KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 18/03/2022 - Lượt xem: 87
Sớm hoàn thiện chính sách đãi ngộ đối với nhân viên y tế

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 thời gian qua đã đặt đội ngũ cán bộ y tế vào trạng thái luôn sẵn sàng nhận các nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm, có thể ảnh hưởng tới sinh mạng. Vì thế việc hoàn thiện, bổ sung chính sách đãi ngộ là việc cần sớm giải quyết, không chỉ để tri ân, bảo đảm lợi ích nghề nghiệp xứng đáng với các “chiến sĩ áo trắng”, mà còn là một giải pháp cơ bản, lâu dài, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Ảnh minh họa.
Tính đến nay, dịch Covid-19 ở Việt Nam đã qua bốn giai đoạn với những diễn biến khác nhau, hết sức khó lường. Và để thích ứng linh hoạt với các tình huống mới, qua mỗi giai đoạn công tác phòng, chống dịch cũng có nhiều thay đổi. Trong cả bốn giai đoạn, duy nhất một điều không thay đổi là toàn ngành y luôn quán triệt sâu sắc tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Song đại dịch đã gây áp lực rất lớn đến hệ thống y tế, trong đó đội ngũ nhân viên y tế luôn ở tuyến đầu trong phòng, chống dịch. Ngay từ khi có dịch, ngành y tế đã huy động hàng chục nghìn cán bộ, nhân viên ở mọi miền Tổ quốc tham gia phòng, chống, hỗ trợ các “điểm nóng” là tâm dịch với mục tiêu khống chế nhanh nhất có thể, giảm tỷ lệ tử vong cho người bệnh. Để hoàn thành nhiệm vụ với hiệu quả cao nhất nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người, rất nhiều cán bộ, nhân viên y tế phải thường xuyên làm việc tập trung từ 10 đến 12 giờ mỗi ngày.
Vào lúc cao điểm, một nhân viên y tế phải theo dõi, chăm sóc hàng chục đến hàng trăm bệnh nhân. Việc những người thầy thuốc không được gặp người thân trong vài tháng liên tiếp đã thành điều bình thường. Không ít người phải chuyển nơi ở vì sợ lây nhiễm người thân, không ít người phải lùi ngày tổ chức đám cưới...
Và những ban thờ bái vọng người thân qua đời do nhân viên y tế không thể về tiễn biệt được sẽ là những hình ảnh không thể nào quên. Chưa kể, có cả những mất mát, hy sinh khi có những cán bộ y tế nhiễm Covid-19 không qua khỏi; 2.300 nhân viên y tế bị lây nhiễm khi làm việc. Từ đây phần nào cho thấy tinh thần cống hiến hết sức mình, những hy sinh thầm lặng không thể đo đếm của “những chiến sĩ áo trắng”.
Trước nỗ lực cống hiến, sự tận tâm và công sức của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế một chế độ đãi ngộ thỏa đáng là rất cần thiết, kể cả trong điều kiện không có dịch bệnh. Điều này không chỉ giúp ổn định, nâng cao đời sống hằng ngày, mà còn là sự ghi nhận, khích lệ, động viên của Nhà nước và xã hội với những đóng góp, cống hiến của họ.
Thực tế, Đảng và Nhà nước luôn đánh giá cao, thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, vất vả, hy sinh của các cán bộ, nhân viên y tế. Đồng thời, cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho ngành y, thể hiện cụ thể qua các chính sách, chế độ đãi ngộ đặc thù nghề nghiệp đã được áp dụng trong thời gian qua.
Đặc biệt, trong hơn hai năm phòng, chống dịch, đã có những thay đổi kịp thời trong chính sách đãi ngộ, phần nào giúp nhân viên y tế yên tâm công tác. Cụ thể như: nâng phụ cấp lên so với quy định cũ; chế độ tiêm vắc-xin, chế độ đối với tình nguyện viên như sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng, người có chuyên môn song không hưởng lương từ ngân sách nhà nước,... được hưởng phụ cấp chống dịch.
Ngoài ra, phụ cấp phòng, chống dịch cũng tăng lên đối với người lao động, bao gồm cả người tình nguyện, sinh viên, người có chuyên môn không hưởng lương ngân sách nhà nước làm việc tại cơ sở thu dung, điều trị tại thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Bình Dương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong thời gian từ ngày 1/8 đến 31/10/2021.
Vừa qua, Chính phủ đã giao Bộ Y tế xây dựng sửa đổi Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức làm việc trong các cơ sở y tế công lập. Theo đó, sẽ nâng phụ cấp lên 100% đối với nhân viên đã được bổ nhiệm chức danh nghề viên chức y tế thường xuyên làm việc ở cơ sở y tế dự phòng và các trạm y tế.
Có thể thấy, lâu nay, chính sách đãi ngộ đối với nhân viên y tế vẫn luôn được quan tâm, nhưng trong hai năm đại dịch Covid-19 đã “nóng” trở lại, bởi bộc lộ một số bất cập, chưa thật sự tương xứng với công sức, cống hiến cũng như áp lực cụ thể trong công việc của đội ngũ cán bộ y tế, nhất là người trực tiếp tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Do ảnh hưởng của đại dịch, số lượng người bệnh đến điều trị tại các bệnh viện giảm khiến nguồn thu giảm, nhân viên y tế do đó cũng bị cắt nhiều khoản phụ cấp tăng thêm.
