹ thuật dự bị gây ra, Luật quy định “việc bồi thường thiệt hại do việc điều động, huy động phương tiện kỹ thuật dự bị gây ra thực hiện theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản”, bảo đảm phù hợp, rõ ràng, minh bạch và thống nhất trong hệ thống pháp luật.
10. Kiểm toán Nhà nước có có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, có hiệu lực thi hành từ 1-7-2020. Theo đó, Luật mới sửa đổi, bổ sung 15 nội dung của Luật Kiểm toán nhà nước số 81/2015/QH13, và 7 nội dung của Luật Tố tụng hành chính số 93/2015/QH13.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước, Luật mới quy định Kiểm toán Nhà nước (KTNN) có quyền ra quyết định kiểm toán không cần "dấu hiệu tham nhũng". Luật mới cũng đã bổ sung quy định về cơ chế phản hồi của KTNN trong trường hợp không thực hiện kiểm toán và bổ sung quy định về cung cấp kết quả kiểm toán cho các chủ thể đề nghị kiểm toán theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Đáng chú ý, Luật mới cũng quy định KTNN có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để bảo đảm đầy đủ, kịp thời xử lý các vi phạm, nâng cao hiệu quả hoạt động của KTNN; quy định về trình tự, thủ tục, hành vi vi phạm, mức xử phạt hành chính... sẽ được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính để tránh trùng lặp trong hệ thống pháp luật.
11. Phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc
Luật Kiến trúc được thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, gồm 5 Chương và 41 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020. Về phạm vi điều chỉnh, Luật quy định về quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc.
Về đối tượng áp dụng, Luật được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kiến trúc trên lãnh thổ Việt Nam.
Đáng chú ý, Luật Kiến trúc giao Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức, nghiên cứu, khảo sát, đánh giá để quy định về bản sắc văn hóa dân tộc trong Quy chế quản lý kiến trúc, nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực kiến trúc trên địa bàn.
Trong quá trình xây dựng Quy chế, UBND cấp tỉnh căn cứ nội dung về bản sắc văn hóa dân tộc trong định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam, nếu thấy cần thiết sẽ xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương.
Đặc biệt, Luật Kiến trúc nêu rõ, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc.
12. Bí mật Nhà nước phân thành 3 cấp độ
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước đã được thông qua gồm năm Chương và 28 Điều. Luật có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2020, thay thế cho Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước số 30/2000/PL-UBTVQH10.
Theo quy định của Luật, bí mật Nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, được phân thành 3 mức độ: Tuyệt mật, Tối mật và Mật.
Luật quy định thời gian bảo vệ bí mật Nhà nước là khoảng thời gian được tính từ ngày xác định độ mật của bí mật Nhà nước đến: 30 năm đối với bí mật Nhà nước thuộc mức độ Tuyệt mật; 20 năm đối với bí mật Nhà nước thuộc mức độ Tối mật; 10 năm đối với bí mật Nhà nước thuộc mức độ Mật.
Nguồn: nhandan.com.vn