KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 23/06/2020 - Lượt xem: 127
Tích tụ ruộng đất nông nghiệp để sản xuất lúa

Tình trạng nông dân không muốn gieo cấy, thậm chí bỏ ruộng, đã trở nên phổ biến ở nhiều địa phương trong tỉnh. Trước thực trạng trên, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã chủ động thuê, mượn ruộng để canh tác lúa với quy mô lớn, góp phần ổn định an ninh lương thực, tăng hiệu quả kinh tế và tránh lãng phí tài nguyên đất.  

* Hiệu quả từ những mô hình sản xuất lúa quy mô lớn

Ông Nguyễn Xuân Đoàn, Giám đốc Công ty TNHH công nghệ phát triển nông nghiệp xanh cho biết: Trước thực tế nông dân ở nhiều địa phương không mặn mà với sản xuất lúa, thậm chí có hộ bỏ ruộng không gieo cấy nên năm 2019, công ty đã thuê đất để sản xuất lúa tại huyện Yên Mỹ. Vụ xuân năm nay, công ty tiếp tục thực hiện mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong canh tác lúa tại huyện Yên Mỹ với quy mô 40ha gieo cấy bằng giống lúa Nếp thơm Hưng Yên. Tất cả các khâu từ làm đất, bón phân, gieo cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch đều được áp dụng cơ giới hóa. Qua theo dõi và đánh giá, so với sản xuất theo truyền thống, lúa trong mô hình sinh trưởng, phát triển tốt, nhiễm nhẹ với sâu bệnh, năng suất thực thu đạt 72,2 tạ/ha, cao hơn 5,8 tạ/ha, trừ chi phí thu lãi 21,57 triệu đồng/ha, cao hơn gần 8,8 triệu đồng/ha. Dự kiến trong vụ mùa năm nay, công ty tiếp tục thuê ruộng mở rộng diện tích gieo cấy sang các địa phương khác lên khoảng 200ha.

Ông Trần Văn Hương thu hoạch lúa xuân
Ông Trần Văn Hương ở xã Thụy Lôi (Tiên Lữ) cho biết: "Trước đây, tôi từng chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô lớn, mang lại lợi nhuận cao nhưng cũng lắm rủi ro bởi ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường. Nhận thấy ở xã, nhiều gia đình không có nhu cầu gieo cấy nên từ năm 2018, tôi đã thuê ruộng để sản xuất lúa. Đến nay, diện tích đã tăng lên 23 mẫu, duy trì gieo cấy các nhóm lúa nếp và lúa tẻ năng suất cao. Vụ xuân áp dụng gieo thẳng, vụ mùa chủ yếu cấy bằng mạ. Để hạn chế chi phí thuê nhân công và bảo đảm mùa vụ, tôi đầu tư mua máy làm đất, máy gặt, máy sấy thóc, máy phun thuốc bảo vệ thực vật”. Do tự thực hiện hầu hết các khâu trong sản xuất, nên ông Hương luôn đáp ứng được thời vụ, giảm được chi phí đầu vào, năng suất cao hơn so với lúa của những hộ nông dân khác; thu hoạch xong có thương lái thu mua tại ruộng. Cũng theo ông Hương, nếu không chủ động được nhân lực, phương tiện sản xuất, phải thuê hoàn toàn thì gieo cấy lúa gần như không có lãi, nhưng tự bảo đảm hầu hết khâu làm đất, phòng trừ sinh vật hại, thu hoạch, chỉ thuê nhân công vào thời điểm gieo cấy, thu hoạch thì 1 sào cho thu lãi 300 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/vụ, tương đương 600 nghìn đến 2 triệu đồng/năm. Tuy tỷ suất lợi nhuận trên mỗi sào canh tác lúa không cao, nhưng gieo cấy với diện tích lớn sẽ mang lại doanh thu và lợi nhuận khá cho người sản xuất.