Chế độ phụ cấp đối với điều trị bệnh nhân Covid-19 lại chưa kịp thời và thỏa đáng do nhiều nguyên nhân. Nghị quyết 12/2021/UBTVQH15 ngày 30/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 nhưng chưa ban hành hướng dẫn thực hiện.
Điều này gây không ít trở ngại cho các cơ sở y tế trong việc dự toán, thanh toán, quyết toán chi phí điều trị bệnh nhân Covid-19 và chi phí phòng, chống dịch. Ngoài ra, một bất cập khác là chưa có cơ sở pháp lý và hướng dẫn cụ thể cho việc tiếp nhận nguồn nhân lực điều trị bệnh nhân Covid-19 nên việc thanh toán, chi trả cho những trường hợp được nhận làm việc còn nhiều khó khăn, lúng túng.
Mới đây, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã công bố kết quả nghiên cứu về “Tình trạng lương khu vực công đối với nhân viên y tế tuyến đầu trong Covid-19” với 2.700 nhân viên y tế, trong số này có 53% là nhân viên y tế có tiếp xúc bệnh nhân Covid-19 hàng ngày và 35,6% nguy cơ nhiễm vi-rút. Theo đó, có hơn 1/3 cho biết lương, thưởng và phụ cấp của họ đã bị giảm.
Đáng chú ý, tính tới hết tháng 12/2021, hơn 62% cán bộ y tế chưa nhận được bất kỳ một khoản phụ cấp nào; hơn 80% không thể chi trả hoặc chỉ có thể chi trả một phần chi phí sinh hoạt của bản thân và gia đình. Khoảng 40% trong số những người được khảo sát gặp phải những khó chịu và suy giảm về sức khỏe thể chất; khoảng 70% bị lo lắng và trầm cảm...
Trong một cuộc tọa đàm về dịch Covid-19 và chính sách đối với nhân viên y tế được tổ chức gần đây, PGS,TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã có những chia sẻ rất chân thành và đáng chú ý rằng: “Chúng tôi đang cố gắng hết sức để nhân viên y tế có thu nhập bằng như trước khi xảy ra đại dịch. Các bệnh viện khác tôi biết là hầu như bị cắt giảm hết tiền thu nhập tăng thêm, chỉ còn lương cơ bản”.
Chia sẻ của một người đã từng đến và trực tiếp điều trị tại những nơi khốc liệt nhất của dịch bệnh cho thấy phần nào khó khăn của cán bộ, nhân viên y tế. Theo thông tin từ Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, riêng 10 tháng đầu năm 2021 đã có gần 1.000 nhân viên y tế tại thành phố xin nghỉ việc. Cũng theo Sở này, số nhân viên nghỉ việc có xu hướng tăng ở vị trí điều dưỡng và bác sĩ ở tuyến trạm y tế và đây là các vị trí vốn còn nhiều băn khoăn về chế độ đãi ngộ.
Nghị quyết số 20 Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, đã xác định: “Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt”.
Từ đặc thù là việc đào tạo đội ngũ nhân viên cần thời gian dài, công việc liên quan trực tiếp tính mạng, sức khỏe con người nhưng cũng luôn đối diện với nguy cơ và rủi ro cao, nên không chỉ ở thời điểm dịch Covid-19 xảy ra, mà cần có cách tiếp cận tổng thể để xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ đồng bộ, đặc thù cho lực lượng y tế ở tất cả các tuyến, các lĩnh vực nhằm ứng phó hiệu quả, kịp thời với các loại bệnh tật và dịch bệnh.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, ngoài nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, phân bổ nguồn lực hợp lý giữa y tế dự phòng, y tế cơ sở và y tế điều trị, thì quan trọng nhất là phải nâng cao chất lượng nhân lực y tế, từ đó, nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc người bệnh. Song song với đó, cải cách và đổi mới cơ chế tài chính y tế cũng rất cần thiết; qua đó, nâng cao được thu nhập đối với nhân viên y tế, nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng, giúp họ yên tâm công tác.
Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, chủ trương là nâng cao thu nhập nhưng chế độ tiền lương phải đúng chính sách và giá trị lao động. Đối với ngành y, tiền lương không chỉ nhằm nâng cao hơn năng suất, hiệu quả mà còn là giá trị nhân văn, tinh thần trách nhiệm đối với nhân dân.
Cụ thể, theo ông, trước mắt, khi chưa kịp sửa đổi hệ thống pháp luật, chưa thực hiện được cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp thì việc tăng phụ cấp, hỗ trợ đối với cán bộ y tế có ý nghĩa hết sức quan trọng và rất cần thiết.
Vì vậy cần sửa Nghị định 56/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập theo đề xuất của Bộ Y tế, để nâng và điều chỉnh các khoản phụ cấp. Bên cạnh đó, về lâu dài, cần xây dựng một khung chế độ phụ cấp đặc biệt trong đối phó dịch bệnh để khi dịch bệnh xảy ra, có thể áp dụng ngay. Thiết nghĩ đó là các ý kiến thiết thực, không chỉ trong phòng, chống dịch Covid-19, mà còn thể hiện sự quan tâm của Nhà nước, của xã hội đối với “những chiến sĩ áo trắng” hết mình vì người bệnh.
Nguồn: https://nhandan.vn
Tin liên quan