Trong ngày 3/5, Philippines ghi nhận 7.255 ca nhiễm mới, trong khi con số này ở Indonesia là 4.730 ca, ở Malaysia là 2.500 ca, ở Thái Lan là 2.041 ca,… Điều này cho thấy, tình hình dịch bệnh ở khu vực Đông Nam Á vẫn rất phức tạp.
Trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 4/5 cho thấy, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 154.138.636 ca, trong đó 3.225.929 ca tử vong và 132.196.736 ca đã được chữa khỏi.Trong ngày hôm qua, thế giới ghi nhận thêm 635.861 ca nhiễm mới. Trong đó, Mỹ - nước chịu ảnh hưởng nhất của đại dịch COVID-19 - ghi nhận số ca nhiễm mới là 34.149 ca, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 33.222.217, trong đó 591.476 ca tử vong. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết tính đến sáng 2/5 (giờ địa phương), nước này đã phân phối tổng cộng hơn 253 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 tới các cơ sở y tế trên cả nước để thực hiện các chiến dịch tiêm chủng.
Chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai bởi đại dịch là Ấn Độ. Trong 10 ngày qua, Ấn Độ liên tục ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 trên 300.000 ca/ngày, trong đó có ngày 30/4 ghi nhận hơn 400.000 ca mắc mới, ngày 3/5 ghi nhận 355.828 ca mắc mới. Báo Times of India dẫn nguồn tin chính quyền cho biết Chính phủ Ấn Độ ít có khả năng sẽ áp đặt một lệnh phong tỏa trên quy mô toàn quốc, dù đã khuyến cáo các bang và vùng lãnh thổ liên bang thực hiện những biện pháp nghiêm ngặt và áp dụng biện pháp phong tỏa phù hợp để phá vỡ chuỗi lây lan của virus SARS CoV-2.
Brazil trở thành quốc gia đứng thứ ba thế giới về số ca mắc với 14.779.529 ca và số ca tử vong là 408.622. Riêng ngày hôm qua, nước này ghi nhận thêm 24.619 ca nhiễm mới, 847 ca tử vong.
Châu Âu là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (44.854.519 ca). Với 40.952.685 ca mắc, châu Á trở thành khu vực bị ảnh hưởng thứ hai. Tiếp đến là Bắc Mỹ với 38.494.862 ca và Nam Mỹ với 25.157.297 ca. Châu Phi (4.615.351 ca) và châu Đại Dương (63.201 ca) là 2 khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.
Tại Bắc Mỹ, Mexico là quốc gia có số ca mắc COVID-19 đứng thứ hai (sau Mỹ - quốc gia dẫn đầu khu vực và thế giới về số ca mắc và tử vong). Trong 24 giờ qua, nước này xác nhận thêm 1.093 ca mắc COVID-19 và 65 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc lên 2.348.873 ca, trong đó 217.233 ca tử vong.
Tại Nam Mỹ, sau Brazil, Argentina là nước chịu ảnh hưởng lớn thứ hai bởi đại dịch với 3.021.179 ca nhiễm, trong đó 64.792 ca đã tử vong.
Tại châu Phi, Tunisia ghi nhận thêm 1.004 ca mắc mới COVID-19 trong ngày hôm qua và 47 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca mắc ở nước này lên 312.747 ca, trong đó có 10.915 ca tử vong. Hiện Tunisia xếp thứ 3 trong số 10 quốc gia châu Phi có số ca mắc COVID-19 cao nhất châu lục, chỉ sau Nam Phi và Maroc.
Châu Đại Dương là khu vực bị ảnh hưởng ít nhất bởi đại dịch. Trong đó, Australia ghi nhận số ca mắc COVID-19 nhiều nhất với 29.838 ca, trong nhiều ngày qua, nước này không ghi nhận thêm trường hợp tử vong mới, vẫn dừng ở mức 910 ca.
Tại châu Âu, Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất mở rộng danh sách người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Liên minh châu Âu (EU) với một số điều kiện nhất định. Theo đề xuất, EU sẽ cho phép nhập cảnh vì lý do không cấp thiết đối với tất cả những người đến từ các nước và vùng lãnh thổ có tình hình dịch tễ diễn biến tích cực và những người đã tiêm đủ liều các loại vaccine COVID-19 được EU cấp phép.
Tại châu Á, Bộ Y tế Nhật Bản thông báo số bệnh nhân COVID-19 thể nặng ở nước này tăng thêm 34 người lên 1.084 người, mức cao nhất từ trước đến nay trong ngày thứ hai liên tiếp. Số bệnh nhân thể nặng chiếm đến 50% số giường bệnh tại các khoa chăm sóc đặc biệt của một số tỉnh, trong đó có Osaka và Hyogo lân cận hiện đang áp đặt lệnh tình trạng khẩn cấp kể từ cuối tháng 4 vừa qua.
Lào ghi nhận tình hình dịch bệnh diễn biến theo hướng tích cực hơn. Bộ Y tế Lào ngày 3/5 cho biết nước này đã ghi nhận 33 ca mắc mới tại 6/18 tỉnh, thành trong 24 giờ qua, giảm hơn 3 lần so với 112 ca được phát hiện trong ngày 2/5. Đến nay, tổng số ca mắc tại Lào là 966 ca, trong đó có hơn 900 ca được phát hiện từ đầu tháng 4 đến nay, phần lớn đều là các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện Lào đã chữa khỏi cho 60 bệnh nhân và chưa có trường hợp nào tử vong.
Trong khi đó, Bộ Y tế Campuchia xác nhận có thêm 841 ca mắc mới, tất cả đều là lây nhiễm cộng đồng, cao hơn so với 730 ca của một ngày trước đó. Tổng số ca bệnh nhân COVID-19 tại nước này từ đầu dịch đến nay hiện là 15.361 người. Bộ trên cũng thông báo về 61 ca đã bình phục và thêm 4 ca tử vong từ ngày 1-3/5 trong độ tuổi từ 24 đến 61 tại Phnom Penh và Kampong Chnang, nâng số bệnh nhân tử vong vì COVID-19 tại Campuchia lên 106 người.
Thái Lan ghi nhận thêm 31 ca tử vong, mức cao nhất kể từ đầu dịch, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 276 ca. Bộ Y tế Thái Lan ghi nhận 2.041 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 71.025 ca. Chuyên gia y tế cảnh báo Thái Lan sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khi quốc gia Đông Nam Á này liên tiếp ghi nhận số người tử vong do đại dịch ở mức cao kỷ lục trong 3 ngày qua.
Trong ngày 3/5, Philippines công bố 7.255 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 1.062.225 ca. Số ca tử vong tại đây tăng thêm 94 ca lên 17.525 ca. Trong khi đó, Malaysia ghi nhận 2.500 ca mắc mới, trong đó có 4 ca nhập cảnh và 2.496 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia Đông Nam Á này lên 417.512 ca. Malaysia cũng xác nhận thêm 18 ca tử vong, nâng tổng số ca không qua khỏi tại đây lên 1.551 ca. Trong khi đó, số ca bình phục tăng thêm 2.068 người lên 385.208 người./.
Nguồn: dangcongsan.vn