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp và PTNT, những mô hình tích tụ ruộng đất để sản xuất lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất  manh mún, nhỏ lẻ, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp. Các hình thức tích tụ chính gồm: Thuê ruộng đất công điền do cấp xã quản lý, hoặc thuê ruộng, mượn ruộng, chuyển nhượng quyền sử dụng ruộng của nông dân không có nhu cầu sử dụng, sau đó đầu tư cải tạo, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất những giống lúa có năng suất, chất lượng tốt… nên giảm chi phí, giảm công lao động, tăng năng suất và lợi nhuận, tiêu thụ nông sản thuận lợi. Một số mô hình có sự liên kết trong sản xuất và kết nối với doanh nghiệp tiêu thụ nông sản ổn định như: Mô hình góp ruộng tổ chức liên kết sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm với doanh nghiệp tại xã Hưng Đạo (Tiên Lữ); mô hình thuê ruộng, mượn ruộng kết hợp thầu đất công điền ở xã Nguyễn Trãi (Ân Thi) và phường Phùng Chí Kiên (thị xã Mỹ Hào) để sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm quy mô từ 10-20ha… cho hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 1,2-1,5 lần so với sản xuất đại trà. 

* Cần tháo gỡ những rào cản trong tích tụ ruộng đất

Nhằm khắc phục khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy nông nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững, Trung ương và tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo như: Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5.8.2008 của BCH Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 27.6.2016 của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XVIII) về Chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giá trị gia tăng cao, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó BCH Đảng bộ tỉnh đã xác định khuyến khích tích tụ ruộng đất là giải pháp đột phá trong các giải pháp để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của BCH Trung ương, BCH Đảng bộ tỉnh, ngày 6.10.2016, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết số 49/2016/NQ-HĐND về việc ban hành Quy định một số chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
 
Các đại biểu tham quan mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong canh tác lúa Nếp thơm Hưng Yên tại huyện Yên Mỹ
Ngày 22.1.2018, UBND tỉnh phê duyệt Đề án khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo quy mô lớn giai đoạn 2017-2020 với những cơ chế hỗ trợ cụ thể cho từng đối tượng cho thuê, mượn đất, đối tượng tích tụ ruộng đất để sản xuất. Tuy nhiên, theo một số cán bộ, nhiều chủ doanh nghiệp và nông dân, cơ chế, chính sách để khuyến khích việc tích tụ ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là để gieo cấy lúa chưa hấp dẫn, còn nhiều bất cập, do đó diện tích tích tụ chưa nhiều, ruộng còn phân tán, không tập trung.
 
Cụ thể, theo quy định của Luật Đất đai hiện hành, thời hạn cho thuê, thầu đất công điền do cấp xã quản lý ngắn (tối đa 5 năm) nên hầu như chưa có đổi mới về cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Thủ tục để thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phức tạp; mặt khác nhiều địa phương trong tỉnh chưa thực hiện xong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân cũng như cấp đổi giấy chứng nhận sau dồn thửa đổi ruộng. Mức hạn điền trong Luật Đất đai cũng hạn chế việc tư nhân có điều kiện kinh tế tham gia tích tụ ruộng đất để tổ chức lại sản xuất. Cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chưa phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa, khó tiếp cận. Theo Đề án khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo quy mô lớn giai đoạn 2017-2020 của tỉnh, diện tích khu vực tích tụ phải tập trung, liền thửa và khuyến khích quy mô từ 5 ha trở lên, thời gian hợp đồng góp ruộng, thuê ruộng sản xuất từ 10 năm trở lên... nên rất khó thực hiện được trong thực tế. Đến nay, hơn 2 năm đề án được phê duyệt nhưng vẫn chưa bố trí kinh phí, những đối tượng liên quan chưa được hưởng lợi từ hỗ trợ.

Ngoài những bất cập về cơ chế, chính sách, một bộ phận nông dân vẫn có tâm lý giữ đất mặc dù không có nhu cầu sản xuất. Tại những khu vực phát triển công nghiệp, người dân vẫn có tư tưởng mong chờ hưởng lợi từ đất nông nghiệp do giải phóng đền bù với mức cao. Biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan và khó lường, trong khi sản xuất nông nghiệp phụ thuộc lớn vào thiên nhiên. Công tác xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, đầu ra của sản phẩm nông nghiệp thiếu ổn định. Do đó, thời gian tới, các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương cần tập trung tháo gỡ những khó khăn nêu trên, trong đó cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách về đất đai, tài chính, quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, thủ tục hành chính... tạo điều kiện thuận lợi và hấp dẫn cho những cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu tích tụ ruộng đất. Mặt khác, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân không có nhu cầu sử dụng đất cho thuê, mượn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu tích tụ ruộng đất; có kế hoạch đào tạo, chuyển đổi nghề cho nông dân...
Nguồn: baohungyen.vn
Tin liên quan